Thứ nhất, cùng với thực hiện cơ chế tự chủ đại học nói chung, Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học công lập. Với tên gọi là cơ sở đào tạo công lập hay trường công có nghĩa là phải có sự đầu tư của nhà nước. Tuy nhiên, hiện số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập của Việt Nam là quá lớn trong bối cảnh nguồn chi NSNN cho giáo dục bị eo hẹp. Giải pháp tốt nhất để nâng cao chất lượng là giảm số lượng trường công để tập trung ngân sách giáo dục cho số lượng trường công cần được đầu tư. Muốn gia tăng mức đầu tư cho trường công lập để nâng cao chất lượng đào tạo cần hai nguồn chính là ngân sách nhà nước và học phí.
Thứ hai, trao quyền tự chủ tài chính cho các trường trong xác định mức học phí để bù đắp chi phí đầu tư từ nhà nước còn thấp. Tài chính dành cho giáo dục nghề nghiệp của các nước đang phát triển như Việt Nam đối mặt với rất nhiều thách thức và khó khăn. Tuy nhiên, hầu hết các chính phủ đều sử dụng phương thức cùng “chia sẻ chi phí” (cost sharing) giữa chính phủ và người học, “thị trường hóa” đào tạo nhân lực. Thường các trường công lập được nhà nước tài trợ nên mức học phí cũng thấp hơn học phí ở các trường tư, mức độ cách biệt học phí tùy vào từng ngành nghề và mức đầu tư của nhà nước. Các trường sẽ đưa ra mức học phí cạnh tranh, cam kết điều kiện dạy và học cũng như chất lượng đầu ra với người học.
Sinh viên ĐHQG Singapore |
Thứ ba, dù được nhà nước đầu tư với mức độ khác nhau và khi các trường đại học công lập bảo đảm các tiêu chí về năng lực tự chủ đại học, thì có thể giao tự chủ hoàn toàn về tài chính (được quyền quyết định nguồn thu, các khoản chi, đầu tư, trả công…). Thí dụ, ở Singapore có 3 trường đại học lớn là Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore - NUS), Đại học Công nghệ Nanyang (Nanyang Technological University - NTU), Đại học quản lý Singapore (Singapore Management University - SMU) được tự chủ hoàn toàn nhưng vẫn nhận ngân sách tài trợ từ chính phủ. Các đại học này tự chủ về quản trị, học phí, tiêu chuẩn tuyển sinh, trả lương cho cán bộ giảng viên, sử dụng và phát triển hiệu quả nguồn tài chính hướng đến phát triển học thuật và tất cả vì danh tiếng nhà trường. Hội đồng trường được trao quyền giám sát và thực thi các mục tiêu theo chiến lược của chính phủ và kiểm soát hệ thống bảo đảm chất lượng. Rõ ràng cơ chế tự chủ, đặc biệt là cơ chế tự chủ tài chính của Singapore có rất nhiều ưu điểm, đã phát huy được quyền làm chủ của trường đại học gắn với cơ chế giải trình.
Thứ tư, kinh nghiệm của các nước như đã nêu, dù là tăng học phí để giảm gánh nặng cho NSNN, nhưng nhà nước vẫn phải bảo đảm nguồn đầu tư cơ sở vật chất cho các trường công thì chất lượng đào tạo mới được bảo đảm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung, và đại học công lập nói riêng là hoạt động phi lợi nhuận. Như vậy, nên chăng có loại hình trường theo mô hình doanh nghiệp đối với trường đại học công lập theo cơ chế hiện hành? Nếu có loại này thì có gọi là trường công? Nếu trường công như công ty TNHH một thành viên, vậy ai sẽ đại diện sở hữu nhà nước trong hội đồng trường? Rất nhiều vấn đề chưa rõ ràng theo mô hình này. Vì vậy, theo chúng tôi quy định này là khó khả thi trong điều kiện pháp lý chưa rõ ràng.
Thứ năm, khi các trường đại học công lập chuyển qua mô hình tự chủ, trong đó có tự chủ tài chính, ai sẽ đại diện cho sở hữu nhà nước ở các trường đại học công lập Việt Nam? Nhà nước, một mặt trao quyền tự chủ tài chính cho các trường đại học công lập, mặt khác phải có quy định rõ ràng về quyền sở hữu, quyền quản lý, trách nhiệm giải trình, quan hệ với đơn vị chủ quản, nhằm bảo đảm, bảo toàn và phát triền các nguồn tài sản do Nhà nước đầu tư tại các trường đại học công lập.