Những “con số” biết nói
Mua bán người được Liên Hợp Quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất và đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu. Tại Việt Nam, ngày 30.7 hàng năm được chọn là Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người. Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2012 cũng là đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam…
Quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực; từ khi Luật có hiệu lực thi hành đến ngày 15.2.2023, tổng số vụ án về mua bán người được khởi tố là 1.744 vụ với 3.059 bị can; tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo trình tự sơ thẩm 1.661 vụ với 3.209 bị cáo; đã xét xử 1.634 vụ với 3.137 bị cáo (đạt tỷ lệ 98,4% về số vụ và 97,8% số bị cáo). Việc xác định nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã đạt được nhiều kết quả, góp phần bảo vệ quyền con người và bảo vệ nạn nhân. Theo đó, từ năm 2012 đến tháng 2.2023 đã tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ 7.962 nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Thông qua những con số “biết nói” nêu trên có thể khẳng định, việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người trong thời gian qua đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tệ nạn mua bán người, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này…
Sau 12 năm “bám rễ” vào cuộc sống, Luật Phòng, chống mua bán người hiện hành cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung; đơn cử như, công tác phát hiện các vụ việc liên quan đến mua bán người còn chưa chủ động, hầu như chủ yếu phát hiện qua đơn thư tố giác của người bị hại hoặc gia đình nạn nhân; hay chế độ hỗ trợ nạn nhân chưa phù hợp với thực tiễn như: chỉ quy định nạn nhân được hỗ trợ về tâm lý trong thời gian cư trú tại cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, trong khi nhiều nạn nhân thường trở về với những sang chấn về mặt tâm lý, hoảng loạn, lo lắng bị trả thù sau khi cung cấp lời khai cho cơ quan chức năng hoặc khi trở về địa phương bị kỳ thị, xa lánh cũng rất cần được hỗ trợ tâm lý; chỉ có nạn nhân thuộc hộ nghèo mới được xem xét hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu; mức chi hỗ trợ khó khăn ban đầu cho nạn nhân còn thấp, chưa bảo đảm cuộc sống khi về địa phương hòa nhập cộng đồng…
Thể hiện tính nhân văn sâu sắc
Những năm qua, Việt Nam luôn chú trọng đẩy mạnh công tác phòng, chống mua bán người; cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đều coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp và coi đây là cuộc chiến không khoan nhượng. Do đó, việc xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) là yêu cầu cấp thiết, khách quan. Không chỉ tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong những năm tiếp theo; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người. Dự án Luật gồm 8 chương, 66 điều (tăng 8 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011); trong đó, xây dựng mới 9 điều, sửa đổi, bổ sung nội dung 52 điều, bỏ 1 điều...
Đánh giá về dự thảo Luật (sửa đổi) các chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước đều đồng tình với nhiều điểm mới ưu việt của dự án Luật; đơn cử, việc bổ sung quy định về khái niệm “mua bán người”; sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ xác định nạn nhân và quy định về các nguồn tài liệu, chứng cứ để xác định nạn nhân cùng một số căn cứ khác để xác định nạn nhân. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm tạo sự thống nhất trong quy định của pháp luật, phù hợp với Nghị định thư về việc phòng ngừa, trừng trị và trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (bổ sung Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia), Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)...
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng rất nhân văn, thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là đặt lợi ích của con người ở vị trí trung tâm. Đồng thời, bổ sung những quy định nâng cao chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân so với quy định của Luật hiện hành, gồm: tất cả nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú được hỗ trợ các khoản chi phí đi lại và tiền ăn để trở về nơi cư trú; được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh; được hỗ trợ để ổn định tâm lý; tất cả nạn nhân được trợ giúp pháp lý… Thực tế cho thấy, những năm qua, chúng ta luôn luôn không ngừng hoàn thiện hệ thống luật pháp và coi đây là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi với loại hình tội phạm nguy hiểm bậc nhất này. Đó cũng thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ ta là luôn đặt quyền lợi ích con người làm trung tâm các quyết sách.