Học sinh bị đánh hội đồng, lột đồ, quay clip
Đầu tháng 10, một nữ sinh lớp 10 tại Đắk Lắk bị bạn học cùng lớp dùng guốc nhọn đánh thẳng vào đầu, chảy nhiều máu.
Theo thông tin ban đầu, vào giờ ra chơi, nữ sinh này và bạn học (cùng là học sinh lớp 10C1, Trường THPT Hồng Đức) có xích mích. Quá trình nói chuyện, nữ sinh bị bạn tát vào mặt rồi đè xuống đất, dùng guốc đánh thẳng vào đầu khiến máu tuôn xối xả. Nữ sinh được giáo viên đưa xuống phòng y tế sơ cứu, gọi điện thoại cho phụ huynh đến cùng nhà trường đưa em đi cấp cứu. Tại phòng khám, em được khâu 4 mũi ở đầu; liên tục khóc nghẹn.
Cuối tháng 9, mạng xã hội lan truyền đoạn clip và hình ảnh ghi lại cảnh một nữ sinh một nhóm bạn nữ đánh đập, lột đồ. Dù nữ sinh liên tục khóc, van xin nhưng vẫn không được buông tha. Được biết, sự việc xảy ra tại rừng keo trên địa bàn xã Thanh Đức (huyện Thanh Chương, Nghệ An) vào ngày 27.9 vừa qua.
Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Chương, Nghệ An, nữ sinh bị đánh trong clip đang học lớp 9 của Trường THCS Thanh Mỹ. Còn các nữ sinh tham gia đánh và quay clip đến từ nhiều trường khác nhau, gồm: Trường THCS Phong Thịnh, THCS Cát Văn và THCS Thanh Tiên. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do mâu thuẫn trên mạng xã hội.
Cùng vào cuối tháng 9, đoạn clip ghi lại cảnh một nữ sinh lớp 10A2, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Ninh, Quảng Bình bị 2 người phụ nữ hành hung ngay trước cổng trường cũng gây xôn xao. Được biết, nữ sinh là lớp trưởng của lớp 10A2.
Trước đó, thấy 2 phụ nữ lạ mặt vào lớp 10A2 ngồi trong giờ học, em đã báo cáo sự việc lên cô giáo chủ nhiệm và mời 2 người kia ra khỏi phòng. Sau đó, nữ sinh ra cổng trường mua nước uống thì bất ngờ bị 2 người phụ nữ này nhảy vào nắm tóc rồi đánh. Công an huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và các đơn vị, cá nhân liên quan để làm rõ vụ việc.
Một vụ việc khác cùng xảy ra vào cuối tháng 9, một nữ sinh tại huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn bị các bạn nữ đánh "hội đồng" ngay tại lớp học. Theo hình ảnh trong clip được lan truyền trên mạng xã hội, nữ sinh này bị khoảng 7 bạn nữ khác hành hung bằng các hành vi xô đẩy, giựt tóc, tát vào mặt, vào đầu...
Mặc dù nạn nhân đã khóc lóc, van xin nhưng vẫn bị nhóm bạn đánh "hội đồng" trong khi nhiều học sinh khác đứng ngoài cổ vũ, reo hò, quay clip. Sự việc diễn ra tại Trường bán trú THCS thuộc xã Yên Lỗ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Nạn nhân bị đánh là học sinh lớp 9 tại trường này.
Bên cạnh các vụ việc học sinh bị bạn học hay “người lạ” bạo lực, hành vi bạo lực còn đến từ chính giáo viên. Một học sinh lớp 4 của Trường tiểu học Hải Hòa, phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hoá bị cô giáo dùng roi đánh vào lưng vì không làm bài tập, gây nhiều vết bầm tím.
Do bức xúc về việc con mình bị đánh khi đến trường, gia đình nam học sinh đã đăng tải nội dung sự việc lên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Bạo lực tinh thần đến từ chính thầy cô giáo
Những vụ việc bạo lực tinh thần liên quan đến vấn đề văn hóa, ứng xử học đường của giáo viên cũng gây xôn xao những ngày qua.
Dư luận được phen “sốc” trước đoạn clip ghi lại cảnh nữ sinh quỳ khóc trước cửa lớp đến kiệt sức, sau đó, cô giáo túm áo, kéo lê học sinh này. Đoạn clip được quay tại hành lang lớp 12D4, Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Theo nội dung clip, nữ sinh bị cô giáo đuổi ra ngoài hành lang và khóc đến mức kiệt sức. Sau đó, nữ sinh hoảng loạn ôm chân cô giáo và liên tục nói "Em xin lỗi cô, cô tha cho em". Đỉnh điểm của vụ việc là hành động cô giáo túm cổ áo, kéo lê học sinh.
