Dự báo năm nay, thương mại toàn cầu có thể sụt giảm 9% so với năm 2008 do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Do đó nội dung ưu tiên của Kỳ họp lần thứ 3 ABAC năm nay tập trung thảo luận giải quyết những thách thức hiện tại do khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra bằng cách thúc đẩy chương trình hợp tác APEC nhằm đạt được mục tiêu Bogor về môi trường thương mại, đầu tư tự do và cởi mở trong khu vực.
Các đại biểu dự kiến đưa ra 10 kiến nghị đối với các Bộ trưởng Kinh tế APEC và 3 kiến nghị đối với lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế APEC. Trong đó đáng chú ý là những kiến nghị: thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực; thuận lợi hóa các dòng chảy thương mại và vốn đầu tư. Theo ABAC, thời điểm hiện nay rất phù hợp để các nền kinh tế áp dụng các biện pháp thuận lợi hóa thương mại và thực tế hóa 280 tỷ USD tiềm năng tăng trưởng thương mại trong nội khối APEC đã được Ngân hàng Thế giới xác định. APEC nên đẩy mạnh hợp tác hài hòa các thủ tục hải quan thông qua việc áp dụng Sáng kiến Một cửa APEC nhằm giảm thêm 5% chi phí giao dịch vào năm 2010; Tích cực hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ. Để tăng cường hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ABAC kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC thành lập liên minh thương mại điện tử và cơ cấu kinh doanh điện tử phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt trong hội nghị lần này, ABAC kêu gọi các nền kinh tế APEC thực hiện đầy đủ cam kết về việc ngăn chặn các biện pháp bảo hộ, nhất là ở giai đoạn sau khủng hoảng. Đại diện Việt Nam -Chủ tịch ABAC Việt Nam Hoàng Văn Dũng kiến nghị: Lãnh đạo APEC cần giữ đúng cam kết, không đưa ra thêm bất cứ rào cản thương mại nào. Vì theo quan sát, hiện đang có xu hướng tiêu cực là tăng cường bảo hộ bằng cách tạo thêm các rào cản thương mại mới. Có thể về hình thức, những rào cản này là phù hợp với quy định của WTO, song chúng trái ngược với tinh thần của các cam kết G20 (nhóm các nền kinh tế lớn) và lãnh đạo APEC. Để đạt được hiệu quả, lập trường nhất quán này cần được áp dụng đối với bất kỳ biện pháp nào, bao gồm cả kích thích tài chính, nếu như biện pháp đó ảnh hưởng không tốt tới thương mại và đầu tư. Và đối với các biện pháp bảo hộ như vậy, nếu đã được áp dụng ở nền kinh tế nào đó thì cần rút lại trong thời gian sớm nhất.
Trong 3 kiến nghị mà ABAC gửi lên các lãnh đạo cấp cao APEC lần này, đáng chú ý là kiến nghị: các thành viên APEC khi thực hiện các biện pháp kích thích tài chính thì nên hướng tới mục tiêu thúc đẩy nhu cầu toàn cầu chứ không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy nhu cầu trong nước như hiện nay. Các giải pháp tài chính nên đẩy mạnh hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa của cả khối APEC vì khu vực này đóng góp rất lớn việc tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC từ tháng 11.1998, nâng tổng số thành viên của tổ chức này lên 21 nền kinh tế. Tổng GDP của APEC chiếm 55% GDP toàn cầu và tổng giá trị giao dịch thương mại của APEC chiếm 49% tổng thương mại toàn cầu. Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện khá rõ nét bản lĩnh và sự năng động của một nền kinh tế đang trên đà phát triển mạnh. Một số sản phẩm của Việt Nam như gạo, hạt tiêu, hàng may mặc, giày dép... đã có vị trí quan trọng trên thị trường quốc tế. Việc ABAC Việt Nam chủ trì đăng cai tổ chức Hội nghị đúng vào thời điểm nền kinh tế thế giới gặp khó khăn như hiện nay cũng mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nước ta tiếp cận trực tiếp với các doanh nhân hàng đầu của khu vực APEC, để cùng trao đổi, hợp tác tìm kiếm cơ hội đầu tư và thương mại.
ABAC (APEC Business Advisory Council) là Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (Hội đồng Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương), được các nhà lãnh đạo Kinh tế APEC thành lập tháng 11/1995 với mục tiêu tư vấn cho các nhà lãnh đạo về những vấn đề quan trọng hàng đầu liên quan tới hoạt động kinh doanh trong khu vực. ___________ Hội đồng tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) là một cơ chế đối thoại đặc biệt trong khuôn khổ APEC giữa các đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo APEC về các ưu tiên trong lĩnh vực kinh doanh liên quan đến tài chính, thương mại và đầu tư, công nghệ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các doanh nghiệp siêu nhỏ. Thông qua ABAC, cộng đồng doanh nghiệp có thể góp tiếng nói chung của mình vào quá trình hoạch định chính sách hợp tác kinh tế chung và xây dựng các chương trình, dự án và sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy giao lưu thương mại và đầu tư trong khu vực. |