Đó là khẳng định của các đại biểu tại tọa đàm "Khuyến học trong tinh thần khuyến đọc hiện nay", diễn ra sáng 19.4, do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Omega+ tổ chức.
Tọa đàm được tổ chức nhân dịp cuốn sách “Khuyến học” của nhà tư tưởng nổi tiếng Nhật Bản Fukuzawa Yukichi được Omega+ xuất bản tại Việt Nam. Omega+ muốn giới thiệu tới bạn đọc không chỉ về cuốn sách, mà quan trọng hơn là tinh thần khuyến học - chính tinh thần này đã giúp nước Nhật vươn lên mạnh mẽ từ thời Minh Trị và giờ đây trở thành một trong những quốc gia phát triển trên thế giới.
Tại tọa đàm, TS. Nguyễn Tiến Dũng, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng: “Khuyến học” là một trong những tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất với người dân Nhật Bản. Những năm 1940, cuốn sách đã được in 700.000 bản. Tại Việt Nam, những năm 2010, tác phẩm này đã được dịch và giới thiệu tới độc giả, tuy nhiên số bản in không lớn.
Trong cuốn sách “Khuyến học”, Fukuzawa Yukichi đề cập tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn. Với độc giả Việt Nam hiện nay, nhiều tư tưởng của Fukuzawa Yukichi trong tác phẩm này có lẽ không còn là điều mới mẻ gây chấn động lòng người như đối với người dân Nhật Bạn ở thời Minh Trị.
Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của ông thì vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự đối với những quốc gia đang trên con đường hiện đại hóa. TS. Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, con người phải tự học, đào tạo lại liên tục, và quá trình đó có thể được thực hiện thông qua việc tự đọc, tự học của mỗi người.
Theo TS. Mai Anh Tuấn, Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cuốn sách cho thấy các cấp độ của học vấn. Đầu tiên là học chữ, nhưng vấn đề khó hơn là đọc sách, tiếp nhận tri thức, phải luôn có sự tỉnh táo, hoài nghi, tìm hiểu sâu vấn đề. Tinh thần của cuốn sách còn là sự hành động, biến ý tưởng từ việc đọc được thành kết quả cụ thể.
“Khuyến học” là cuốn sách thứ 16 trong Tủ sách Đời người của Omega+. Tác phẩm được dịch theo bản Fukuzawa Yukichi soạn, Tomita Masafumi giới thiệu, xuất bản năm 1941. Một số điểm mà dịch giả đã bổ sung trong ấn bản này: Hệ thống chú thích, tranh minh họa; phần Phụ lục, bao gồm một bài bình sách "Khuyến học" được in trong "Phúc trạch toàn tập tự ngôn", Niên biểu lịch sử Nhật Bản có liên quan đến Fukuzawa Yukichi và sách "Khuyến học", làm sách dẫn từ các mục để tiện tra cứu…
Giám đốc Omega+ Trần Hoài Phương cho biết, cuốn sách cũng như tọa đàm đặt ra câu chuyện học và đọc. Trong đó, tự học suốt đời là mục đích của giáo dục, và đọc là công cụ để chúng ta tự học, tiếp thu hệ thống tri thức của nhân loại tích lũy trong sách vở. Hướng tới câu chuyện này, trong quá trình hoạt động của mình, Omega+ tập trung xuất bản các tác phẩm tri thức nền tảng, giới thiệu lại các sách mang dấu mốc của các ngành khoa học, cũng như cập nhật các nghiên cứu mới để phục vụ độc giả hiện nay.