Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác xã do nữ làm chủ
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền kinh tế cho phụ nữ là chủ đề luôn được các quốc gia quan tâm. Tại Việt Nam, bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái được xác định là 1 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia đến năm 2030.
Thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức hiệp hội tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển.
Cụ thể, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, trong đó lần đầu tiên thể chế hóa khái niệm doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ với nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nữ về tư vấn, đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi số, hỗ trợ các doanh nghiệp nữ khởi nghiệp sáng tạo và tham gia chuỗi liên kết.
Luật Hợp tác xã năm 2023 đã thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, bổ sung quy định các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có phụ nữ quản lý là đối tượng ưu tiên thụ hưởng các chính sách của Luật.
Tại Nghị quyết số 66/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 20 - 25% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, 30 - 35% số doanh nghiệp có giám đốc hoặc người đứng đầu doanh nghiệp là nữ, đồng thời giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương ưu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nữ.
Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 939/QĐ-TTg về Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 và Quyết định số 01/QĐ-TTg về Đề án Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030.
Để triển khai các đề án trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chỉ đạo các Hội Liên hiệp phụ nữ ở địa phương tích cực vào cuộc, kịp thời hỗ trợ, lan tỏa nhiều tấm gương phụ nữ vượt khó, nghiên cứu ra các sản phẩm, mô hình kinh doanh sáng tạo…
Phối hợp chặt chẽ để thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ
Trên thực tế, khu vực doanh nghiệp và kinh tế tập thể luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Hiện, cả nước có khoảng 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp hơn 60% GDP, tạo việc làm cho khoảng 30% lao động trong nền kinh tế; trong số đó, có hơn 20% là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Cùng với khu vực doanh nghiệp, khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là gần 34.000 hợp tác xã, 160 liên hiệp hợp tác xã và 73.000 tổ hợp tác, đang từng bước mở rộng và phát triển, là chủ thể quan trọng thực hiện chương trình nông thôn mới, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
“Đóng góp vào thành tựu phát triển chung của khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã có vai trò quan trọng của các doanh nghiệp nữ, các hợp tác xã do phụ nữ làm chủ”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Dù vậy, các doanh nghiệp, hợp tác xã nói chung, trong đó có các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, còn nhiều hạn chế về quy mô, nguồn vốn, năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa tham gia được vào các chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiến hành ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa hai cơ quan giai đoạn 2024 – 2027 được đánh giá sẽ mở ra những cơ hội để đẩy mạnh triển khai các sáng kiến, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ.
Tại lễ ký kết, lãnh đạo hai cơ quan cam kết sẽ cùng nhau xây dựng, đề xuất các chính sách, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và huy động nguồn lực để triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Hợp tác xã cùng các chương trình, đề án nhằm nâng cao năng lực, quyền năng kinh tế và thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền kinh tế cho phụ nữ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng, Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương triển khai hiệu quả Chương trình hợp tác.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế tập thể.
Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2024 – 2027 gồm 4 nội dung chính.
1. Xây dựng, đề xuất các chính sách; tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế tập thể
2. Phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, tập trung hỗ trợ các hộ kinh doanh/doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.
3. Phối hợp thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ.
4. Phối hợp thực hiện nghiên cứu, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết các hoạt động thuộc Chương trình phối hợp và chức năng, nhiệm vụ của hai bên.