Kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn thực hiện các Chương trình MTQG
Trong phiên thảo luận Tổ sáng ngày 24.10, cùng với các ĐBQH tỉnh Bình Phước, Yên Bái, Bình Thuận, các ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã tập trung đóng góp ý kiến liên quan đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch: phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV.
Theo đó, các đại biểu cơ bản đồng tình với những đánh giá về kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc và tồn tại, hạn chế mà báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra đã chỉ ra. Từ thực tiễn tại cơ sở, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc nhận thấy: Thời gian qua, tình kinh tế đất nước và thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp còn khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều lao động mất việc làm, việc giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. Mặc dù Quốc hội, Chính phủ rất quyết liệt và các địa phương đã tập trung để chỉ đạo việc thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia, nhưng qua giám sát thực tế, việc triển khai hiện nay còn nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ giải ngân còn rất thấp.
Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, nguyên nhân tình trạng trên là do cơ chế chính sách khi nhiều nội dung hướng dẫn vẫn chưa đầy đủ; đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc trực tiếp còn yếu, gây khó khăn cho việc triển khai các chương trình. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, mục đầu tư khi triển khai xuống cơ sở không phù hợp gây việc giải ngân vốn gặp nhiều khó khăn. Do đó, nếu không tiếp tục kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn này đến hết năm 2023 thì việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ở Hòa Bình nói riêng và các địa phương khác nói chung sẽ rất khó khăn- đại biểu quan ngại.
Liên quan đến việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thị Phú Hà cho rằng: cần quan tâm nhiều đến việc giải ngân chậm. Bởi, qua giám sát ở một số địa phương việc thực hiện chương trình giám sát tối cao của Quốc hội về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí đã có nhiều công trình, dự án sử dụng chương trình mục tiêu quốc gia thực sự không hiệu quả, đặc biệt là chương trình liên quan đến nước sạch. Trên thực tế, khi bàn giao đưa vào cho cấp dưới quản lý sử dụng thì nhiều công trình dự án không mang lại hiệu quả. Đại biểu mong rằng khi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia cần tính toán, thay đổi cho phù hợp.
Dẫn chứng thêm về giải ngân vốn đầu tư công, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà cho biết: nhiệm kỳ này vấn đề đầu tư công được quan tâm, tỷ trọng đầu tư công rất lớn. Tuy nhiên, việc giải ngân còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, cần đánh giá kỹ và có giải pháp khắc phục những điểm nghẽn vấn đề này, cũng như khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu,... Đồng thời Chính phủ cần có hướng dẫn thêm cho các địa phương để quán triệt tinh thần Luật Đầu tư công, phải chuẩn bị ngay các chủ trương đầu tư cho các giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là triển khai các dự án quan trọng, dự án giao thông lớn, trọng điểm.
Xây dựng giải pháp, tháo gỡ rào cản
Qua báo cáo đánh giá và thực tế hiện nay, bên cạnh việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia thì những dự án đầu tư công cũng triển khai rất chậm do những vướng mắc về cơ chế chính sách; thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất; việc chuyển diện tích sử dụng đất rừng, trong đó có đất nông, lâm trường hiện còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những tỉnh miền núi đã gây khó cho việc giao các dự án đầu tư. Cùng với đó là việc thị trường bất động sản trầm lắng đã tiềm ẩn những rủi ro, bất cập và những khó khăn này đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, đây là những yếu tố tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, các tỉnh nói riêng.
Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, trước tình hình kinh tế khó khăn, Nhà nước đã có giải pháp giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, song việc này mới chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề, do đó cần đánh giá sâu hơn những rào cản mà hiện nay doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn. “Doanh nghiệp sẽ ngày càng khó khăn hơn, thậm chí phá sản nếu như chúng ta không có giải pháp mạnh mẽ, cũng như hiệu ứng của nền kinh tế sẽ tiếp tục có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn”, đại biểu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà chia sẻ, qua các cuộc TXCT, cử tri phản ánh có những doanh nghiệp nợ tiền lương người lao động rất lớn. Do vậy báo cáo của Chính phủ cần phải có đánh giá đậm nét hơn về những khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là việc chi trả lương cho người lao động, các chế độ chính sách liên quan. Đồng thời cần có đánh giá thúc đẩy đầu tư công để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Liên quan đến việc người dân không được hưởng BHYT sau khi địa phương về đích nông thôn mới, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết: Qua TXCT cho thấy, việc người dân không được hưởng BHYT sẽ là khó khăn rất lớn cho các tỉnh. Bởi liên quan đến chỉ tiêu bao phủ BHYT thì các tỉnh cũng không đủ kinh phí nên mong muốn của người dân là Chính phủ sẽ quan tâm, kéo dài thời gian để người dân được hưởng BHYT.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cũng đề nghị: Chính phủ, các bộ ngành đẩy nhanh công tác lập, duyệt quy hoạch ở các tỉnh. Bởi hiện nay, việc lập, duyệt quy hoạch ở các tỉnh còn chậm, đây là những điểm nghẽn trong công tác thực hiện các công trình, chương trình dự án. Đặc biệt là những dự án đầu tư còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, mong Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt hơn để làm sao cộng hưởng được các giải pháp giúp cho kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng phát triển. “Trên cơ sở cả nước đã có được 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, dự kiến GRDP đạt 5%, tôi rất mong Chính phủ sẽ đưa ra những giải pháp căn cơ để tháo gỡ vướng mắc, nhất là giúp những nơi còn khó khăn được khơi thông rào càn phát triển. Từ đó tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm việc thực hiện được các chỉ tiêu nghị quyết đã đề ra”, đại biểu Ngọc đề nghị.