Băn khoăn về khấu trừ thuế
Trong những năm qua, hệ thống chính sách pháp luật về thuế ở Việt Nam đã có những bước cải tiến đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh và gia tăng hỗ trợ cho doanh nghiệp. Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% cùng với việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất đã mang đến động lực mạnh mẽ cho sản xuất và kinh doanh.
Tuy nhiên, doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt với một số khó khăn trong việc khấu trừ thuế, đặc biệt là những hàng hóa và dịch vụ chịu thuế suất 5%, trong khi thuế suất đầu vào vẫn là 10%. Điều này dẫn đến áp lực về vốn đối với nhiều doanh nghiệp.
Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nguyên liệu đầu vào khi doanh nghiệp mua phải trả thuế giá trị gia tăng là 10% nhưng sản phẩm đầu ra lại là sản phẩm ưu đãi cho người tiêu dùng, nên là chỉ phải chịu thuế giá trị gia tăng 5%. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp luôn luôn trong tình trạng lỗ một khoản tiền.
Theo các chuyên gia, quá trình hoàn thuế diễn ra chậm và đôi khi không được hoàn, dẫn đến áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, mục tiêu của thuế giá trị gia tăng phải là thu của người tiêu dùng cuối cùng, không phải thu của các doanh nghiệp trung gian.
Theo quy định hiện hành, nếu doanh nghiệp có số tiền thu vào lớn hơn số tiền đã chi, phần đó sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước. Ngược lại, nếu thu vào ít hơn thì phần thiếu hụt sẽ được chuyển sang kỳ sau để tiếp tục bù trừ. Nhiều doanh nghiệp cảm thấy khó khăn khi tình trạng âm kéo dài, dẫn đến thiếu hụt vốn tái sản xuất.
Trong bối cảnh đó, đang có đề xuất điều chỉnh chính sách để giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc hoàn thuế. Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến được thông qua vào Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, có nhiều nội dung quan trọng; trong đó có quy định về khấu trừ thuế và bổ sung quy định hoàn thuế cho một số dự án đầu tư mới và mở rộng.
Đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ sẽ được hoàn thuế, nếu số thuế đầu vào chưa được khấu trừ đạt từ 300 triệu đồng trở lên trong vòng 12 tháng hoặc 4 quý liên tiếp.
Theo các chuyên gia, việc cải thiện quy trình khấu trừ và hoàn thuế là rất cần thiết để giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính, đồng thời bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp và cán bộ thuế
Năm 2024, công tác hoàn thuế đã ghi nhận những kết quả tích cực khi theo báo cáo từ Tổng cục Thuế, tính đến ngày 4.9, tổng số tiền doanh nghiệp được hoàn thuế đã lên tới 91.500 tỷ đồng, vượt 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một tín hiệu đáng mừng, phản ánh nỗ lực của cơ quan thuế trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn vướng mắc trong công tác hoàn thuế giá trị gia tăng.
Theo đó, một số doanh nghiệp đã cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng từ để chứng minh cho mục đích hoàn thuế, nhưng vẫn có trường hợp cơ quan thuế chưa giải quyết hoàn thuế đúng thời hạn theo quy định. Những khó khăn này phần nào làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh mà các doanh nghiệp cần nguồn vốn sản xuất.
Trình bày quan điểm về hoàn thuế giá trị gia tăng, ông Nguyễn Văn Phụng, ủy viên BCH Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, ngành thuế cần thực hiện chính sách "hoàn trước, kiểm tra sau" một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cũng có thực tế, có trường hợp cán bộ thuế đã thu hồi đủ tiền thuế của doanh nghiệp nhưng vẫn bị quy vào thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Một số ý kiến kiến nghị rằng, cần có những sửa đổi về thời gian nộp hồ sơ hoàn thuế để phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp, như việc tính thời gian nộp từ khi phát sinh doanh thu. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng được hoàn thuế và tăng cường nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc hoàn trước một phần, khoảng 60 - 70% sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà vẫn bảo đảm ngân sách nhà nước.
Ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính chia sẻ rằng, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể về việc hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; trong đó, nhấn mạnh việc thúc đẩy hoàn thuế giá trị gia tăng đúng quy định pháp luật. Mặc dù tình trạng tồn đọng còn diễn ra cục bộ ở một số địa phương nhưng nhìn chung, 80% hồ sơ hoàn thuế đã được thực hiện theo nguyên tắc "hoàn trước, kiểm tra sau". Vấn đề là cần có những quy định rõ ràng để cán bộ thuế yên tâm thực hiện nhiệm vụ của mình mà không lo ngại về trách nhiệm pháp lý.
Một vấn đề được đại diện Bộ Tài chính đưa ra, thời gian qua, số vụ án liên quan đến mua bán hóa đơn giả gia tăng rõ rệt. Cụ thể, đến cuối năm 2022, có khoảng 524 doanh nghiệp bị phát hiện liên quan đến phát hành hóa đơn khống. Tính đến thời điểm này, có hàng triệu hóa đơn đã được phát hành mà không có giao dịch thực tế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngân sách nhà nước. Vì vậy, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý để giải quyết những vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực này.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần xác định rõ trách nhiệm của từng bên trong quy trình hoàn thuế. Cán bộ thuế không thể chịu trách nhiệm về tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp mà chỉ chịu trách nhiệm pháp luật nếu thực hiện sai quy định.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam chỉ ra rằng để bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp, cần "cắt khúc" từng khâu trong quy trình hoàn thuế, từ đó xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước. Việc này không chỉ giúp tăng cường tính minh bạch mà còn bảo vệ cán bộ thuế trong trường hợp kiểm tra phát hiện sai sót không thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp kê khai hay cán bộ thuế.
Kết luận tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, tại kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét 30 dự án luật, dự thảo nghị quyết, nhiều hơn so với các kỳ họp trước. Trong đó, có các dự án luật được đề xuất theo phương án 1 luật sửa nhiều luật để giải quyết các vấn đề cấp bách của cuộc sống.
Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đòi hỏi tổng hợp nhiều yếu tố mà xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách chỉ là một yếu tố. Cần nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Xem xét có hành lang pháp lý để làm sao trong hoạt động công vụ, cán bộ, công chức yên tâm làm việc; truy trách nhiệm dựa trên nguyên tắc là có sự vụ lợi, cố ý và quan hệ nhân quả (giữa hành vi và hệ quả). Đạo đức công vụ, trình độ chuyên môn cũng là những yếu tố cần thiết trong quá trình vận hành nền công vụ.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương Nguyễn Hải Ninh: Tháo gỡ đến cùng khó khăn của doanh nghiệp
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, “tháo gỡ đến cùng” các khó khăn, vấn đề pháp lý mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; Chính phủ đã ban hành 122 Nghị định, 215 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.129 Quyết định, 35 Chỉ thị, tổ chức 3 phiên họp Ban Chỉ đạo về rà soát, xử lý các vấn đề, vướng mắc pháp lý.
Tại kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ sẽ trình Quốc hội các dự luật quan trọng theo tinh thần 1 luật sửa nhiều luật về thuế, chứng khoán, đầu tư… theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp tổ chức ngày 21.9.2024, đó là: Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu.