Phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà" được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế hợp tác phát triển từ tháng 12 năm 2020. Phần mềm này hiện cũng đang được triển khai tại 537 đơn vị y tế của ba tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn và Lạng Sơn. Giai đoạn triển khai ở năm tỉnh này, ước tính sẽ có khoảng hơn 2.000 cán bộ y tế tại hơn 800 đơn vị y tế cơ sở được đào tạo, kết nối cung cấp dịch vụ y tế từ xa. Tổng dân số của năm tỉnh này là khoảng 7 triệu người.
Giải pháp tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở dựa trên nền tảng web và ứng dụng trên điện thoại thông minh này sẽ giúp người dân vùng xa tiếp cận được dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng ngay tại địa phương mình, từ đó giúp giảm tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế tuyến tỉnh, thành phố. Giải pháp này cũng giúp các cán bộ y tế huyện, xã có thể tham khảo ý kiến của đồng nghiệp và nâng cao năng lực chuyên môn của họ.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Tăng cường ứng phó Covid-19 thông qua tăng cường năng lực tiếp cận vaccine và hệ thống y tế” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Dự án này hỗ trợ cho năm tỉnh này các thiết bị công nghệ thông tin gồm máy chủ đặt tại Sở Y tế, 15 bộ máy tính để bàn, camera, loa ngoài cho 15 trạm y tế xã, đồng thời tổ chức hướng dẫn đào tạo sử dụng và triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Trần Văn Thuấn chỉ đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (QLKCB) làm đầu mối phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và 5 Sở Y tế xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí nhân lực, thời gian, tổ chức tập huấn triển khai khẩn trương phần mềm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở.
“Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tiếp tục làm việc với Cục QLKCB, bố trí nguồn lực, thời gian để triển khai khẩn trương phần mềm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở có hiệu quả ở 5 tỉnh, làm cơ sở để nhân rộng cả nước.”
Bà Ramla Al Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khẳng định “Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc sẵn sàng thắt chặt mối quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế và Ủy ban Nhân dân 5 tỉnh, góp phần vào sự phát triển của ngành y tế Việt Nam, đặc biệt tập trung vào hệ thống chăm sóc sức khỏe tại cấp cơ sở.” Bà Ramla cũng cho biết thêm rằng “thông qua một dự án khác có tên gọi Làng Hòa Bình, 10 trạm y tế xã an toàn chống chịu bão sẽ được xây dựng và nâng cấp. Tại mỗi trạm y tế xã của huyện A Lưới, một phòng chức năng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa cũng sẽ được thiết lập.”
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết “Hoạt động này sẽ cùng với địa phương sớm thực hiện hoàn thành lộ trình Chuyển đổi số ngành y tế nói riêng và Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh nói chung. Góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10.12.2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”
“Hợp tác trong lĩnh vực sức khỏe, y tế là một lĩnh vực vô cùng quan trọng trong quan hệ hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Đặc biệt, trong những năm qua từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, hai nước đã tích cực hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau tập trung vào các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như Nhật Bản viện trợ 7 triệu liều vaccine cho Việt Nam và dự án hợp tác viện trợ không hoàn lại cung cấp trang thiết bị y tế cho Việt Nam, ngược lại từ Việt Nam, chính phủ Việt Nam trao tặng 2 triệu khẩu trang y tế cho Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng hoạt động xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho y tế tuyến cơ sở tại 5 tỉnh của Việt Nam trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời hoàn thiện khung pháp lý để thực hiện những hoạt động như thế này là vô cùng có ý nghĩa,” ông Shimonishi Kiyoshi, Phó Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng phát biểu.