|
Hình thức đầu tư BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) và BT (xây dựng – chuyển giao) đã được thực hiện đối với nhiều dự án ở nước ta. Tới nay, theo đánh giá của các nhà đầu tư, cùng với những khó khăn từ cơ chế, chính sách, những rủi ro tiềm ẩn mà nhà đầu tư không lường trước được đã khiến họ ngần ngại khi đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông. Chẳng hạn như đối với dự án đường Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Đây là dự án đầu tiên ở Việt Nam áp dụng thí điểm hình thức mới về đầu tư, huy động vốn từ trái phiếu Chính phủ cũng như vốn doanh nghiệp và xã hội hóa. Để hoàn vốn được dự án này trên cơ sở mức đầu tư thì phương án thu cũng tính 2.500đồng/km và thời gian tới vài chục năm. Đồng thời Chính phủ cũng phải hỗ trợ cho dự án này 30%.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng cho biết lợi nhuận khi đầu tư theo hình thức BOT thường không cao nhưng ổn định. Tuy nhiên, đây là một hình thức đầu tư đầy rủi ro mà doanh nghiệp không lường trước được. Chẳng hạn, việc lưu lượng xe cộ trên đoạn đường đầu tư rất quan trọng. Khi tiền phí thu không đủ thì có thể kéo dài thời gian thu nhưng thời gian trả lãi và vốn vay cho ngân hàng đã được ấn định cụ thể, không co giãn được nên nhiều nhà đầu tư buộc phải tìm đối tác hay nguồn tiền khác để trả nợ ngân hàng. Đó là những rủi ro thường trực mà các chủ đầu tư tư nhân phải tính toán. Còn hình thức BT cũng đang khó khăn. Ở các khu đô thị lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh không còn nhiều đất sạch để đổi cho nhà đầu tư mà chỉ còn đất dự án ở các khu vực xa xôi và rất khó kinh doanh, nguồn vốn ngân sách eo hẹp cũng không thể trả tiền cho nhiều dự án cùng lúc. Phó giám đốc Sở GT - VT TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, cũng nêu một thực tế, đó là việc xác định quỹ đất chưa sạch cũng đã khó, chứ chưa nói tới đất sạch. Điều đó cũng khiến doanh nghiệp chùn bước khi muốn đầu tư BT một dự án. Mặt khác, ông Cường cũng cho rằng, Bộ Giao thông - Vận tải cần đưa ra các phương án đẩy mạnh áp dụng công nghệ và nhà nước cần đầu tư mồi nếu muốn thu hút nguồn lực vào lĩnh vực hạ tầng.
Nhiều nhà quản lý cũng nêu một thực tế rằng, từ trước đến nay, nhà đầu tư hạ tầng giao thông chưa thật sự mạnh. Bởi họ thường vay vốn ngân hàng để làm dự án và tìm cách đắp đổi qua ngày, thậm chí thu phí giao thông trước khi công trình hoàn thành. Đến thời điểm khó khăn như hiện nay, khi ngân hàng siết chặt các khoản vay thì nhà đầu tư chới với nên hình thức BOT mới bị chững lại. Còn hình thức PPP thì vẫn còn quá mới mẻ ở Việt Nam. Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Nội nhận xét, với việc mở ra cho đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng thì sẽ có nhiều nhà đầu tư tư nhân quan tâm. Vấn đề là việc đàm phán đầu tư dự án như thế nào đó. Quy định mới của Chính phủ theo hình thức PPP thu hút đầu tư tư nhân. Trong đó hai bên đàm phán để nhà đầu tư thấy rằng, Nhà nước bỏ vốn vào nhưng không tham gia chia lợi nhuận thì đó là phần hỗ trợ rất lớn. Phần vốn còn lại là của nhà đầu tư, thì thời gian kinh doanh, mức thu phí như thế nào Nhà nước và tư nhân đàm phán để có được hợp đồng. Khi đó nhà đầu tư tư nhân tính toán và thấy có hiệu quả thì nhiều nhà đầu tư sẽ bỏ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.
Rõ ràng, để tháo gỡ khó khăn này, các hình thức xã hội hóa nguồn lực giao thông cần được tính toán và xây dựng cơ chế cụ thể thì mới có thể thu hút các nhà đầu tư.