Gia tăng về khối lượng rác thải tạo thách thức lớn...
Chia sẻ tại Hội thảo “Kiểm soát chất thải rắn: Chính sách, pháp luật và thực tiễn”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên cho rằng: Thách thức lớn nhất trong xử lý chất thải rắn hiện nay là gia tăng rất lớn về khối lượng rác thải, trong đó có nguyên nhân là do sự gia tăng dân số, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng của xã hội.
Tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy mô hình tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn đã tạo nên áp lực rất lớn cho môi trường. Chỉ tính riêng rác thải sinh hoạt, mỗi ngày có hơn 60.000 tấn rác thải được tạo ra trên khắp cả nước, trong đó, thành phần độc hại, khó phân hủy trong rác thải xuất hiện ngày càng nhiều. Trong khi đó, cách thức xử lý rác thải hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu. Nếu chôn lấp thì ảnh hưởng tới nguồn nước, còn xử lý bằng việc đốt rác thì lại ảnh hưởng đến không khí ở các khu vực lân cận. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.
Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải rắn nói riêng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan ban hành...
Theo Phó Chủ nhiệm Trần Hồng Nguyên, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn trong công tác quản lý đồng thời vừa phải đáp ứng được yêu cầu là chủ động phòng ngừa và ngăn chặn, vừa phải giảm thiểu được ô nhiễm môi trường. Trong các biện pháp này, biện pháp tuyên truyền đối với người dân, nhất là thế hệ trẻ để tạo sự đồng thuận, chung tay của cả cộng đồng để tạo thành ý thức bảo vệ môi trường của từng cá thể trong xã hội là rất quan trọng.
Về hành lang pháp lý cơ bản đã hoàn thiện, đã có cơ sở để quản lý nội dung này. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức triển khai còn gặp nhiều khó khăn như nhận thức của người dân, cộng đồng trong phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế; năng lực quản lý một số cấp, ngành còn yếu; công nghệ chậm đổi mới, chưa có hướng dẫn về danh mục công nghệ xử lý, tái chế phù hợp với điều kiện Việt Nam; thiếu kinh phí, ngân sách địa phương không đủ đầu tư để triển khai thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt đồng bộ, hiệu quả...
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư xử lý rác trong thời gian qua gặp khó khăn bởi suất đầu tư quá lớn, chi phí rác thải lớn trong khi đơn giá xử lý thấp; công tác quy hoạch còn chậm, chưa thực sự tối ưu.
Đưa vấn đề xử lý rác thải thành tài nguyên thành mục tiêu
Về thước đo tiêu chí, Phó Chủ nhiệm Trần Hồng Nguyên cho rằng, công nghệ xử lý chất thải rắn phải đáp ứng các tiêu chí về công nghệ, môi trường, xã hội và kinh tế, trong đó, tiêu chí về công nghệ là tiêu chí quan trọng nhất để xử lý chất thải rắn. Tuy nó là quan trọng nhưng để tổ chức thực hiện cũng cần có trách nhiệm của địa phương để mang lại hiệu quả. Tùy theo đặc thù của từng địa phương mà lựa chọn công nghệ phù hợp.
"Chúng ta phải hiểu được tầm quan trọng của việc bắt buộc phải xử lý chất thải rắn. Đây không phải trách nhiệm của riêng nhà nước, cũng không phải là trách nhiệm của riêng người dân, nó là trách nhiệm của toàn xã hội. Phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và quan trọng của chính quyền các cấp và của từng gia đình góp phần nâng cao chất lượng môi trường, chất lượng sống của mọi người đân và sự phát triển bền vững của đất nước."- Phó Chủ nhiệm Trần Hồng Nguyên nói.
Về khả năng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đưa rác thải thành tài nguyên tại Việt Nam hiện nay còn rất nhiều thách thức, khó khăn. Tuy nhiên, trên thế giới đã có các quốc gia khác có thể thực hiện được thì không có lý do gì mà Việt Nam không thể thực hiện được. Vì vậy, chúng ta cần thực sự quyết tâm đưa vấn đề này thành mục tiêu phải đạt được thì nhất định sẽ thành công.