Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường: Tạo sức lan tỏa từ các mô hình các cấp hội

- Thứ Tư, 30/11/2022, 15:17 - Chia sẻ

Xác định công tác thực hiện Luật Bảo vệ môi trường có vai trò rất quan trọng quản lý cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các cấp hội chủ động xây dựng chương trình phối hợp hoạt động với các sở, ngành gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị cụ thể của từng địa phương…

Đưa phong trào bảo vệ môi trường đến từng hội viên

Luật Bảo vệ môi trường chính thức áp dụng từ 1.1.2022. Theo đó, đây là giai đoạn để các cấp ủy chính quyền, các cấp hội và tổ chức xã hội thay đổi tư duy quản lý, chuyển đổi mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, phát triển kinh tế bền vững.

Theo báo cáo của Hội Nông dân thành phố Hà Nội, từ khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực, Hội đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về Luật Bảo vệ môi trường, nhất là những quy định liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường. Theo đó, 100% cơ sở Hội tham gia ký kết các quy ước, hương ước về bảo vệ môi trường; kỹ năng và phương pháp truyền thông vận động hội viên tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch. Từ đó, giúp các hội viên, nông dân không chỉ nâng cao nhận thức chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế mà còn giữ gìn môi trường xanh - sạch- đẹp ở các khu dân cư.

Cụ thể, Hội nông dân huyện Chương Mỹ đã vận động hội viên, nông dân liên kết nhau lại và thành lập các Câu lạc bộ bảo vệ môi trường nhằm hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển các mô hình thu gom rác thải, đường làng, ngõ xóm; thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng, tạo dựng những tuyến đường hoa, trồng mới những hàng cây xanh...

Đáng chú ý, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thạch Thất phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thất đã phát động phong trào “Phụ nữ Thạch Thất chung tay bảo vệ môi trường”; tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường với các mô hình phân loại rác thải tại nguồn; mô hình hạn chế sử dụng túi ni lông; mô hình biến chân rác thành vườn hoa…

Tuyên truyền viên đang tập huấn cho các cấp hội Luật bảo vệ môi trường 2020
Tuyên truyền viên đang tập huấn cho các cấp hội Luật Bảo vệ môi trường 

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân về phong trào bảo vệ môi trường của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thạch Thất, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội Lê Thị Thiên Hương cho biết: Với sự đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung trong công tác tuyên truyền, cùng nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thạch Thất đã tạo nên phong trào bảo vệ môi trường có sức lan tỏa sâu rộng không chỉ đến cán bộ, hội viên và người dân trên địa bàn huyện. “Cho đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội đã chỉ đạo các cấp hội tổ chức, hướng dẫn đăng ký xây dựng được hàng trăm mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường. Việc này không chỉ huy động sức mạnh các cấp hội, đoàn thể tích cực tham gia bảo vệ môi trường mà còn góp phần triển khai có hiệu quả những quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020”, Phó Chủ tịch Lê Thị Thiên Hương nhấn mạnh.

Phấn đấu hơn 80% được tập huấn bảo vệ môi trường

Đánh giá về công tác này, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, nhằm triển khai thực hiện các quy định Luật Bảo vệ môi trường, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch 196 nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đến nhân dân, cán bộ, công chức và người lao động; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cấp hội về công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, thời gian qua Hội Nông dân đã triển khai nhiều giải pháp với khoảng gần 600 mô hình bảo vệ môi trường. Các hoạt động của Hội vừa toàn diện, nổi bật và thiết thực với nhiều mô hình hay, cách làm tốt, các cấp, tổ hội nông dân hoạt động rất hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức, sự chung tay trong việc bảo vệ môi trường thành phố.

Lan tỏa những mô hình đường phố sạch đẹp, ngõ xóm nở hoa tại huyện Thạch Thất, Hà Nội
Lan tỏa những mô hình đường phố sạch đẹp, ngõ xóm nở hoa tại huyện Thạch Thất, Hà Nội

Phấn đấu đến năm 2025 có hơn 80% cán bộ Hội các cấp và hơn 60% hội viên, nông dân được tập huấn nâng cao năng lực tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; thành lập các chi Hội Nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu; tập trung vận động, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm; hỗ trợ hội viên, nông dân kết nối các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, quảng bá sản phẩm...

Ngọc Châm
#