Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới
- Dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị Nữ nghị sĩ trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA-42, bà đánh giá như thế vào về kết quả của hội nghị ?
- Hội nghị diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, đoàn kết và hợp tác, phản ánh cam kết của AIPA về bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là trọng tâm trong các nỗ lực phục hồi sau đại dịch. Bởi lẽ, AIPA có trách nhiệm trong ủng hộ các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó, đề ra tầm nhìn hướng đến một Cộng đồng bao trùm, thu hẹp khoảng cách về giới và bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.
Tại hội nghị, các đại biểu đồng thuận rằng, trao quyền kinh tế cho phụ nữ thông qua cách tiếp cận về tài chính và kỹ thuật số bao trùm không chỉ là vấn đề về bình đẳng giới mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, chính trị ở mỗi quốc gia. Chính vì vậy, WAIPA nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển, hoàn thiện khung khổ pháp lý và các nhóm khuyến nghị chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách về giới, giúp phụ nữ có sự chuẩn bị tốt cho tương lai công việc và phục hồi sau đại dịch; cải thiện hệ thống pháp lý quốc gia và hợp tác khu vực nhằm bảo đảm trao quyền kinh tế cho phụ nữ thông qua các giải pháp tài chính và kỹ thuật số bao trùm sau đại dịch.
- Quốc hội Việt Nam chia sẻ mối quan tâm chung với AIPA và ASEAN trong vấn đề này như thế nào, thưa bà?
- Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là một trong những nội dung nghị sự được AIPA và các Nghị viện thành viên, trong đó có Quốc hội Việt Nam rất quan tâm. Quốc hội Việt Nam đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong cải thiện chính sách, tạo môi trường bình đẳng cho phụ nữ. Nhờ đó, phụ nữ tiếp cận tốt hơn tới vốn, công nghệ, tài chính, thông tin - nền tảng quan trọng cho việc làm và thu nhập ổn định. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, Quốc hội đã ban hành Luật Bình đẳng giới và đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là ở lĩnh vực lao động, việc làm. Năm 2019, Quốc hội sửa đổi toàn diện Bộ luật Lao động và một số luật liên quan, bảo đảm tốt hơn các quyền lợi cơ bản của người lao động và nâng cao năng lực thực thi chính sách về việc làm, thu nhập đối với lao động, nhất là lao động nữ. Trong những năm tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát để bảo đảm bình đẳng giới được thực hiện thực chất.
Các nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham gia rất tích cực trong quá trình ban hành các quyết định, phân bổ ngân sách, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 30,26%, cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa VI đến nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt hơn 30%. So sánh với thế giới, nếu trước đây Việt Nam đứng thứ 71 trên thế giới, thứ 9 ở châu Á, thì hiện nay, chúng ta đứng thứ 51 trên thế giới và thứ 4 ở châu Á. Những con số này là minh chứng rõ nét cho thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực bình đẳng giới và trao quyền kinh tế, chính trị cho phụ nữ.
Giải phóng và trao quyền cho phụ nữ
- Hội nghị đã thông qua Nghị quyết "Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm". Bà đánh giá thế nào về ý nghĩa của nghị quyết này trong tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới ở khu vực ASEAN?
- Tại nghị quyết vừa được thông qua, AIPA kêu gọi các quốc gia thành viên ASEAN tăng cường triển khai các chiến lược số bao trùm nhằm thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực số hóa, đồng thời, bảo đảm an ninh số và an ninh mạng; xây dựng mạng lưới hợp tác ở tất cả các cấp trong việc nâng cao năng lực cho phụ nữ, bảo đảm việc làm cho phụ nữ và nghiên cứu tác động của Covid-19 đối với lao động nữ trong ASEAN để đề ra lộ trình, kế hoạch cho giai đoạn hậu đại dịch, phát triển và đào tạo nâng cao các kỹ năng thích ứng hiệu quả cho phụ nữ và trẻ em gái.
