Theo Chủ tịch UBND xã Định Sơn Nguyễn Văn Thanh, chùa Trà Lai, thuộc thôn Phú Quân, xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, được xây dựng từ thời nhà Trần, được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 2004.
Từ khi xây dựng đến nay, chùa luôn được Nhân dân giữ gìn tôn tạo. Trải qua bao biến cố của lịch sử và thời gian, chùa còn giữ lại ngôi chính và năm 2014 xây dựng mới nhà tổ, đến năm 2018 xây dựng mới nhà mẫu và còn lưu giữ được một số pho tượng cổ và đồ vật thờ giá trị.

Năm 2022 thể theo nguyện vọng của sư thầy trụ trì và cán bộ, nhân dân thôn Phú Quân, UBND xã Định Sơn đã tiến hành kiểm tra, khảo sát hiện trạng chùa và làm văn bản trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép trùng tu tôn tạo nhằm bảo quản giá trị di tích. Tháng 7.2022, UBND tỉnh Hải Dương ban hành quyết định cho phép UBND xã Định Sơn trùng tu, xây dựng một số hạng mục ngôi Tam Bảo.
“Đến nay, các hạng mục đã hoàn thành, với tổng trị giá công trình hơn 1,6 tỷ đồng, từ hình thức xã hội hóa. Đây là kết quả của sự đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng với mục đích làm cho ngôi chùa khang trang hơn, tiếp tục là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, góp phần vào nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân trong thôn”, ông Nguyễn Văn Thanh khẳng định.

Theo các tài liệu còn lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương, ngôi chùa thờ sư tổ Non Đông, người có công phát triển Phật giáo Trúc Lâm yêu nước. Theo đó, vào cuối thời Trần (1226 - 1400), chùa là nơi hành đạo của các sư tăng, thu hút đông đảo người dân tham gia. Chùa bảo tồn được hệ thống kiến trúc đồng bộ cùng nhiều hiện vật quý giá. Quả chuông đồng Trà Lai tự chung được đúc vào khoảng đầu thế kỷ XIX, có lưu bút văn khắc Hán Nôm gồm hơn 500 chữ.
Chùa Trà Lai có kiến trúc cổ, cổng được xây cao với 3 cửa vòm cuốn, cửa giữa rộng 2,5m, hai bên cửa rộng đều nhau 1,5m. Kết cấu cổng gồm 2 lớp với 8 trụ biểu gắn búp sen. Hai bên cánh gà gắn khung chữ “Thọ” cách điệu thể hiện sự trường tồn.

Khu chùa chính có kiến trúc theo kiểu chữ đinh theo Hán tự gồm 5 gian tiền đường và 4 gian thượng điện, chất liệu gỗ lim nối liền nhau thành không gian thờ tự khép kín. Nhà tiền đường xây bít đốc, bổ trụ, đắp biển tự chữ “Trà Lai tự” trên bờ nóc, mái lợp ngói vỏ sò xen kẽ ngói mũi hài cổ, di vật thời Hậu Lê thế kỷ XVIII.
Hệ thống tượng thờ ở đây là chất liệu gỗ, đáng chú ý là pho tượng A Di Đà cao 1,45m được tạo dáng cân đối. Tượng ngồi theo thế “Hàng ma tọa” chân phải vắt lên đùi trái, lòng bàn chân ngửa.
Hằng năm, vào ngày 26 tháng Giêng, dân làng tổ chức giỗ tổ Non Đông, thu hút đông đào nhân dân các xã phụ cận tham dự.