Ngày 28.9, Phòng GD-ĐT quận Ba Đình - Hà Nội đã tổ chức hai chuyên đề “Hoạt động trải nghiệm” và “Đạo đức”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chuyên môn được xây dựng từ đầu năm học của quận.
Đối với chuyên đề “Hoạt động trải nghiệm” do cô giáo Hoàng Thị Hiền Anh - giáo viên Trường Tiểu học Thủ Lệ và chuyên đề “Đạo đức” do cô giáo Nguyễn Thanh Lan - giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Diệu thực hiện.
Suy nghĩ tích cực, lan tỏa yêu thương
Nội dung giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp Tiểu học gồm 10 môn học bắt buộc, ngoài ra có các môn tự chọn. Trong đó hoạt động giáo dục bắt buộc ở cấp Tiểu học là Hoạt động trải nghiệm được quy định thực hiện 105 tiết/năm học.
Đây là lần đầu tiên trong Chương trình giáo dục phổ thông Hoạt động trải nghiệm có đầy đủ các thành phần mục tiêu giáo dục, yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục… được quy định thời gian thực hiện 105 tiết/năm học.
Bằng ý tưởng mới mẻ cùng việc áp dụng công nghệ thông tin, lựa chọn một nhân vật hoạt hình xuyên suốt tiết học “Suy nghĩ tích cực”, tạo ra các tình huống có vấn đề và cách giải quyết thông qua chính sự trải nghiệm thực tế của học sinh, cô giáo Hoàng Thị Hiền Anh đã đồng hành cùng học sinh một tiết học thực sự thú vị, thể hiện rõ đặc trưng của môn học Hoạt động trải nghiệm.
Sau mỗi một tình huống mà học sinh thể hiện suy nghĩ, hành động, cô giáo đã khéo léo cùng các con rèn luyện việc suy nghĩ tích cực, biến những suy nghĩ tích cực đó thành những hành động tích cực để vận dụng trong cuộc sống thực tế.
Dạy Đạo đức gần gũi mà tự nhiên
Chương trình đạo đức lớp 4 quan tâm giáo dục học sinh theo các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực pháp luật và kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi.
Cô giáo Nguyễn Thanh Lan, giáo viên dạy lớp 4A9 Trường Tiểu học Hoàng Diệu đã thực hiện tiết dạy “Em nhận biết sự cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn”, bài dạy thuộc chủ đề “Cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn”.
Tiết dạy bắt đầu với những giai điệu vui nhộn, động tác nhí nhảnh của bài hát Thỏ đi tắm nắng - tác giả Đặng Nhất Mai. Từ nội dung bài hát, giáo viên khéo léo dẫn dắt vào bài học.
Thay cho việc kiểm tra bài cũ khô khan, giờ đây, tất cả các tiết học đều được các giáo viên khởi động với những hoạt động vui vẻ. Đó cũng chính là sự đổi mới mạnh mẽ được thực hiện từ khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong tiết học Đạo đức, học sinh được phát hiện tình huống, nêu quan điểm, từ đó rút ra bài học đạo đức. Không còn là những tiết lý thuyết khô khan, giờ đây dạy đạo đức cần gắn với thực tế cuộc sống.
Học đạo đức là học cách ứng xử đúng đắn để tự mình rèn luyện bản thân trở thành người tốt, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia, biết quan tâm giúp đỡ người khác.
Trình bày quan điểm, giao lưu với các bạn, cùng trao đổi ý kiến, đó là cách giúp học sinh tự tin, tích cực trong học tập. Trong tiết Đạo đức “Em nhận biết sự cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn”, cô giáo Nguyễn Thanh Lan tổ chức nhiều hoạt động giúp học sinh tự tin trình bày ý kiến, rèn kỹ năng trao đổi, thảo luận. Học sinh được thực hành làm việc nhóm, cùng nhau học, từ đó phát triển năng lực hợp tác và tư duy sáng tạo.
Tiết học đạo đức đã được cô giáo Nguyễn Thanh Lan đầu tư nhiều tâm huyết và công sức. Với năng lực truyền cảm hứng, cô giáo đã dẫn dắt học sinh đến với thông điệp của bài học: Biết cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn cũng chính là phẩm chất nhân ái mà mỗi chúng ta cần phải có.