Nghị quyết phản ánh các cam kết của AIPA trong thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia và đóng vai trò tích cực trong các nỗ lực phục hồi kinh tế, các hoạt động của AIPA cũng như các kế hoạch nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025. Có thể nói, Nghị quyết được thông qua lần này là sự tiếp nối Nghị quyết "Thúc đẩy vai trò của nữ nghị sĩ trong việc bảo đảm việc làm và thu nhập cho lao động nữ" được thông qua tại Đại hội đồng AIPA - 41 do Quốc hội Việt Nam chủ trì tổ chức năm 2020, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thu hẹp khoảng cách về giới, hướng tới Cộng đồng ASEAN thống nhất về chính trị, hội nhập về kinh tế và trách nhiệm với xã hội.
- Đoàn Việt Nam đã có đóng góp cụ thể nào vào Nghị quyết của Hội nghị WAIPA lần này, thưa bà?
- Đoàn Việt Nam rất ủng hộ việc thông qua nghị quyết và đã tích cực đóng góp 12 nội dung để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trong đó tập trung vào những khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19 đối với phụ nữ trong tiếp cận việc làm và các nguồn hỗ trợ, đặc biệt là tài chính. Đoàn Việt Nam cho rằng, trong lĩnh vực số hóa không chỉ có khoảng cách giới mà còn cả phân biệt giới. Chúng ta cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nghị viện trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kỹ thuật số và tài chính bao trùm nhằm thúc đẩy trao quyền kinh tế và việc làm cho phụ nữ trong tương lai sau đại dịch.
Nhìn nhận số hóa là một trong những giải pháp hữu hiệu cho việc giải phóng và trao quyền cho phụ nữ nếu họ được tiếp cận và đào tạo đầy đủ, Đoàn Việt Nam đã đề nghị, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết các giải pháp như: kêu gọi các quốc gia thành viên AIPA tăng cường vai trò của các nghị viện trong việc kiểm soát và phòng ngừa Covid-19 thông qua tiếp cận công bằng và bình đẳng cũng như hợp tác và chia sẻ vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng của cả khu vực ASEAN; cải thiện hệ thống pháp luật quốc gia và khu vực nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý cho việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ thông qua kỹ thuật số và tài chính tương lai sau đại dịch. Kêu gọi các thành viên AIPA thúc đẩy hợp tác ở cấp độ song phương, khu vực và quốc tế, xây dựng mạng lưới kết nối để đào tạo và tạo việc làm cho phụ nữ; thực hiện nghiên cứu tác động toàn diện của Covid-19 đối với lao động nữ trong khu vực để đưa ra kế hoạch sau đại dịch về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm; hỗ trợ phát triển và các dịch vụ kỹ thuật số với các cơ chế bảo trợ xã hội đầy đủ để cung cấp cho phụ nữ khả năng tiếp cận an toàn, bảo mật, hiệu quả, giá cả phải chăng cũng như bảo vệ sự bền vững tài chính của phụ nữ.
Các ý kiến đóng góp của Đoàn Việt Nam đã được các đại biểu đánh giá cao và tiếp thu, đưa vào nghị quyết. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tham gia tích cực, chủ động của các nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Hội nghị WAIPA khẳng định vai trò thành viên có trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác nghị viện đa phương khu vực và thế giới, hiện thực hóa Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và là thông điệp về một nước Việt Nam không ngừng đổi mới, Quốc hội Việt Nam trách nhiệm, tích cực, chủ động đối với hợp tác liên nghị viện đa phương khu vực.
Mặt khác, việc Đoàn Việt Nam tham gia tích cực và đóng góp có giá trị tại hội nghị WAIPA cũng góp phần khẳng định vai trò, năng lực, trí tuệ của các nữ đại biểu Quốc hội trong tham gia giải quyết các vấn đề quan tâm chung của khu vực, qua đó, nâng cao vai trò và uy tín quốc tế của Việt Nam.
- Xin cảm ơn bà!