Khơi thông “điểm nghẽn” trong đầu tư
Tại phiên thảo luận, hầu hết ý kiến nhận định, năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn song với tinh thần đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ và nhân dân, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện thắng lợi khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội… Dù vậy, theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu, tính bền vững của nền kinh tế vẫn chưa cao, nhất là trong cơ cấu các nguồn thu ngân sách địa phương. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt thấp; một số dự án trọng điểm không đạt tiến độ đề ra; nợ đọng thuế còn lớn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao…
Nhiều đại biểu đề nghị, UBND tỉnh tích cực tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách, nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, có cơ chế hấp dẫn thu hút đầu tư các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản, nâng cao giá trị hàng hóa; nâng cao năng lực cho nông dân từng bước tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất…
Theo Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Dương Văn Hùng, UBND tỉnh cần đẩy mạnh các giải pháp tăng thu và chống thất thu ngân sách trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xăng dầu, khai thác tài nguyên, khoáng sản...; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nợ tiền thuê đất, nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các loại thuế, phí kéo dài… Đồng thời, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai các dự án đã được cấp phép, bảo đảm tiến độ theo cam kết; có biện pháp đủ mạnh đối với các dự án chậm tiến độ, đặc biệt là đối với các dự án chậm tiến độ kéo dài hoặc không triển khai…
Tiếp thu các ý kiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng cho biết: UBND tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số nhằm phát triển chính quyền số, hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số và xây dựng định hướng chiến lược thu hút, phát triển các doanh nghiệp số có năng lực, uy tín và khả năng tạo ra các giá trị kinh tế cao; chỉ đạo quyết liệt, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khơi thông các “điểm nghẽn” trong đầu tư; chấm dứt hoạt động dự án hoặc thu hồi chủ trương đầu tư đối với những nhà đầu tư chậm thực hiện, giữ đất để chuyển nhượng dự án, không có năng lực và kinh nghiệm thực hiện...
“Nói cho đồng bào hiểu, làm cho đồng bào tin”
UBND tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,0 - 7,5% và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra… Đồng thời, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa; phấn đấu giảm 0,8% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh TRẦN HẢI CHÂU
Đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhiều đại biểu đề nghị: UBND tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân tộc cũng như các chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền các chương trình, dự án chính sách dân tộc đang được triển khai; huy động tối đa nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi…
Đại biểu Trịnh Thanh Bình cho rằng: quá trình thực hiện cần bám sát cơ sở, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, “nói cho đồng bào hiểu, làm cho đồng bào tin”, cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn cho nhân dân thực hiện; chú trọng hỗ trợ tạo việc làm, cây trồng, vật nuôi để tạo sinh kế bền vững; hạn chế việc hỗ trợ trực tiếp lương thực, thực phẩm để dần loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của đồng bào… Bên cạnh đó, nghiên cứu cách làm mới, sáng tạo trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. “Vấn đề liên quan đến chương trình, dự án phải được công khai, minh bạch từ thôn, tổ, xóm, hộ gia đình nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân và huy động được các nguồn lực để thực hiện. Đồng thời, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong triển khai thực hiện các dự án”, đại biểu Bình nhấn mạnh.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Đinh Thị Chuẩn đề xuất có định hướng bồi dưỡng cho các thanh niên vùng đồng bào DTTS đang công tác tại địa phương, đặc biệt là các thanh niên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng đang nhiệt huyết tham gia trong tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cơ sở… “Đây là nguồn nhân lực có học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật và nhiệt huyết trong tổ chức sản xuất, quản lý xã hội; tạo nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới, song song với phát huy các tri thức bản địa và kinh nghiệm của bà con trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, năng động trong giải quyết những vấn đề mới, phát sinh trong thực tiễn, sản xuất và đời sống xã hội”, đại biểu nhấn mạnh.