Trong tường trình, cô P., giáo viên chủ nhiệm lớp 12D4, đồng thời là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân cho biết, hôm 29.9, cô đã giao em N.T.K.C. là Bí thư chi đoàn lớp làm nhiệm vụ đặt bánh sinh nhật tháng cho các bạn trong lớp. Tuy nhiên, sau đó em C. đã đặt bánh không đúng theo ý của cô giáo. Sau khi trao đổi, cô P. yêu cầu học sinh C ra đứng ở ngoài cửa lớp và tự giải quyết chiếc bánh đã đặt.
Khi lớp kê bàn ghế và bày cỗ chuẩn bị sinh nhật cho các bạn trong tháng, giáo viên chủ nhiệm P. đi ra cửa thì học sinh C. khóc, quỳ xuống ở cửa lớp xin lỗi cô. Cô P. bảo đứng lên nhưng C. không đứng. Do sức khỏe không tốt, học sinh C. nằm ra cửa lớp. Thấy vậy cô P. đã kéo áo học sinh. Cô P. thừa nhận đây là hành động chưa đúng chuẩn mực, xử lý nóng vội, gây hiểu lầm.
Một vụ việc khác liên quan đến ứng xử của nhà giáo xảy ra tại Trường THPT Phan Huy Chú (huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh thầy giáo đứng trên bục giảng, bóp cằm, chỉ vào mặt và liên tiếp buông lời chỉ trích học sinh. Người giáo viên này sử dụng ngôn ngữ thô bạo, xúc phạm, thậm chí xưng "mày - tao". Lý do mắng chửi vì học sinh làm bài đúng nhưng lại chữa thành sai.
Rất nhiều người bày tỏ bức xúc khi các vụ việc bạo lực học đường liên tiếp xảy ra, đặc biệt nhiều vụ việc lại đến từ chính đội ngũ giáo viên. "Bao giờ mới dứt?" là câu hỏi thường xuyên được dư luận đặt ra khi quá "ngợp" với thông tin về các vu bạo lực học đường.
Bạo lực học đường đang ở mức “đáng báo động”
Báo cáo về tình hình bạo lực học đường toàn cầu năm 2017 của UNESCO cho thấy, có khoảng 246 triệu trẻ em và thanh thiếu niên có trải nghiệm với bạo lực học đường ở một số hình thức mỗi năm. Ước tính tỷ lệ trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi bắt nạt học đường khác nhau giữa các quốc gia và nghiên cứu dao động từ dưới 10% đến hơn 65%.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu cũng cho thấy cho thấy tỷ lệ bạo lực học đường ở mức đáng báo động. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2014 về bạo lực học đường trên 1.141 học sinh các tỉnh Sơn La, Bình Định và Hà Nội cho thấy, hơn 60% học sinh tham gia bạo lực học đường với các vai trò như người bạo lực, nạn nhân bạo lực và nhóm vừa nạn nhân, vừa bạo lực.
Hay năm 2018, một nghiên cứu tìm hiểu thực trạng vấn đề học sinh tham gia vào bắt nạt truyền thống, bắt nạt trực tuyến và mối quan hệ giữa các hình thức này trên 1.040 học sinh tại 4 trường THCS và THPT tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cho thấy, trong năm học này, có 75.7% học sinh tham gia vào bắt nạt truyền thống. 32,5% học sinh tham gia vào bắt nạt trực tuyến ở các mức độ khác nhau, từ 1 - 2 lần trong năm học cho đến hàng ngày, với các vai trò khác nhau như thủ phạm, nạn nhân hoặc là cả hai.
Các chuyên gia nhận định, thực trạng bạo lực học đường đang có tính chất phức tạp. Nhiều vụ việc có tổng số người tham gia lớn, sử dụng hung khí nguy hiểm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nhiều vụ bạo lực học đường được thực hiện bởi học sinh nữ. Nhiều vụ việc được quay video lại và phát tán trên các nền tảng mạng xã hội hoặc chia sẻ trên các hội, nhóm.
Các hình thức bạo lực học đường cũng trở nên ngày càng đa dạng (nói xấu nhau trên mạng, sử dụng, phân nhóm đối xử, chia thành các hội, nhóm ngay trong một tập thể,…).
