Thay đổi linh hoạt phù hợp với bối cảnh từng thời kỳ
Ngày 8.3.1948, HTX thủy tinh Dân Chủ được thành lập tại Chiến khu Việt Bắc, mở đầu cho sự ra đời và phát triển của khu vực , HTX ở Việt Nam. Trước đó, thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, HTX được hình thành và mở rộng theo hình thức sơ khi như tổ vẫn công, tổ đổi công.
Nhờ sự quan tâm, khuyến khích mở rộng, đến năm 1960 cả nước đã có hơn 50.000 HTX được thành lập trong các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, ngư nghiệp, tín dụng, ... thu hút đại bộ phận hộ nông dân, hộ kinh tế cá thể và người lao động tham gia. Trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau những tổn thương do chiến tranh, các mô hình KTTT đã góp phần to lớn vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế thúc đẩy kinh tế phát triển với tốc độ cao, hình thành quan hệ sản xuất mới, khai thác và sử dụng có hiệu quả hơn tư liệu sản xuất, đất đai và sức lao động; đưa những hộ nông dân, những người sản xuất nhỏ, thợ thủ công, tiểu thương vào làm ăn hợp tác trong các HTX theo đường lối của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc cải tạo Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Năm 1996, Luật HTX đầu tiên ra đời và chính thức có hiệu lực từ 1.1.1997. Tiếp sau đó là Luật HTX 2003; Luật HTX năm 2012 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho khu vực HTX phát triển. Năm 2002, Nghị quyết số 13-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT” ra đời, từ đây các HTX từng bước chuyển đổi và đăng ký lại cho phù hợp và thích ứng ngày càng tốt hơn với sự biến động của cơ chế thị trường; quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất trong các HTX được tăng cường; vai trò tự chủ của HTX được đề cao, thành viên tham gia HTX một cách tự nguyện. Nhiều HTX đã xây dựng được phương án hoạt động phù hợp, huy động được sự tham gia đóng góp của thành viên; mô hình HTX mới, mô hình HTX phát triển sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị được hình thành đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhiều HTX mới được thành lập trong các ngành, lĩnh vực kinh tế với các hình thức tổ chức và phương thức hoạt động đa dạng. Trong các HTX mới thành lập có nhiều mô hình HTX mới như HTX y tế, HTX vệ sinh môi trường, HTX nước sạch, HTX dịch vụ tang lễ, HTX công nghệ thông tin...
Đến cuối năm 2020, hơn 96% các HTX đã chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, phù hợp với Luật HTX năm 2012. Cả nước có 1.292 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3.220 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tăng 6,8 lần so với năm 2015. Có hơn 500 HTX, liên hiệp HTX có quy mô hơn 300 thành viên, tổng nguồn vốn hơn 5 tỷ đồng và doanh thu hơn 5 tỷ đồng/năm (tăng 4 lần so với giai đoạn 2015).
Đóng góp trực tiếp của khu vực kinh tế tập thể, HTX vào GDP của cả nước trung bình đạt khoảng 4,8%; đóng góp gián tiếp trên 30% GDP cả nước thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên. Khu vực KTTT cung ứng cho thị trường từ 18% - 32% hàng lương thực, thực phẩm và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, góp phần vào ổn định giá cả thị trường và kiềm chế lạm phát. Đặc biệt, thu hút hơn 3 triệu lao động, tạo hơn 40.000 việc làm mới hàng năm, tăng thu nhập cho người lao động, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Tính đến 31.12.2022, cả nước có 29.021 HTX, 125 liên hiệp HTX, 123.241 tổ hợp tác; các HTX thu hút 6,93 triệu thành viên, chủ yếu là hộ gia đình ở địa bàn nông thôn và 2,58 triệu lao động. Nhiều mô hình HTX phục hồi nhờ mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất và quản trị truyền thống; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất; nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất kinh doanh; phát triển mở rộng gắn với quy hoạch vùng sản xuất, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ thành viên; đẩy mạnh liên kết phát triển mạnh trong cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra; liên kết giữa các thành viên và các HTX, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế.
Đặt mục tiêu phát triển KTTT ngang tầm khu vực
Nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới, Chính phủ đã có Nghị quyết 09/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20 NQ-TW ngày 16.6.2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Nghị quyết nêu rõ, Chương trình hành động của Chính phủ là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả quan điểm chỉ đạo, phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KTTT mà Nghị quyết số 20-NQ/TW đã đề ra.
Cụ thể, đến năm 2030 có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức KTTT đạt loại tốt, khá. Trong đó, có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Đến năm 2045, thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức KTTT. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức KTTT, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức KTTT hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức KTTT nằm trong bảng xếp hạng 300 HTX lớn nhất toàn cầu do Liên minh HTX quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức KTTT đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Từng bước khẳng định mô hình KTTT phù hợp với nhu cầu tổ chức sản xuất của người dân, phục vụ sản xuất kinh doanh bền vững và thực hiện hiệu quả chương trình hành động phục hồi kinh tế.
Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT. Có chính sách phù hợp để tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng của KTTT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh HTX Việt Nam đối với phát triển KTTT.