Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học mỗi năm đạt 0,18% GDP, không có đà cho khoa học bứt phá

- Thứ Sáu, 01/12/2023, 08:02 - Chia sẻ

Theo số liệu của Bộ Tài chính, chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học năm 2020 dự tính chỉ đạt 0,27% GDP và thực chi chỉ đạt 0,18% GDP và chỉ chiếm 4,6% ngân sách chi cho giáo dục.

Mức chi cho giáo dục đại học quá thấp

Trong Dự thảo báo cáo về Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ GD-ĐT vừa đưa ra để xin ý kiến góp ý đã nêu rõ: Trong giai đoạn 2010-2020, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, nhưng đầu tư ngân sách nhà nước (NSNN) cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học  (GDĐH) nói riêng còn rất thấp. Một mặt, cơ cấu thu, chi NSNN chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỉ trọng thu nội địa, tăng tỉ trọng chi đầu tư phát triển và giảm tỉ trọng chi thường xuyên.

Tính chung giai đoạn 2016-2020, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,6% GDP, đảm bảo mục tiêu không quá 3,9% GDP theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09.11.2016 của Quốc hội. Tỉ lệ tiết kiệm so với GDP giai đoạn 2011-2020 bình quân đạt khoảng 29%.

Mặt khác, trong suốt giai đoạn 2010-2020, tỉ lệ chi sự nghiệp cho giáo dục chiếm từ khoảng 12%-16%; chi sự nghiệp cho khoa học công nghệ chiếm từ 0,6%-0,8%. cụ thể:

Ngân sách chi cho giáo dục đại học mỗi năm 0,18% GDP, không có đà cho khoa học bứt phá -0
Số liệu Bộ GD-ĐT cung cấp

Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (2020), vào năm 2015, ngân sách nhà nước trung bình cho giáo dục tại 162 quốc gia là 4,72% GDP cao hơn 4,22% GDP dành cho giáo dục tại Việt Nam.

Riêng tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, mức chi trung bình cho giáo dục tại các quốc gia này tương đương 5,12% GDP quốc gia, cao hơn gần 1% so với mức chi tại Việt Nam.

Xét riêng giáo dục sau trung học phổ thông, Việt Nam chỉ dành 0,33% GDP, tức chưa đến 10% tổng ngân sách dành cho giáo dục các cấp sau trung học phổ thông.

Tại đa số các nước, chi cho GDĐH chiếm ít nhất 1% GDP, hoặc như Thái Lan và Indonesia có phần trăm GDP chi cho giáo dục sau trung học phổ thông gấp đôi con số 0,33% tại Việt Nam.

Bộ GD-ĐT cho rằng, kinh phí này là vô cùng hạn hẹp cho các cơ sở GDĐH nói chung, các trường đại học công lập chưa tự chủ nói riêng, khi mà tính trung bình 60% nguồn thu của các trường này tới từ ngân sách nhà nước; chỉ 40% nguồn thu đến từ học phí và kinh phí chuyển giao tri thức - công nghệ.

Chỉ tính riêng cho GDĐH, theo số liệu của Bộ Tài chính, chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học năm 2020 dự tính chỉ đạt 0,27% GDP và thực chi chỉ đạt 0,18% GDP và chỉ chiếm 4,6% ngân sách chi cho giáo dục.

Bên cạnh đó, cơ chế chi cho khoa học và công nghệ chưa hợp lý, phần nhiều kinh phí được phân bổ cho các doanh nghiệp, và tốc độ tăng chi của nhóm doanh nghiệp cũng nhanh hơn các nhóm khác như: tổ chức NCKH và phát triển công nghệ, trường ĐH, học viện. Cụ thể, các cơ sở GDĐH được nhận khoảng 1.000 đến 2.200 tỉ đồng mỗi năm cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cụ thể:

Ngân sách chi cho giáo dục đại học mỗi năm 0,18% GDP, không có đà cho khoa học bứt phá -0
Chi cho nghiên cứu và phát triển khoa học (Số liệu Bộ GD-ĐT)

Cơ chế cấp phát kinh phí nghiên cứu cào bằng, dàn trải

Bộ GD-ĐT cho biết, tổng mức kinh phí chi cho khoa học công nghệ của tất cả các trường đại học không nhiều, trong khi nguồn nhân lực chính thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tập trung phần lớn tại các cơ sở GDĐH, do đó không thể tạo đà bứt phá.

