Việt Nam có hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ về an ninh mạng
- Nghị quyết Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN do Brunei đề xuất là một trong những nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng AIPA - 42. Cơ sở nào để Đại hội đồng AIPA - 42 quyết định ban hành nghị quyết này, thưa ông?
- Trước hết, các nước trong ASEAN đều ban hành văn bản luật về vấn đề an ninh mạng trên cơ sở các quy định của pháp luật quốc tế và tôn trọng quyền con người cũng như quyền riêng tư của mỗi quốc gia. Thứ hai, xuất phát từ nhu cầu khi không gian mạng hiện nay đã trở thành một trong những vấn đề vô cùng quan trọng đối với an ninh toàn cầu cũng như an ninh của mỗi quốc gia. Do đó, nếu không có sự hợp tác ở lĩnh vực này trong AIPA sẽ dễ bị tụt hậu, thậm chí tạo thành “lỗ hổng” để các đối tượng xấu có thể tấn công, can dự vào các vấn đề chính trị, kinh tế và dân sự… trong khu vực.
- Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã có những đóng góp gì để hoàn thiện nghị quyết này?
- Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng (năm 2018), đặt nền móng pháp lý chính thức đầu tiên điều chỉnh các vấn đề trong lĩnh vực an ninh mạng. Đồng thời, đã thông qua Luật An toàn thông tin mạng từ năm 2015 và ban hành Chiến lược an ninh mạng nhằm cụ thể hóa mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia trên không gian mạng và xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh. Việt Nam cũng rất coi trọng bảo vệ quyền riêng tư của công dân trên không gian mạng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và xây dựng Chính phủ điện tử.
Việt Nam cũng có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh mạng, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong ASEAN, hợp tác giữa ASEAN và các đối tác lớn như Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Nhờ quyết tâm chính trị và những nỗ lực rất đáng ghi nhận, Việt Nam hiện đã có hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng cơ bản đầy đủ. Tại Báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2020 do Tổ chức Liên minh Viễn thông thế giới công bố, Việt Nam xếp thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, tăng 25 bậc so với công bố năm 2019 và đứng thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 4 trong ASEAN.
Với tâm huyết và trách nhiệm, những đóng góp của Đoàn Việt Nam cho nghị quyết này được ghi nhận. Cụ thể, Đoàn Việt Nam đề xuất cần tăng cường hợp tác trên kênh nghị viện, chia sẻ kinh nghiệm trong hoàn thiện chính sách, giám sát triển khai chính sách công nghệ và an toàn an ninh mạng; thông tin về các mối đe dọa về an toàn an ninh mạng và các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ chống lại đại dịch Covid-19, xây dựng chương trình tuyên truyền chung trong ASEAN và AIPA để nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn an ninh mạng, bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Tiếp tục duy trì hợp tác quốc tế, với tinh thần thống nhất nhận thức và hành động của Cộng đồng ASEAN đối với an ninh mạng, tiến tới xây dựng các khuôn khổ pháp lý chung tạo thuận lợi cho phối hợp bảo đảm an ninh mạng.
Cơ sở để các quốc gia hoàn thiện pháp luật về an ninh mạng
- Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 hiện nay, việc Đại hội đồng AIPA - 42 thông qua nghị quyết này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Việc nghị quyết được thông qua với sự nhất trí cao là cơ sở quan trọng để các nước nỗ lực hoàn thành hành lang pháp lý của chính quốc gia mình đối với vấn đề an ninh mạng theo hướng có sự tương thích giữa luật pháp của các quốc gia với luật pháp chung của ASEAN về vấn đề an ninh mạng. Khi đó, sẽ giúp cho việc kết nối nhanh, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh quốc gia của mỗi quốc gia cũng như an ninh của cả khu vực.
Bên cạnh đó, còn góp phần bảo vệ quyền của con người trên không gian mạng, chia sẻ để tương tác và hướng dẫn, giúp đỡ các công dân trong khu vực; giúp người dân nhận thức và thực hiện đúng pháp luật của quốc gia mình cũng như pháp luật trong cộng đồng ASEAN đối với lĩnh vực công nghệ số, an ninh mạng. Đặc biệt, đối với giới trẻ, có thể giúp họ không vô tình rơi vào những “cái bẫy” vi phạm các quy định, điều cấm trong sử dụng mạng xã hội, an ninh mạng, giúp họ ý thức được và không trở thành nạn nhân của chính những đối tượng xâm hại trên không gian mạng.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lớn đối với các quốc gia trên thế giới và khu vực, thì việc ban hành nghị quyết này sẽ giúp các quốc gia trong khu vực chia sẻ nhanh những kinh nghiệm trong phòng, chống đại dịch, cập nhật các thông tin mới nhất khi có các biến chủng mới cũng như thông tin mới phát sinh trong phòng, chống dịch; đồng thời, giúp kết nối, thúc đẩy, hỗ trợ nhau trong công tác ngoại giao vaccine. Thậm chí, nếu như quốc gia nào trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, thì có thể kịp thời nhận sự chia sẻ, hướng dẫn để dập dịch nhanh nhất.
- Theo ông, để nghị quyết này đạt hiệu quả thực tế, thì các nước cần thực hiện như thế nào?
- Trước mắt, các nước cần soi chiếu lại toàn bộ hệ thống pháp luật xem có điểm gì tương thích giữa luật của nước mình về an ninh mạng trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, đến quan hệ dân sự, quyền riêng tư của con người… với các quy định trong nghị quyết để có cơ sở thực thi pháp luật một cách thống nhất mà vẫn bảo đảm tôn trọng quy định pháp luật và không can thiệp công việc nội bộ của mỗi nước.
Đối với một số nước có nền tảng công nghệ thấp, thì cần được đầu tư để đáp ứng yêu cầu đồng bộ hóa công nghệ giữa các nước, thậm chí cần thiết có thể phải có sự hỗ trợ từ các nước có nền tảng công nghệ tốt hơn. Khi các nước có sự hoàn thiện toàn bộ hệ thống cơ sở kỹ thuật về mặt hạ tầng và thống nhất về mặt luật pháp thì việc thực thi mục tiêu nêu trong nghị quyết này sẽ hiệu quả hơn.
Đối với Việt Nam, căn cứ vào thực lực của công nghệ và năng lực con người để có lộ trình đầu tư cũng như đào tạo, bảo đảm cho việc có thể thực hiện ngay nghị quyết này cùng với cộng đồng AIPA.
- Xin cảm ơn ông!