Chủ trì hội thảo có Phó Cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Chu Thị Vinh; Phó Trưởng Ban Kinh tế, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Thu Hà.
Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu là đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ, lãnh đạo các hợp tác xã và tổ hợp tác tại 7 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã Chu Thị Vinh cho biết, ngày 13.6.2022, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó, dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư (tháng 10.2022) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm (tháng 5.2023) cùng với 6 dự án Luật và 1 Nghị quyết.
Để đảm bảo tiến độ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) lên Chính phủ vào tháng 8, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9 và Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10 năm 2022. Để lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương, các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và quần chúng nhân dân về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi xin ý kiến rộng rãi, đồng thời đăng tải dự thảo Luật trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ từ ngày 30.5/.2022.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là cơ quan thường trực Ban soạn thảo Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật, trong đó phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức hiệp hội, tổ chức nhiều hội thảo và khảo sát lấy ý kiến rộng rãi đối với các đối tượng chịu sự tác động của Luật. Trong đó riêng với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức 3 cuộc hội thảo, và ở Cần Thơ là hội thảo đầu tiên để lấy ý kiến đại diện các hợp tác xã do phụ nữ thành lập của 7 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Các đại biểu đã nghe đại diện tổ biên tập trình bày những nội dung chính của Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) gồm: 5 phần, 15 chương, 120 điều, với tinh thần sửa đổi là tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi nhất cho các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động ngày càng hiệu quả cao, phát triển ngày càng bền vững, đặc biệt là lồng ghép vấn đề giới trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã như thế nào nhằm hỗ trợ phụ nữ trong sản xuất kinh doanh, thành lập và phát triển hợp tác xã và các mô hình hợp tác khác.
Tại hội thảo, đa số đại biểu thống nhất cao về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), nhất là việc giảm số lượng thành viên tối thiểu tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác. Nhiều đại biểu để xuất đưa đối tượng cán bộ quản lý hoặc những người có uy tín tại địa phương tham gia làm thành viên ban quản trị hợp tác xã, tổ hợp tác (nhất là ở những vùng có đông đồng bào dân tộc); đề nghị cắt giảm thủ tục, quy trình đăng ký thành lập hoặc giải thể đối với các tổ chức kinh tế hợp tác; quy định rõ về việc kiểm toán tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân để tạo sự minh bạch, công khai thông tin; tăng cường các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng có đề xuất Ban soạn thảo cân nhắc quy định nâng tuổi thành viên là cá nhân tham gia hợp tác xã từ 18 tuổi trở lên.
Kết luận hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã Chu Thị Vinh đã thay mặt ban soạn thảo, tổ biên tập, cảm ơn sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ đã xây dựng chương trình kế hoạch làm việc cũng như tổ chức khảo sát thực tế phục vụ cho công tác xây dựng dự thảo Luật. Ban soạn thảo đặc biệt quan tâm hướng tới mục tiêu bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái thông qua việc đưa nội dung lồng ghép về giới trong quá trình triển khai Luật.
Ban soạn thảo sẽ ghi nhận và tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của đại biểu để nghiên cứu, lựa chọn những ý kiến xác đáng nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trong thời gian sớm nhất.