Chương trình diễn ra trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, do Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH) phối hợp với Nhà hát Chèo Việt Nam, Tổ chức giáo dục Edudu, Dự án "Chèo nảy chèo nay” thực hiện.
Kịch bản vở diễn Thị Mầu Xuyên Không do VICH phối hợp đầu tư cùng Tổ chức giáo dục Edudu và đạo diễn Ninh Quang Trường nghiên cứu chuyển soạn từ vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính, phần biểu diễn do Nhà hát Chèo Việt Nam chỉ đạo dàn dựng với sự tham gia của NSƯT Vũ Bá Dũng và Đoàn Thể nghiệm.
Quá trình chuyển soạn từ Quan Âm Thị Kính sang Thị Mầu Xuyên Không là một nỗ lực sáng tạo của ê-kíp thực hiện, bám sát cốt truyện gốc nhưng có nhiều cải biên để phù hợp với khán giả trẻ. Xây dựng kịch bản dưới góc nhìn từ các nhân vật xuyên không, lời thoại của các nhân vật còn được lồng ghép nhiều câu từ hiện đại và hài hước… tạo ra sự gần gũi, cuốn hút. Cốt truyện của Thị Mầu Xuyên Không dựa trên tác phẩm chèo kinh điển Quan Âm Thị Kính, nơi các nhân vật nổi tiếng như Thị Kính, Thị Mầu, Thiện Sĩ, Mãng Ông và Mẹ Đốp được tái hiện sinh động và mới mẻ.
Trước và sau vở diễn, khán giả sẽ được tham gia các Trạm trải nghiệm với nghệ thuật chèo trong không gian trưng bày Chèo nảy Chèo nay, các trải nghiệm được thiết kế thành hoạt động game trí tuệ, game tương tác giúp khán giả được khám phá di sản văn hóa một cách năng động và sinh động.
Chương trình giáo dục di sản là một sự kiện nghệ thuật dân gian độc đáo và thú vị, mang các giá trị truyền thống đến gần hơn cho khán giả, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi. Ê-kíp sản xuất chương trình mong muốn bằng cách kết hợp các phương pháp giáo dục với trình diễn nghệ thuật, tương tác cộng đồng không chỉ giúp các học sinh cảm nhận được nét đẹp của các làn điệu chèo mà còn hiểu được sự khác biệt giữa xã hội phong kiến xưa và cuộc sống hiện đại.
Vượt lên ý nghĩa giải trí tinh thần, chương trình là bước khởi đầu trong hành trình đưa khán giả nhỏ tuổi đến với nghệ thuật truyền thống, góp phần nuôi dưỡng tình yêu và ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.