Quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người được ủy quyền
Xung quanh Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), các ĐBQH đã thảo luận về những vấn đề như những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Nhân dân; địa vị pháp lý của Viện Kiểm sát Nhân dân trong tố tụng hành chính; về việc bổ sung phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ;… Liên quan đến chế định người đại diện ở khoản 3, Điều 60, Dự thảo Luật quy định trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho người được quyền xử lý đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện. Nhiều ĐBQH cho rằng đây là một nội dung quan trọng, cần được cân nhắc để quy định cụ thể bảo đảm khắc phục được tính hình thức trong cơ chế đại diện hiện nay, nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án hành chính. Các ĐBQH đề nghị Dự thảo cần quy định chế định ủy quyền trong tố tụng hành chính theo hướng người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định như Dự thảo là hoàn toàn đúng đắn để khắc phục được tình trạng những người đứng đầu cơ quan, tổ chức vì công việc quá bận rộn, vì nhiều lý do mà không tham dự phiên tòa, có mặt tại phiên tòa theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, người được quyền xử lý là người xử lý trực tiếp, trình cho Thủ trưởng cơ quan để ban hành, họ sẽ là người nắm chắc công việc nhất. Người này có thể không phải là cấp phó. Tuy nhiên ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhấn mạnh, phải ủy quyền cho người có trách nhiệm thay mặt cho cấp trưởng và người này phải là cấp phó. Chứ không nên để tái diễn tình trạng như vừa qua khi được tòa hỏi đến lại trả lời để tôi về xin phép lãnh đạo đã. Người được ủy quyền phải đưa ra những bằng chứng công khai tại phiên tòa để tranh tụng trực tiếp với người dân. Thiết kế theo hướng này để khẳng định người được ủy quyền phải là người có trách nhiệm từ đầu đến cuối.
Không mở rộng quyền của tòa án
Về phân định thẩm quyền của tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, theo Báo cáo thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp không tán thành quy định mở rộng thẩm quyền cho tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện như Dự thảo Luật. Vì quy định này không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp trong Nghị quyết số 49-NQ/TW về mở rộng thẩm quyền cho tòa án nhân dân cấp huyện. Đồng thời, quy định như vậy không đề cao được vai trò, bản lĩnh của đội ngũ thẩm phán toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong giải quyết sơ thẩm án hành chính. Để giải quyết những vướng mắc cho tòa án cấp sơ thẩm, Dự thảo Luật đã có quy định: Trong trường hợp cần thiết, tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết khiếu kiện thuộc thẩm quyền của tòa án cấp huyện (điểm g khoản 1, Điều 34).
Đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tư pháp, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nêu rõ, nếu giao thẩm quyền trên cho cấp tỉnh thì tăng số vụ việc của cấp tỉnh và đương nhiên tăng vụ việc của tòa án cấp cao và như vậy không đáp ứng được chủ trương cải cách tư pháp. Mặt khác, theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Tòa án Nhân dân Tối cao đã quản lý từ tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, đề bạt cất nhắc, nâng lương, khen thưởng kỷ luật, tuyển chọn bổ nhiệm thẩm phán, cơ sở vật chất. Như vậy không thể nói tòa án huyện không độc lập? Thêm nữa, nếu tăng thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp tỉnh thì tạo điều kiện thuận lợi cho tòa án nhưng chuyển khó khăn sang người dân. Lẽ ra người dân đi 10 - 20km để kiện, nhưng bây giờ phải đi hàng trăm cây số. ĐB Phạm Văn Hà (Nghệ An) cũng đề nghị, trong trường hợp còn băn khoăn, trăn trở về vấn đề này, nên để cho người dân được quyền lựa chọn tòa án để giải quyết theo trình tự sơ thẩm đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND huyện, chủ tịch UBND huyện.