Nguồn nhân lực chính thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở Việt Nam phần lớn tập trung tại các cơ sở GDĐH.

Điển hình với các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ GDĐT, kinh phí đạt bình quân 400 tỉ đồng/năm và gần như không thay đổi từ năm 2011 đến 2016, một con số rất thấp so với tổng ngân sách Nhà nước dành cho KHCN; mức bình quân trên một giảng viên thấp hơn từ 10 đến 30 lần mức bình quân của các trường ĐH trong khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, tổng mức kinh phí phân bổ cho các Viện Hàn lâm, Viện/Trung tâm nghiên cứu tuy nhiều hơn nhưng chưa hiệu quả do được cấp phát dàn trải cho hơn 600 viện nghiên cứu được quản lý bởi các Bộ ngành khác nhau.

Ngân sách chi cho giáo dục đại học mỗi năm 0,18% GDP, không có đà cho khoa học bứt phá -0
Số người hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại các tổ chức năm 2019 (Nguồn Bộ GD-ĐT)

Bộ GD-ĐT cho rằng, cơ chế cấp phát kinh phí thực hiện nghiên cứu cào bằng dựa vào lịch sử phân bổ, không dựa vào thành tích đầu ra và không trực tiếp phục vụ hoạt động NCKH (phần lớn chi phí dùng để trả lương cho nhân sự).

Mức đầu tư thấp, được cấp phát không có hệ thống, không có bộ tiêu chí rõ ràng khiến cho kinh phí KHCN cuối cùng mà các cơ sở GDĐH nhận được là quá ít, không đủ để thúc đẩy năng lực và thành tích, cũng như chưa phản ánh và đồng nhất với ưu tiên phát triển KHCN của địa phương và của cả nước.

Bộ GD-ĐT đề xuất, cần có cơ chế phân bổ lại ngân sách khoa học công nghệ cho cơ sở GDĐH và cần có giải pháp để đạt mức đột phá, trong đó quy hoạch các cơ sở GDĐH giúp xây dựng và triển khai các cơ chế phân bổ chi hợp lý, trọng tâm, trọng điểm, theo cơ cấu lĩnh vực dựa trên hiệu quả hoạt động.

Trước đó, ngày 27.4.2023, Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với 3 Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, thành viên Đoàn giám sát cho biết, Luật Giáo dục quy định: “Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước”.

Tuy nhiên, hiện nay việc bố trí ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo chưa bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước, có sự chênh lệch số liệu thống kê giữa các bộ, ngành, địa phương.

Đại biểu đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, bởi trong báo cáo của hai Bộ chưa có sự thống nhất.

Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học mỗi năm đạt 0,18% GDP, không có đà cho khoa học bứt phá -0
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai

Về vấn đề này, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cũng cho biết, kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm trên phạm vi toàn quốc cho thấy, chi thường xuyên cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo không đạt dự toán đề ra. Đặc biệt, có địa phương việc giao dự toán chi cho giáo dục đào tạo, dạy nghề thấp hơn nhiều so với dự toán do trung ương giao; có tình trạng giao dự toán chưa đúng, chưa đủ theo quy định.

Giải trình nội dung đại biểu nêu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, giai đoạn 2018 -2020 phân bổ dự toán ngân sách cho giáo dục đều đạt trên 20%. Cụ thể năm 2018 là 20,06%, năm 2019 là 20,07%, năm 2020 là 20,67%, tuy nhiên, báo cáo quyết toán phân bổ ngân sách tại các địa phương lại thấp hơn 20%.

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Luật Giáo dục và Nghị quyết của Trung ương nêu rõ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục tối thiểu 20%, nếu địa phương không thực hiện cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát. Có như vậy mới đạt được mục tiêu nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương là chuẩn hóa, hiện đại hóa và quốc tế hóa ngành giáo dục.

Hồng Hạnh
#