Mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên
Theo Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, quy định về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng tại Điều 20 là nội dung vẫn còn ý kiến khác nhau.
Một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về mô hình của Văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Một số ý kiến đề nghị các phương án như sau: một là, Văn phòng công chứng được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; hai là, loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân áp dụng đối với Văn phòng công chứng được thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.
Nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về mô hình Văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh trên phạm vi cả nước hoặc quy định theo hướng loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với Văn phòng công chứng thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh. Quy định này có ưu điểm là mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập Văn phòng công chứng. Luật hiện hành và dự thảo Luật đều quy định cho phép Văn phòng công chứng được thuê công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động, qua đó đã khắc phục được những bất cập của Văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân phụ thuộc vào 1 công chứng viên duy nhất.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành với cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị tiếp tục kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng chỉ là công ty hợp danh như dự thảo Luật do Chính phủ trình nhằm bảo đảm tính ổn định của loại hình tổ chức này, đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, phù hợp với tính chất của dịch vụ công chứng là dịch vụ công nên yêu cầu quan trọng là phải bảo đảm tính liên tục của việc cung cấp dịch vụ. Văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân do 1 công chứng viên làm chủ khó đáp ứng được yêu cầu này. Một số bất cập trong thực tiễn liên quan đến mô hình công ty hợp danh của Văn phòng công chứng đã được giải quyết bằng các quy định của dự thảo Luật về trách nhiệm và nghĩa vụ của công chứng viên khi chấm dứt tư cách thành viên hợp danh.
Thống nhất với đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật loại hình tổ chức hành nghề công chứng doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh. Đồng thời cho rằng, trước mắt loại hình này cho phép áp dụng tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, còn các địa bàn khác thì áp dụng loại hình công ty hợp danh.
Có tạo ra sự không thống nhất không?
Bày tỏ đồng tình mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng nên có cả loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, loại hình doanh nghiệp tư nhân được áp dụng đối với Văn phòng công chứng thành lập ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, còn đối với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh như phương án đề xuất của nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật. Song, để bảo đảm những lập luận cũng như có những căn cứ trình Quốc hội và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo phối hợp báo cáo làm rõ hơn với Quốc hội.
“Nếu tiếp thu, chỉnh lý như đề xuất của nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật thì cũng phải làm rõ những quy định trong hoạt động công chứng của các tổ chức này đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh vướng mắc gì không và ưu, nhược điểm của các phương án này như thế nào. Nếu quy định như vậy thì có tạo ra sự không thống nhất trong mô hình hoạt động của văn phòng công chứng trong phạm vi cả nước hay không?”. Đặt vấn đề như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh yêu cầu nghiên cứu kỹ Luật Doanh nghiệp để phân tích đối với cả hai loại mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh.
Giải trình tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Luật Công chứng năm 2006 đã quy định mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng gồm hai loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, nhưng đến năm 2014, sau một thời gian thi hành Luật đã phải điều chỉnh lại chỉ còn một loại hình là công ty hợp danh.
Theo Phó Thủ tướng, điều này xuất phát từ chủ thuyết dịch vụ công chứng là một dịch vụ công, lẽ ra là Nhà nước làm toàn bộ vì bản chất của dịch vụ công là phải bảo đảm tính liên tục, tính bền vững và tính chịu trách nhiệm. Văn phòng công chứng tư nhân chỉ có một người thì có thể xảy ra các bất trắc như ốm đau, qua đời... trong báo cáo của Bộ Tư pháp cũng đã dẫn ra khá nhiều trường hợp cụ thể. Và với hệ quả pháp lý của việc chứng nhận những tài sản như vậy thì sẽ không đúng với bản chất của dịch vụ công là phải liên tục và trách nhiệm.
“Chúng ta đã thử một lần rồi nhưng thấy không ổn thì mới đề nghị điều chỉnh lại vào năm 2014, bây giờ Chính phủ muốn báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tiếp tục cho thực hiện theo quan điểm này”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng cần phân tích, thuyết minh cụ thể hơn để thấy rõ ưu, nhược điểm của từng phương án và tiến tới nếu chọn được một phương án như Chính phủ trình thì hợp lý hơn; còn ý kiến khác vẫn đưa ra để đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật phối hợp Bộ Tư pháp nghiên cứu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp để tiếp thu, giải trình. Những nội dung nào tiếp thu được thì tiếp thu cụ thể, nội dung không tiếp thu được thì giải trình phải thuyết phục trên tinh thần “mọi ý kiến đều phải được tiếp thu, giải trình đầy đủ”.