- Ông có thể chia sẻ quan điểm cá nhân về chủ đề của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022: “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” diễn ra ngày 18.9 tới, được coi là tiếp nối chủ đề Diễn đàn 2021 – “Phục hồi và phát triển bền vững”.
- Thế giới đã bàn qua chủ đề về phục hồi kinh tế hậu Covid-19, giờ đang bàn sang chủ đề về chống lạm phát, ngăn khủng hoảng năng lượng, lương thực, chặn suy thoái kinh tế.
Chúng ta tuy có độ trễ nhất định, nhưng cũng đã rất nhanh nhạy bắt kịp diễn biến thực tiễn kinh tế trong nước và bối cảnh quốc tế. Rất rõ ràng là bối cảnh đã và đang thay đổi rất đáng kể. Rủi ro quốc tế gia tăng và khó lường đoán, dội vào trong nước trước hết qua các kênh thị trường tài chính-tiền tệ và hoạt động đầu tư, ngoại thương...
Do vậy, tôi nhất trí và đánh giá cao việc Ban tổ chức lựa chọn, điều chỉnh chủ đề Diễn đàn.
- Gần 1 năm kể từ khi được Quốc hội thông qua, tuy nhiên gói phục hồi kinh tế - xã hội quy mô lớn đang có dấu hiệu chậm tiến độ so với yêu cầu… Từ góc độ địa phương, ông có thể chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện những cơ chế, chính sách liên quan đến chủ trương phục hồi kinh tế - xã hội; và trước những khó khăn, Quảng Trị đã chủ động những công việc gì để vượt qua trong thời gian từ đầu 2022 đến nay?
- Đúng là tiến độ triển khai Nghị quyết 43/NQ-QH 15 và Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP đang bị chậm đáng kể so với yêu cầu.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8.2022, tính đến ngày 2.9, mới có 55.500 tỉ đồng được giải ngân theo Chương trình. Trong đó, các cấu phần cho vay ưu đãi thông qua NHCSXH giải ngân được 10.073 tỉ đồng, gần 4,54 triệu lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà với tổng số tiền 3.045 tỉ đồng.
Cấu phần hỗ trợ lãi suất 2% dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh… giải ngân được 13,5 tỉ đồng. Các chính sách tài khóa như giảm thuế GTGT, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26.8.2022 là 34.970 tỉ đồng; chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6.2022 là 7.400 tỉ đồng (số tiền gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỉ đồng).
Như vậy, sau gần 8 tháng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế- xã hội 2022-2023, mới có trên 55 nghìn tỷ đồng trên khoảng 347 nghìn tỉ đồng cả gói, được giải ngân.
Từ góc độ địa phương, chúng tôi thấy có khá nhiều khó khăn, vướng mắc và thách thức trong việc thực hiện những cơ chế, chính sách liên quan.
Đơn cử, như về cấu phần hỗ trợ lãi suất 2% dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn, ngay cả của 4 ngân hàng thương mại trụ cột là Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank đều chưa thực sự mặn mà với chương trình này. Lý do là dư địa hạn mức tăng trưởng tín dụng được phân bổ tới các ngân hàng này khá eo hẹp bởi chủ trương thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Hơn nữa, họ cũng phải chia sẻ nguồn vốn huy động đang ngày càng bị cạnh tranh trên thị trường để dành cho Chương trình, trong khi lợi ích gia tăng họ nhận được gần như không có, chưa kể việc phải tuân theo một quy trình cho vay phức tạp hơn, hành chính hơn, và phải chịu sự kiểm tra, thanh tra chặt chẽ đối với các khoản tín dụng này từ các cơ quan hữu trách.
Trước thực trạng đó, chúng tôi đã có nhiều phiên họp bàn với các sở ban ngành liên quan để tìm giải pháp khả thi và hiệu quả giải quyết vấn đề, nhằm thúc đẩy thực hiện Chương trình tại địa phương.
- Một địa phương có quy mô nền kinh tế còn nhỏ như Quảng Trị có đề xuất, kiến nghị những giải pháp gì để phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với thách thức, giải quyết những vấn đề mới phát sinh cũng như trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thưa ông?
- Đối với Quảng Trị, chúng tôi tha thiết đề xuất các biện pháp của Trung ương hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn; đầu tư cho hạ tầng y tế; đầu tư cho các cơ sở hạ tầng chiến lược: hàng không, cảng biển, đường cao tốc kết nối ASEAN ra biển Đông, Thái Bình Dương; Khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo, xây dựng Đề án Khu thương mại xuyên biên giới, các khu công nghiệp...
Đối với Trung ương, trước thềm Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2022, chúng tôi có vài khuyến nghị như sau:
Một là, trong bối cảnh rủi ro địa chính trị và áp lực lạm phát toàn cầu đang cao, Chính phủ cần chú trọng hơn nữa tới mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối vĩ mô quan trọng như an ninh năng lượng, an ninh lương thực và chấp nhận một mức độ đánh đổi nhất định trong các chính sách tài khóa-tiền tệ nới lỏng, hỗ trợ, chính sách về xuất nhập khẩu các mặt hang liên quan, hay chủ trương củng cố dự trự ngoại hối nhà nước.
Hai là, với nguồn lực ngày càng khan hiếm hơn, cần tháo gỡ cho được nút thắt về giải ngân đầu tư công, không thể để kéo dài tình trạng một quốc gia còn nghèo và luôn đói vốn như chúng ta, lại có chuyện tồn dư ngân quỹ quốc gia (số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại hệ thống ngân hàng) lớn như hiện nay. Đầu tư công ra được sẽ là vốn mồi để hút vốn đầu tư khu vực tư nhân ra theo, xét trong điều kiện tín dụng ngân hàng cần được quản lý chặt chẽ vì mục tiêu kiểm soát lạm phát và bảo đảm phát triển an toàn hoạt động ngân hàng.
Thêm nữa, thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, cần được phát triển an toàn, lành mạnh, bảo đảm không gây ra rủi ro hệ thống, rủi ro vĩ mô cho nền kinh tế.
- Xin cảm ơn ông!