Lễ khai mạc Lễ hội được tổ chức tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám - Nhà hát Lớn Hà Nội. Sân khấu mở của lễ khai mạc được hình thành từ các yếu tố vật thể (vị trí, kiến trúc, cảnh quan, đường phố…) cùng các yếu tố phi vật thể (ký ức, câu chuyện, lễ hội, tưởng nhớ, nghi thức, tri thức truyền thống, hoa văn…) mở ra cơ hội kết nối quá khứ với hiện tại, phản ánh tinh thần sáng tạo mạnh mẽ và đoàn kết của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa Việt.
Theo đạo diễn Nguyễn Quốc Hoàng Anh, lễ khai mạc được chia thành 2 chương, mang đến trải nghiệm nghệ thuật độc đáo và sâu sắc cho người tham gia. Chương I mang tên Long Vân Khánh Hội với các tác phẩm phối hợp nhiều loại hình âm nhạc, thể hiện sự tao nhã và những cảm xúc tiềm ẩn của tiếng Việt trong những làn điệu cổ truyền của người Việt xưa. Ngôn ngữ là ký ức của một cộng đồng, và sự giao thoa giữa các ký ức của cộng đồng định hình văn hóa và là nền tảng của sáng tạo, phát triển.
Chương II - Lễ diễu hành - mang tên Diễu hành phố Chợ sẽ là điểm nhấn thị giác mạnh mẽ với người xem qua nhiều chuyển động "ngôn ngữ hình ảnh" đa dạng. Những biểu tượng như cờ lọng, kiệu, cổ phục… đến hình tượng ngựa mang đôi cánh phiêu bồng chiều cao gần 5m, cùng các màn biểu diễn cộng hưởng từ các cá nhân, tổ chức đang thực hành kinh tế sáng tạo trên địa bàn Thủ đô. Đây không chỉ là một hoạt động văn hóa mà còn là sân chơi sáng tạo cho mọi người, từ cư dân địa phương đến du khách, nhằm tôn vinh văn hóa Việt Nam qua góc nhìn đương đại.
Mang thông điệp “Sáng tạo vì cộng đồng, vì cộng đồng sáng tạo”, sự kiện diễu hành khuyến khích mọi người tham gia và thể hiện sức mạnh sáng tạo của mình. Không dừng lại ở bảo tồn và phát triển văn hóa Việt, hoạt động còn mong muốn lan tỏa cảm hứng sáng tạo tới cộng đồng và thế hệ trẻ, giúp người xem hiểu rõ hơn về giá trị di sản, lịch sử của văn hóa bản địa...