Tăng cường trách nhiệm trong bảo vệ môi trường
Đại biểu Lê Thanh Hoàn nhất trí với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình giám sát Quốc hội năm 2025. Về giám sát chuyên đề, trên các kiến nghị, đề xuất giám sát của các cơ quan, tổ chức đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp đầy đủ với nhiều nội dung trên các lĩnh vực và đưa ra 2 chuyên đề để đại biểu Quốc hội xem xét, lựa chọn. Đây là các chuyên đề được lựa chọn phù hợp và có ý nghĩa thời sự.
Theo đại biểu, năm 2020, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường với hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022, riêng nội dung về đánh giá sơ bộ tác động môi trường có hiệu lực sớm hơn, từ ngày 1.2.2021. Trong đó, có những nội dung vẫn đang được triển khai để áp dụng chính thức chậm nhất là ngày 31.12.2024.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn cho rằng, việc Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề về thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường vào thời điểm này sẽ thể hiện sự đồng hành cùng với Chính phủ trong việc tổ chức thực thi pháp luật, nhằm tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, của mỗi người dân về bảo vệ môi trường và thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng, đó là: “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của Nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”; cũng như bước đầu thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế khi chúng ta đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Làm rõ thách thức, khó khăn trong phân loại chất thải rắn
Qua giám sát lĩnh vực tài nguyên, môi trường đã có nhiều kiến nghị liên quan đến thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý, xử lý rác thải. Đây cũng là những vấn đề được dư luận, cử tri quan tâm, đại biểu Lê Thanh Hoàn nhấn mạnh.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có khoảng 1.700 cơ sở xử lý rác thải, gồm 470 lò đốt với hơn 1.200 bãi chôn lấp. Riêng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng 67.000 tấn/ngày và chỉ có khoảng 20% lượng chất thải xử lý bằng phương pháp đốt, còn lại khoảng 64% là chôn lấp. Hiện, cả nước mới chỉ có 3 nhà máy điện rác đi vào hoạt động với công suất khoảng 4.600 tấn rác/ngày. Nêu số liệu này, đại biểu Lê Thanh Hoàn cho rằng, việc chôn lấp rác thải rắn trực tiếp vẫn còn nhiều.
“Trong khi các nhà khoa học cảnh báo rằng, việc thu gom rác thải về bãi chôn lấp tập trung chỉ để “khuất mắt” người dân, khi mà người dân còn tâm lý đẩy rác ra xa mình, nhưng thực tế là di chuyển ô nhiễm riêng lẻ về một chỗ với ô nhiễm lớn hơn. Giải pháp này tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho môi trường, nhất là nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân nơi có địa điểm chôn lấp rác thải”, ĐBQH Lê Thành Hoàn nhấn mạnh.
Để hạn chế việc chôn lấp rác thải, đại biểu cho rằng, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt rất quan trọng trong thời gian tới. Đây là nguồn đầu vào quan trọng cho các nhà máy đốt rác phát điện, cũng như nguồn tái chế rác thải và hạn chế chôn lấp rác thải trực tiếp.
Đầu năm 2025 là thời điểm chính thức người dân sẽ thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Đây là thách thức lớn trên thực tế, từ chi phí rác thải phát sinh, cho đến bất cập tại các khu nhà chung cư với tiêu chuẩn cũ trong thu hồi rác sinh hoạt.
Theo đại biểu, việc đổ rác sinh hoạt đúng địa điểm, đúng thời gian quy định cũng chưa được thực hiện nghiêm; việc xử phạt hành chính cũng chưa được thực hiện thường xuyên. Vấn đề đổ rác sinh hoạt bừa bãi trên hè phố vừa gây mất vệ sinh môi trường, đồng thời tạo gánh nặng cho các tổ chức thực hiện thu gom rác thải...
Từ thực tế trên, ĐBQH Lê Thanh Hoàn đề nghị, trong giám sát chuyên đề này cần làm rõ nội dung về xử lý rác thải. Đó là về những thách thức, khó khăn trong việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt và những giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó là việc tổ chức thực hiện thực tế từ những ưu đãi, cơ chế đặc thù, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư, xây dựng nhà máy điện rác trong thời gian qua.
Đặc biệt, cần đánh giá toàn diện về thị trường tái chế rác thải, cả chính thức và phi chính thức; sự tham gia trực tiếp tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, sản phẩm phải tái chế hay chủ yếu là đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường, cũng như sự hỗ trợ thực tế từ Quỹ bảo vệ môi trường đối với hoạt động tái chế rác.