Phân cấp trách nhiệm của chính quyền địa phương
Theo ĐBQH, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, qua nghiên cứu dự thảo Luật Phòng thủ dân sự cho thấy, các cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan đã tiếp thu một cách rất đầy đủ, cầu thị và đã đủ đáp ứng yêu cầu để được trình ra Quốc hội trong kỳ họp lần này để thông qua. Làm rõ hơn một số vấn đề về cấp độ phòng thủ dân sự, căn cứ xác định cấp độ phòng thủ dân sự được quy định tại Điều 7 của dự thảo luật này, đại biểu cho biết Dự thảo luật quy định cấp độ phòng thủ dân sự là "sự phân định mức độ áp dụng các biện pháp của các cấp chính quyền trong phạm vi quản lý để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, làm cơ sở xác định trách nhiệm, biện pháp, nguồn lực của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng thủ dân sự".
Ngoài ra, cấp độ phòng thủ dân sự là vấn đề mà các luật khác chưa quy định. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để phân công, phân cấp trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh và trung ương, nhằm phát huy phương châm 4 tại chỗ của địa phương, nâng cao tính chủ động của chính quyền các cấp trong việc nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát các nguy cơ, kịp thời phòng ngừa, ứng phó, khắc phục có hiệu quả với sự cố, thảm họa xảy ra trên phạm vi địa bàn quản lý.
"Thực tế trong phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, rất cần phải có sự phân công, phân cấp trách nhiệm cho chính quyền các cấp để chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục phù hợp tình hình thực tiễn", ĐBQH Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh.
Đối với việc căn cứ xác định cấp độ phòng thủ dân sự, dự thảo Luật quy định 4 tiêu chí để xác định cấp độ phòng thủ dân sự làm cơ sở quyết định các biện pháp ứng phó, khắc phục với các loại hình thảm họa, bảo đảm kịp thời hiệu quả, gồm: Phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng và hậu quả có thể xảy ra của sự cố thảm họa; vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội, dân cư, đặc điểm tình hình quốc phòng, an ninh của địa bàn chịu ảnh hưởng của sự cố, thảm họa; diễn biến mức độ gây thiệt hại và thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra; khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa của chính quyền địa phương và lực lượng phòng thủ dân sự.
Theo đại biểu, đây đều là những tiêu chí khách quan, được quy định thống nhất với các cấp độ rủi ro được quy định tại các Luật liên quan đến phòng thủ dân sự đã ban hành. Còn tiêu chí thứ hai và thứ tư là nội dung mới, yêu cầu các cấp chính quyền phải nắm chắc đặc điểm địa phương mình để có công tác chuẩn bị phù hợp. "Đây là yếu tố chủ quan, nếu năng lực yếu thì phải chuẩn bị sớm hơn, kỹ hơn, thậm chí chuẩn bị ở mức độ cao hơn để đảm bảo giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra", đại biểu đề xuất.
Cần thiết phải có Quỹ phòng thủ dân sự
Góp ý về một số vấn đề liên quan đến Quỹ phòng thủ dân sự, đại biểu Nguyễn Anh Trí hoàn toàn ủng hộ phải có Quỹ này. Về mặt soạn thảo, đại biểu nhất trí với phương án 1 tại dự thảo Luật như các ĐBQH phát biểu trước đã nêu. Đồng thời, cũng nêu lập luận vì sao không nên lựa chọn phương án 2. Theo đó, nếu quy định "trong trường hợp cấp bách Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật" thì phản ứng quá chậm. Tuy nhiên cũng cần có sự rà soát để tránh chồng chéo để công tác quản lý đạt được hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, ở Điều 13 về công trình phòng thủ dân sự, quy định tại khoản 5 còn tương đối dài dòng và rườm rà gây ra sự khó hiểu. Đặc biệt, là khó phân biệt giữa 2 từ “chủ đầu tư” ở khoản 5 và “nhà đầu tư” ở khoản 4. Vì vậy, Ban soạn thảo cần xem xét để quy định cho cụ thể hơn.
Về vấn đề thông tin sự cố thảm họa ở khoản 3, Điều 6, đại biểu đề nghị sửa lại cho dễ hiểu và làm rõ việc sử dụng những số điện thoại nào theo quy định của Chính phủ để tiếp nhận thông tin về sự cố, thảm họa trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, cần quy định rõ những số điện thoại nào được Nhà nước và Chính phủ cho phép.
"Qua nghiên cứu dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, tôi thấy Ban soạn thảo đã soạn thảo hết sức công phu, trách nhiệm một Luật rất cần thiết cho xã hội và đã tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến góp ý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý rất bao quát và cụ thể. Bởi vậy, rất mong Quốc hội thông qua để Luật Phòng thủ nhân sự được áp dụng vào đời sống", ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề xuất.