Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ PHẠM VĂN HIỂU:
Xác định rõ nguyên nhân, giải pháp tháo gỡ những “điểm nghẽn”
Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV cho thấy đổi mới trong phương thức hoạt động của Quốc hội, có ý nghĩa quan trọng trong việc gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với thực hiện pháp luật, nhằm làm cho pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Đây cũng là cách làm thiết thực để triển khai thực hiện và đưa Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” vào cuộc sống.Hội nghị đã được chuẩn bị và tiến hành với tinh thần nghiêm túc, chu đáo, cẩn trọng. Các nội dung đánh giá về công tác triển khai đối với các luật, nghị quyết; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cùng tham luận của một số cơ quan… phản ánh sự gắn kết trách nhiệm giữa các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ trong xác định nguyên nhân, giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc để triển khai thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Tại hội nghị này, thành phố Cần Thơ đã có cơ hội trao đổi thông tin, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai thực hiện tốt hơn Nghị quyết số 45/2022/QH15 “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ”. Trước đó, ngày 22.2.2022, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU; UBND thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND về triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ”. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện nghị quyết cũng còn gặp một số khó khăn. Vì thế, đây là dịp để thành phố trình bày, kiến nghị với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ nhằm tìm giải pháp hỗ trợ, giúp thành phố triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 45/2022/QH15 trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên TRẦN THỊ TUYẾT HƯƠNG:
Lập pháp vì cuộc sống, dẫn dắt và kiến tạo sự phát triển
Đúng như kỳ vọng của đại biểu, cử tri và Nhân dân cả nước, hội nghị đặc biệt chưa từng có trong tiền lệ dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thực sự đã thể hiện rõ sự “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả” theo đúng tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước, với khoảng 2.400 đại biểu tham dự. Đây là con số khiến tôi cực kỳ ấn tượng, khẳng định về một Quốc hội đổi mới, luôn hành động hướng đến mục tiêu cao nhất là lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của Nhân dân. Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng hết sức chủ động, quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để triển khai, thực thi nhằm đưa các luật, nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống…
Tuy nhiên, như hội nghị đã thẳng thắn đánh giá, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế. Nổi lên, là: công tác tổ chức triển khai một số luật, nghị quyết còn chậm; một số văn bản chưa bảo đảm về chất lượng, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, gây vướng mắc, cản trở sự phát triển… Mặt khác, công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại một số bộ, ngành chưa được quan tâm đúng mức; một số văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập cũng chậm được xử lý; việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có vi phạm còn chưa kịp thời, chưa tương xứng với tính chất, mức độ... Nhận diện thực trạng này, bằng trí tuệ, trách nhiệm, hội nghị đã xác định được nhiều giải pháp xử lý, khắc phục hiệu quả trong thời gian tới. Tôi tin tưởng rằng, sau hội nghị sẽ là những chuyển biến rõ nét, pháp luật sẽ được thực thi nghiêm minh, nhất quán, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu “lập pháp phải vì cuộc sống, phải dẫn dắt và kiến tạo sự phát triển” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang HOÀNG VĂN VỊNH:
Rõ nét hình ảnh Quốc hội luôn đổi mới, hành động vì lợi ích Nhân dân
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị này rất cần thiết để các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua sớm đi vào cuộc sống, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả. Hội nghị này là minh chứng khẳng định, công tác lập pháp của Quốc hội được đổi mới không ngừng, phản ứng linh hoạt, kịp thời và ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tế của cuộc sống. Đối với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ là sự quyết liệt, đồng bộ trong chỉ đạo, triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…
Tại hội nghị, đã có nhiều kiến nghị, giải pháp được đưa ra nhằm khắc phục những tồn tại trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Tôi đồng tình với quan điểm: Chính phủ cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực quan trọng liên quan đến lợi ích thiết yếu của người dân; hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong tổ chức thi hành; tăng cường giám sát, thanh kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật cũng như các hành vi tiêu cực, vi phạm…
Cũng như cử tri cả nước, tôi tin rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế. Đồng thời, quyết liệt trong giám sát, đôn đốc việc triển các khai luật, nghị quyết vào cuộc sống…
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên MAI THỊ THÚY NGA:
Hướng đến mục tiêu pháp luật được thực thi nghiêm minh, hiệu quả
Trước tiên, phải khẳng định, hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV diễn ra rất kịp thời. Bởi, trong nửa chặng đường đã qua, hoạt động lập pháp của Quốc hội không ngừng đổi mới, phản ứng kịp thời, linh hoạt, ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tế của cuộc sống. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, công tác tổ chức triển khai một số luật, nghị quyết còn chậm; một số luật được ban hành từ năm 2022 nhưng đến nay chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; một số văn bản chất lượng chưa bảo đảm, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, gây vướng mắc… Điều này đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, địa phương phải cùng ngồi lại để tìm nguyên nhân, giải pháp tháo gỡ kịp thời, hướng đến mục tiêu pháp luật được thực thi nghiêm minh và hiệu quả.
Tôi đánh giá cao các báo cáo và tham luận cũng như ý kiến phát biểu của các đại biểu tại hội nghị. Với tinh thần khách quan, thẳng thắn, trách nhiệm cao, các đại biểu đã giúp phản ánh sâu sắc, rõ nét, chính xác những kết quả đã đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, cùng trao đổi, thống nhất những giải pháp khả thi, thiết thực, tiếp tục tăng cường sự phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác triển khai, bảo đảm đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hội nghị đã hội tụ được hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương… liên quan đến các khâu từ xây dựng đến thực thi pháp luật. Do đó, mỗi ý kiến phát biểu đều chứa đựng thực tiễn sinh động, “hiến kế” để công tác lập pháp, tư pháp, hành pháp ngày càng hiệu quả. Mong rằng, sau diễn đàn này, các “điểm nghẽn” trong thực thi chính sách, pháp luật sẽ từng bước được tháo gỡ; các luật, nghị quyết mới ban hành sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả cao nhất.