Chương trình luận bàn về các chủ đề mang đậm nét văn hóa của Huế xưa - vùng đất đã làm say đắm biết bao trái tim dù cho đó là những người ngoại quốc. Những bí ấn của Huế len lỏi trong từng vấn đề của đời sống bình dị cho tới những ngóc ngách của kinh thành Huế. Người Pháp đã mất đến hàng chục năm mới có thể thấu hiểu những nét đặc sắc và mê hoặc đó.
Chương trình có sự tham dự của các diễn giả: TS. Nguyễn Ngọc Tùng - Trưởng Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế; TS. Lê Vũ Trường Giang - Giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế; TS. Nguyễn Tiến Dũng - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội điều phối chương trình.
Trong chương trình, MaiHaBooks giới thiệu bộ sách Huế kỳ bí bao gồm 3 ấn phẩm: Huế điều kỳ bí của tác giả Louis Chochod; Lăng Gia Long - tác giả Léopold Cadière và Tuyển tập đồ bản và địa danh Kinh thành Huế - tác giả Henri Cosserat và Léopold Cadière. Các tác phẩm được dịch và xuất bản lần đầu tiên dựa trên những tư liệu quý đăng trên Tạp chí Đô thành Hiếu cổ và từ các công trình nghiên cứu chuyên sâu, nhằm mang đến và giới thiệu tới độc giả nét đẹp bí ẩn của vùng đất Huế xưa, trải dài từ những hàng cây, lăng tẩm tĩnh mịch cho tới một kinh thành đầy cổ kính, dưới góc nhìn của những trí thức Pháp.
Ấn phẩm mở đầu bộ sách, Huế điều kỳ bí, với 5 chương phân tích và lý giải, khám phá các hiện tượng từ con người, xã hội, sự sống, dấu ấn tâm linh, cuộc sống thế tục cho tới những chuyển biến kinh tế, xã hội, tri thức đầu tiên của xứ Huế theo hướng “hiện đại hóa”, Loius Chochod đã cho ta biết về những giá trị văn hóa tinh thần của xứ Huế mà chúng ta mãi vẫn muốn tìm kiếm…
Cuốn sách Lăng Gia Long - khảo cứu của L. Cadière giúp độc giả biết thêm những “sử liệu” sống động liên quan đến một trong những lăng tẩm lớn nhất, tiêu biểu nhất của xứ Huế: Lăng Gia Long, cũng như chúng ta có dịp được nghiệm sinh sâu sắc hơn trong “đời sống tâm linh”, thế giới bên kia của các đấng đế vương triều Nguyễn và những giá trị văn hóa nghệ thuật vật thể hay phi vật thể ở không gian đặc biệt này quanh Cố đô Huế.
Tuyển tập đồ bản và địa danh Kinh thành Huế lại cung cấp tới bạn đọc một lượng thông tin vô cùng lớn về kinh thành Huế qua hệ thống đồ bản khổng lồ do hai tác giả Henri Cosserat và Léopold Michel Cadière sưu tầm. Hai tác giả không chỉ trình bày hình ảnh của các đồ bản, mà còn có phân tích kèm theo. 28 đồ bản (hoặc bình đồ) được xếp theo thứ tự thời gian xuất hiện và được giới thiệu đầy đủ từ xuất xứ (thời gian, nguồn tư liệu, nơi công bố lần đầu…) cũng như ý nghĩa, công dụng cần thiết của chúng...