Thời điểm cuối quý 2.2023, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank; Mã chứng khoán: VBB) đã thông qua việc cấp tín dụng cho Công ty TNHH TML Riverside, được đảm bảo bằng loạt quyền sử dụng đất và bất động sản của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri - La.
Cụ thể, khoản tín dụng gần 492 tỷ đồng được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất tại thửa đất số 1-15; tờ bản đồ số 108, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. HCM.
Khoản tín dụng gần 1.665 tỷ đồng được đảm bảo bằng bất động sản tại các thử đất số 1-10, 1-11, 1-12, 1-17, 1-18, 1-19, 2-2, 2-3 thuộc tờ bản đồ số 18, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Các tài sản đảm bảo nêu trên đều có chủ sở hữu là Y tế Hoa Lâm Shangri - La.
Đáng chú ý, chỉ trước đó 1 ngày, quyền sử dụng đất của 8 thửa đất số đất số 1-10, 1-11, 1-12, 1-17, 1-18, 1-19, 2-2, 2-3 thuộc tờ bản đồ số 18, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minhđã được VietBank chấp thuận thay thế tài sản đảm bảo cho khoản tín dụng gần 100 tỷ đồng của CTCP Kingdom Đông Dương và một khách hàng nữ là bà Nguyễn Thị Ba.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH TML Riverside được thành lập vào năm 2013, với tên gọi cũ là Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm. Ngành nghề hoạt động chính công ty này là bệnh viện, trạm y tế.
Cả TML Riverside, Y tế Hoa Lâm Shangri - La và Kingdom Đông Dương đều là các doanh nghiệp có "họ" với Tập đoàn Hoa Lâm.
Đáng chú ý, việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp thuộc “họ” Hoa Lâm diễn ra trong bối cảnh Vietbank vừa trải qua quý 1 với lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng cũng chỉ đạt mức vừa phải là 157 tỷ đồng nhưng bên cạnh đó tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này trong tình trạng“leo thang”.
Cụ thể, dữ liệu tài chính thể hiện, 3 tháng đầu năm nay, thu nhập lãi thuần của Vietbank đạt 479 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022.
Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 72% so với cùng kỳ năm trước lên 12,9 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, các hoạt động kinh doanh còn lại của VietBank đều không ghi nhận kết quả tăng trưởng khả quan khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 13% về 21,6 tỷ đồng, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 89%, lãi từ hoạt động khác giảm 39%.
Do thu nhập lãi thuần tăng mạnh đồng thời VietBank cũng giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro đến 72% từ 74 tỷ đồng xuống còn 21 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trong quý 1.2023 của ngân hàng vẫn ghi nhận tăng mạnh đến 74% đạt 197 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của VietBank đạt 157 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 31.3.2023, tổng tài sản của VietBank giảm 4% về mức 106.932 tỷ đồng trong đó cho vay khách hàng giảm 3%, tiền gửi của khách hàng giảm 3%.
Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 14% lên 2.654 tỷ đồng chủ yếu do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng đến 67%, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ mức 3,65% (hồi đầu năm) lên 4,31%.
Liên quan đến tỷ lệ nợ xấu, ngân hàng Nhà nước từng đặt "ngưỡng trần" nợ xấu các ngân hàng ở mức 3%, nhằm đánh giá chất lượng tài sản. Khi ngân hàng không kiểm soát được nợ xấu dưới mức này sẽ bị giới hạn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, như không được mua trái phiếu doanh nghiệp, cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu hay không được mua và nắm giữ cổ phiếu nhà băng khác…