Cảm xúc tích cực thông qua hai tiết chuyên đề bổ ích, lí thú và đầy sáng tạo
Sau tiết chuyên đề, các cán bộ, giáo viên dự giờ đã trao đổi về tiết dạy, các giáo viên lớp 4 đến dự đã hiểu rõ: Dạy Hoạt động trải nghiệm là khơi gợi ở học sinh những trải nghiệm của chính bản thân các em, từ những gì em đã biết, đã được trải nghiệm dẫn dắt đến những kiến thức mới, những trải nghiệm mới.
Dạy Đạo đức thì cần cho học sinh nhận biết hành vi đúng, đưa ra cách ứng xử trong các tình huống hàng ngày, từ đó xây dựng thói quen và hành vi đúng, góp phần bồi dưỡng nhân cách cho học sinh.
Thông qua nội dung thảo luận các các bộ quản lí và giáo viên toàn quận đã được bồi dưỡng chuyên môn của hai môn học rất thực tế, nắm bắt nội dung, cách thực hiện và đặc trưng của từng môn học Hoạt động trải nghiệm và Đạo đức.
Cô giáo Hoàng Thị Hiền Anh, giáo viên Trường Tiểu học Thủ Lệ: Sau tiết dạy, qua chia sẻ suy nghĩ tích cực của học sinh, cô giáo thấy rất vui vì học sinh đã biết suy nghĩ tích cực và lan tỏa các suy nghĩ tích cực ấy tới tất cả mọi người.
Cô giáo Nguyễn Thanh Lan, giáo viên trường Tiểu học Hoàng Diệu cho biết: Cô giáo đã nhận được sự hướng dẫn, chỉ đạo rất cụ thể, sát sao từ phòng giáo dục và Ban giám hiệu nhà trường. Việc bồi dưỡng chuyên môn thông qua dạy chuyên đề đã giúp cô giáo tự tin hơn, nắm vững phương pháp dạy học mới, từ đó áp dụng hiệu quả trong quá trình giảng dạy.
Theo bà Nguyễn Ngọc Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thủ Lệ: Việc bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên thông qua việc tổ chức các chuyên đề là một việc làm thiết thực và hiệu quả mà Phòng GD-ĐT quận Ba Đình luôn quan tâm thực hiện. Nhờ việc tổ chức tốt các chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn mà giáo viên quận Ba Đình đã thường xuyên cập nhật và nắm bắt phương pháp dạy học mới.
Hiệu quả từ những cách triển khai, bồi dưỡng chuyên môn của Phòng GD-ĐT quận Ba Đình ngày càng được thể hiện rõ thông qua sự tự tin của đội ngũ giáo viên, thông qua hiệu quả của các tiết dạy và đặc biệt là chất lượng giáo dục của ngành GD-ĐT quận Ba Đình ngày một giữ vững và phát triển.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai thực hiện đến năm thứ tư, để bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên khối 4 trong toàn quận nắm bắt và thực hiện hiệu quả chương trình, Phòng GD-ĐT quận Ba Đình đã tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng ngay từ những tuần học đầu tiên của năm học 2023-2024
Công tác bồi dưỡng chuyên môn được Phòng GD-ĐT Ba Đình được coi là nhiệm vụ trọng tâm và duy trì hiệu quả trong nhiều năm nay ở tất cả các nhà trường, tất cả các khối lớp, tất cả các bộ môn. Các trường học trong quận Ba Đình đều được Phòng GD-ĐT chỉ đạo chuyên môn để thực hiện các tiết chuyên đề, tạo ra sự thống nhất và đồng đều về chuyên môn của các nhà trường, của các giáo viên.
Theo TS. Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình: “Việc bồi dưỡng chuyên môn là phải thiết thực, hiệu quả, các chuyên đề cần gần gũi, chân thực, sát với thực tế giảng dạy hàng ngày”.
Khi triển khai các tiết chuyên đề cấp quận, tất cả cán bộ quản lý và giáo viên nòng cốt của mỗi nhà trường trong toàn quận đến dự, đóng góp, chia sẻ ý kiến, sau đó sẽ thực hiện tại trường mình. Chính sự sáng tạo trong cách tổ chức thực hiện, tinh thần dạy học thực chất, chuyên sâu đã được lan tỏa sâu rộng tới toàn thể giáo viên trong quận để nâng cao chất lượng dạy học, mang đến không khí học tập vui tươi, hứng thú đối với học sinh và sự tin tưởng của phụ huynh khi gửi gắm con em tại các trường trên địa bàn quận.