Là hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương đầu tiên ở cấp cao nhất của Chủ tịch Quốc hội và Quốc hội Khóa XV, những thành công và dấu ấn đậm nét của Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đồng AIPA - 42 là khởi đầu tốt đẹp cho hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ mới, vượt lên những khó khăn, thử thách do đại dịch Covid-19 gây ra. Hoạt động của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đồng AIPA - 42 vì thế, còn mang một ý nghĩa đặc biệt, thiết thực triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, khẳng định cam kết chủ động, tích cực và tham gia có trách nhiệm các hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam và Quốc hội nước ta tại các cơ chế liên nghị viện khu vực và thế giới, phát huy vị thế của Việt Nam sau thành công của Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Chủ tịch ASEAN 2020.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng AIPA - 42, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu ấn tượng, khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam về hợp tác liên nghị viện trong khu vực nhằm đồng hành, ủng hộ, bổ trợ và thúc đẩy các Chính phủ trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng, lấy người dân làm động lực và trung tâm của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà lãnh đạo nghị viện thành viên AIPA đã chia sẻ tầm nhìn chung về sự cần thiết phải phát huy vai trò của nghị viện và hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm; đồng thời, nhấn mạnh các hoạt động, lĩnh vực cụ thể, thực chất, những việc mà nghị viện các nước thành viên AIPA cần làm và phải làm để biến tầm nhìn thành thực tiễn. Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh các nội dung về tăng cường tiếp cận bình đẳng các dịch vụ số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; tăng cường hợp tác với các đối tác, các tổ chức quốc tế để đẩy mạnh kết nối hạ tầng số, bảo đảm hệ sinh thái kỹ thuật số bao trùm, rút ngắn khoảng cách số, bảo đảm phát triển đồng đều, bền vững trong ASEAN; thúc đẩy hợp tác công - tư để phát triển hệ sinh thái số, thiết lập các vườn ươm doanh nghiệp và khởi nghiệp số; tăng cường các chính sách và khung pháp lý, ủng hộ các sáng kiến trong khuôn khổ các kênh hợp tác của ASEAN cũng như với các đối tác về bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, dữ liệu, tạo lập niềm tin trong không gian số…
Đó là nhìn về tương lai, chuẩn bị các điều kiện cho sự phục hồi bền vững của các nước ASEAN sau đại dịch Covid-19. Còn hiện tại, trước mắt, vấn đề hệ trọng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt ra với các nhà lãnh đạo nghị viện thành viên AIPA là các nước ASEAN phải đoàn kết, tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong ứng dụng khoa học công nghệ nhằm kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19, đặc biệt là tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, phân phối bình đẳng vaccine, thuốc điều trị và trang thiết bị nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19. Các nghị viện cần trao quyền nhiều hơn cho các Chính phủ để có thể ứng phó với đại dịch một cách tích cực, linh hoạt và hiệu quả, giảm thiểu các tác động tiêu cực và thúc đẩy hồi phục kinh tế - xã hội sau đại dịch.
Toàn bộ thông điệp, các nội dung đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đưa ra tại phiên họp toàn thể đã được các nghị viện thành viên ghi nhận, nhấn mạnh trong Thông cáo chung của Đại hội đồng AIPA - 42. Và như vậy, có thể thấy, hoạt động đối ngoại đa phương của Quốc hội đã cộng hưởng với những nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19, tăng cường hợp tác khu vực vì sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch bởi trong cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình này, không ai và không một quốc gia nào có thể tự mình giành chiến thắng.
Có nhiều yếu tố làm nên thành công và dấu ấn đậm nét của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đồng AIPA - 42. Trong đó, phải kể đến sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong quá trình chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này. Với nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của ngoại giao nghị viện, nhất là ngoại giao nghị viện đa phương, người đứng đầu cơ quan lập pháp đặt yêu cầu rất cao về tính chuyên nghiệp, đổi mới trong công tác chuẩn bị, nhất là chuẩn bị các nội dung tham gia đóng góp của Đoàn Việt Nam. Ủy ban Đối ngoại và các cơ quan chuyên môn của Quốc hội đã chủ động trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong nước và Ban Tổ chức, Ban Thư ký AIPA với tinh thần ủng hộ vai trò của nước chủ nhà, thúc đẩy đoàn kết, thống nhất, dẫn dắt những nỗ lực chung để AIPA bổ trợ ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, đặc biệt trước mắt là vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế bền vững sau đại dịch.
Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp làm việc với các bộ, ngành, ủy ban của Quốc hội để nghe báo cáo chi tiết về từng nội dung, xác định rõ quan điểm của Việt Nam đối với những vấn đề sẽ đưa ra thảo luận tại Đại hội đồng. Thậm chí, ở các phiên họp của từng ủy ban, các cơ quan của Quốc hội còn xây dựng kịch bản tham dự chi tiết, nếu ý kiến đóng góp của Đoàn Việt Nam chưa được tiếp thu hoặc không được tiếp thu hoặc chỉ tiếp thu một phần thì cách thức xử lý, nêu quan điểm thuyết phục chủ tọa điều hành hoặc các nghị viện thành viên như thế nào. Rất tự hào là các đề xuất, góp ý của Đoàn Việt Nam tham gia vào tất cả các dự thảo Nghị quyết đều đã được tiếp thu tối đa. Nhưng sự chuẩn bị chi tiết và tỉ mỉ như vậy cho thấy tính chuyên nghiệp trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội đang ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của ngoại giao nghị viện.
Khép lại sự kiện đối ngoại đa phương đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội và Quốc hội Khóa XV cũng là chỉ dấu cho thấy ngoại giao nghị viện chắc chắn sẽ kế thừa, tiếp nối xứng đáng những thành tựu đã đạt được và ngày càng hiệu quả, tương xứng với vai trò là một trong ba trụ cột của “nền ngoại giao toàn diện, hiện đại” gồm đối ngoại đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân mà Đảng ta xác định tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII.