Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Phiên họp dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày rưỡi, xem xét 2 nhóm vấn đề.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền: Cho ý kiến bước đầu về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”. Đây là chuyên đề giám sát quan trọng, có ý nghĩa lớn, phạm vi giám sát rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội. Đoàn giám sát đã có kế hoạch tổ chức chu đáo, huy động sự tham gia của HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương và tiến hành khảo sát, nghiên cứu tại nhiều bộ, ngành Trung ương, địa phương.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng cao nhất khi trình Quốc hội, tại Phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe và cho ý kiến bước đầu về chuyên đề giám sát này. "Đây là bước chuẩn bị hết sức quan trọng, cần thiết”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 3). Đây là đợt phân bổ vốn trung hạn thứ 3 từ khi Quốc hội quyết định chương trình này nhằm thực hiện quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đợt 3 này còn khối lượng vốn khá lớn, chưa có điều kiện để phân bổ; đề nghị, các bộ đại diện cho Chính phủ báo cáo kỹ vấn đề này. Vì sao việc giao vốn chậm? Phải chăng là vướng mắc từ khâu chuẩn bị đầu tư?
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, hiện nay Chính phủ chưa báo cáo danh mục của các dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 để giao vốn; đồng thời, để điều hòa vốn đầu tư công trung hạn với vốn của Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và yêu cầu Chính phủ khẩn trương rà soát để trình. Tuy nhiên, 2 danh mục này hiện nay vẫn chưa có. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội thảo luận thêm về vấn đề này. Giải pháp nào để thực hiện đúng tiến độ gói kích thích kinh tế gần 350 nghìn tỷ đồng và giao vốn cũng như tiến hành phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công của giai đoạn 5 năm cũng như từng năm?
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề xuất của Chính phủ liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24.9.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là Nghị quyết rất quan trọng và có phạm vi số vốn khá lớn, khoảng 38 nghìn tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp và cũng được tổ chức triển khai rất nhanh để thực hiện theo Nghị quyết 30 của Quốc hội về hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, xem xét báo cáo như vậy đã kịp thời hay chưa? Có căn cứ pháp lý, thực tiễn nào để tiếp tục nhất trí chi bổ sung khoản ngoài Nghị quyết 03 mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc thành lập thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy, Tiền Giang; thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã Chơn Thành, Bình Phước. Đồng thời, cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7.
Về nhóm vấn đề thứ hai, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành thời gian một ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức của Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cũng như Quy chế về giám sát của Quốc hội và kế hoạch hàng năm.
Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Công an, Chủ tịch Quốc hội cho biết, nội dung chất vấn sẽ tập trung vào: công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng, giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Việc triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước công dân, việc cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông Bộ mới xây dựng; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.
Với lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến thực hiện các nhiệm vụ được đề ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa và Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị Khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cũng như việc triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Để bảo đảm các nội dung được chuẩn bị, xem xét thấu đáo kỹ lưỡng, toàn diện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí, sắp xếp, tập trung tối đa thời gian để thảo luận cho ý kiến. Các cơ quan hữu quan cử người có trách nhiệm tham gia đầy đủ các nội dung theo chương trình làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.