Trước thực trạng như vậy, công tác phòng chống bạo lực học đường là nhiệm vụ cấp bách và vô cùng cần thiết.
Cần có giải pháp trọng tâm khi bạo lực học đường đã trở thành vấn đề cấp bách
PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia Tâm lý học, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em khỏi vấn nạn bạo lực học đường giống như “đẩy xe lên dốc”. Nếu dừng lại, chúng ta có thể bị lùi lại ngay.
Theo PGS Nam, khi vấn đề bạo lực học đường đã trở thành vấn đề cấp bách, chúng ta cần đặt ra những giải pháp trọng tâm. Trong đó, việc trả lại vai trò, vị trí của nhà tham vấn trong trường học cũng như vai trò của phòng tâm lý tư vấn học đường là giải pháp rất cần thiết.
Nhà tham vấn phải trở thành kiến trúc sư của ngôi trường hạnh phúc, là người thiết lập ra các quy trình phòng ngừa can thiệp ban đầu, can thiệp chuyên sâu, kết nối các nguồn lực, làm việc với giáo viên và cha mẹ để điều hòa tất cả mối quan hệ. Từ đó, giúp cho học sinh có thể “vệ sinh” sức khỏe tâm thần, có kỹ năng giải quyết vấn đề và kiểm soát cảm xúc; điều hòa tất cả mâu thuẫn, xích mích nhỏ không trở thành những vụ việc nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, PGS Nam nhấn mạnh, trong công cuộc phòng chống bạo lực học đường, chúng ta cần sự tham gia, sự cam kết của cả phụ huynh và các cơ quan, cộng đồng xã hội. Không thể để nhà trường “đơn độc” trong hành trình này.
Đối với nhà trường, cần thiết lập một hệ thống sàng lọc định kỳ để xác định được học sinh nào đang có những vấn đề tổn thương sức khỏe tinh thần, có nguy cơ về các vấn đề tâm lý, hay vấn đề hành vi có thể dẫn đến bạo lực. Cần có một quy trình, trong đó có phương thức thuận lợi để mọi người khiếu nại về các hành vi thiếu thân thiện hoặc bạo lực trong nhà trường. Sau đó, phải có quy trình từ khi tiếp nhận thông tin phản ánh khiếu nại về bạo lực, đến biện pháp xử lý thế nào.
Chúng ta cũng nên có những chương trình giáo dục cho giáo viên về cách thức quản lý lớp tích cực, giáo dục cho cha mẹ cách ứng xử với con theo kỷ luật tích cực để không làm hình mẫu xấu, hình mẫu bạo lực cho con cái. Bên cạnh đó, phải đưa ra những nguyên tắc ứng xử cho học sinh. Những giá trị yêu thương, an toàn , tôn trọng cần được cụ thể hóa trong các hành vi ở lớp học, ngoài lớp học.
Nếu trong trường có những góc khuất là nơi kẻ bắt nạt thường xuyên kéo bạn học vào đó để tiến hành hành vi bạo lực, nhà trường nên bố trí camera và phải có những biện pháp để quản lý mọi lúc, mọi nơi.
Đặc biệt, PGS Nam cho rằng không chỉ từ phía nhà trường, gia đình, các tổ chức địa phương cũng cần tham gia vào quy trình này. Bởi bạo lực học đường không chỉ diễn ra trên trường, mà có thể diễn ra trên đường các em về nhà, từ nhà đến trường, diễn ra trên mạng xã hội. Tất cả mọi người cùng chung tay mới có thể giúp cho môi trường học đường trở nên an toàn hơn.
“Tôi nhấn mạnh rằng cần có sự nhất quán trong chương trình từ phòng ngừa đến can thiệp, giáo dục, thuyết phục và những chương trình đánh giá hiệu quả các hoạt động phòng chống bạo lực học đường. Chúng ta nên có sự tiếp thu những mô hình đã được quốc tế và những nghiên cứu trong nước chứng minh để áp dụng vào trong các nhà trường.
Công tác bảo vệ học sinh khỏi bạo lực học đường cũng liên quan đến nguồn lực, tức phải có một số hoạt động cần nguồn tài chính. Cho nên theo tôi, nội dung về xây dựng trường học hạnh phúc hay phòng chống bạo lực học đường phải là nội dung được đưa vào những báo cáo về tài chính, là một đầu mục cần có nguồn lực duy trì để vận hành”, PGS Nam nêu ý kiến.