Dự kiến quy hoạch 6 cụm công nghiệp
Trên cơ sở nhu cầu thực tế phát triển, thành phố Hòa Bình đã rà soát, đề nghị bổ sung mới 2 CCN (Tiên Tiến, Thịnh Minh 1) với diện tích 137ha. Tính đến tháng 6.2024, thành phố có tổng số 5 CCN được thành lập với tổng diện tích 290,78ha. Đồng thời, UBND thành phố đang tiếp tục rà soát, đề nghị điều chỉnh, bổ sung các CCN phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển các khu, CCN tỉnh Hòa Bình đến năm 2030. Dự kiến sẽ quy hoạch 6 CCN với tổng diện tích dự kiến khoảng 408ha.
Thực hiện đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng CCN trên địa bàn, từ năm 2017 đến nay, thành phố đã có 4 CCN được thành lập và đã có chủ đầu tư hạ tầng gồm: Chăm Mát - Dân Chủ; Yên Mông; Thịnh Minh 1; Tiên Tiến. Các CCN này đã giải phóng mặt bằng được 238ha, triển khai đầu tư một số công trình thiết yếu với tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đạt khoảng 389 tỷ đồng. Trong số này, nổi bật là CCN Tiên Tiến cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và đã có 17 doanh nghiệp đầu tư ký hợp đồng, hợp đồng nguyên tắc thuê mặt bằng với diện tích 31,93ha (14 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; 3 dự án đi vào hoạt động); tỷ lệ lấp đầy trên 67%, thu hút trên 1000 lao động…
Thời gian qua, thành phố Hòa Bình, chủ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thu hút, xây dựng, phát triển, đầu tư CCN trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác quy hoạch; đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư, khiến thời gian thực hiện kéo dài làm chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án của các chủ đầu tư hạ tầng. Ngoài ra, hạ tầng giao thông kết nối với một số khu, CCN cũng chưa đồng bộ; việc thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng chưa thật sự quyết liệt, vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư phát triển các khu, CCN chưa nhiều…
Phối hợp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đỗ Việt Triều, nguyên nhân của tình trạng trên do công tác quy hoạch các khu, CCN còn thiếu đồng bộ; một số khu, CCN khi quy hoạch chưa có khu tái định cư cho người dân khi bị thu hồi đất phục vụ phát triển công nghiệp, chưa có quy hoạch hạ tầng xã hội. Trong khi đó, việc phối hợp của chủ đầu tư hạ tầng các khu, CCN trong công tác giải phóng mặt bằng còn chưa thực sự hiệu quả.
Tại buổi giám sát việc triển khai xây dựng, quản lý, khai thác các khu, cụm công nghiệp, giai đoạn từ năm 2017 - 2023 trên địa bàn thành phố Hòa Bình do Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức, UBND thành phố và các chủ đầu tư đã kiến nghị một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng khu, CCN; hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư… Các thành viên đoàn giám sát cũng đã trao đổi thẳng thắn về kiến nghị của địa phương; gợi mở các giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư cũng như tối ưu hóa quy trình quản lý, khai thác các CCN trong thời gian tới.
Qua khảo sát thực tế hoạt động của một số cụm, khu công nghiệp trên địa bàn, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Bích Ngọc nhấn mạnh, việc phát triển các khu, CCN cần bảo đảm tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật. Các ngành, địa phương cần tích cực phối hợp, hỗ trợ để cùng thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay. Chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng; chú trọng thực hiện các chính sách bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Đoàn giám sát sẽ tổng hợp các khó khăn, kiến nghị, đề xuất để sớm hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội, các bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết.