Bài 2: Giáo dục đại học Việt Nam khó nâng tầm vì thiếu đất phát triển

- Thứ Sáu, 24/11/2023, 12:24 - Chia sẻ

Khi các nguồn lực về tài chính, con người và hạ tầng cơ sở vật chật đều hạn chế, rất khó để các cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống phát triển năng lực nội tại, chưa nói đến thu hút các nguồn lực từ tư nhân, từ nước ngoài nếu như không có cam kết hỗ trợ của Nhà nước.

Bài 1: Sẽ điều chỉnh toàn bộ mạng lưới, tái cấu trúc 244 cơ sở giáo dục đại học

Bộ GD-ĐT đang thực hiện xây dựng Dự thảo về Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây có lẽ là một cuộc quy hoạch lớn nhất của giáo dục đại học.

Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội trên giảng đường

Đại học Việt Nam đều có diện tích tương đối chật hẹp

Theo nhóm nghiên cứu của GS.TS Vũ Văn Yêm, ThS Nguyễn Yến Chi và  PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, ĐH Bách khoa Hà Nội, các cơ sở Giáo dục đại học (GDĐH) có quy mô lớn tại Việt Nam thường tập trung tại các thành phố lớn ở ba miền Bắc – Trung – Nam.

Ngoài một số đại học và trường đại học như 02 Đại học Quốc gia, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích rộng hơn ở ngoại thành, các cơ sở GDĐH nhìn chung có diện tích tương đối chật hẹp.

Ngoài ra, hạ tầng nghiên cứu và hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông thiếu đầu tư trầm trọng (Ngân hàng Thế giới, 2020): các cơ sở GDĐH có lịch sử lâu đời hơn thì cơ sở vật chất đã tương đối cũ, các giảng đường, phòng học, phòng thí nghiệm, hệ thống máy tính đã dần xuống cấp, ít được trang bị các thiết bị mới; các cơ sở GDĐH mới thành lập thì thường có khuôn viên nhỏ do chưa được quy hoạch tổng thể; chưa có các công trình kiến trúc sáng tạo, mang tính biểu tượng, tạo không gian khơi nguồn đổi mới sáng tạo là đặc trưng của GDĐH.

Bên cạnh đó, đa số các trường chưa đầu tư nhiều hệ thống thư viện, học liệu số, cơ sở dữ liệu quốc tế; trong khuôn viên trường chưa đa dạng các tiện ích như quán cafe, hiệu sách,.. phục vụ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi ý tưởng như các trường đại học ở nước ngoài.

“Khi các nguồn lực về tài chính, con người và hạ tầng cơ sở vật chật đều hạn chế, rất khó để các cơ sở GDĐH trong hệ thống phát triển năng lực nội tại, chưa nói đến thu hút các nguồn lực từ tư nhân, từ nước ngoài nếu như không có cam kết hỗ trợ của Nhà nước” – nhóm nghiên cứu nhận định.

Theo Bộ GD-ĐT, cả nước hiện chỉ có vùng Trung du và miền núi phía Bắc (nơi có rất ít cơ sở GDĐH) có đủ quỹ đất cho GDĐH, các vùng còn lại ước tính còn thiếu khoảng 2300 ha đất cho các cơ sở GDĐH.

Tính đến năm 2030, cả hệ thống GDĐH sẽ thiếu khoảng 3041 ha cho tất cả các vùng, tập trung chủ yếu vào vùng Đồng bằng sông Hồng, gần 1.132 ha (Hà Nội khoảng 938 ha) và Đông Nam Bộ, 1110 ha (Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 799 ha).

Bên cạnh đó, năm 2022, tỉ trọng chi trung bình cho cơ sở vật chất của các cơ sở GDĐH chỉ chiếm xấp xỉ 5% tổng chi hàng năm. Trong khi suất chi trên đầu sinh viên của các cơ sở GDĐH đã là rất thấp.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhận định, với hiện trạng cơ sở vật chất còn khó khăn như hiện nay, tỉ lệ chỉ 5% này sẽ khó có thể đáp ứng yêu cầu giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đối với các cơ sở đào tạo lĩnh vực y dược, khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Theo báo cáo tự chủ đại học năm 2022, tỉ lệ chi đầu tư cơ sở vật chất chiếm tỉ trọng 7%.

Qua kết quả kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH, trong 05 tiêu chí nhiều cơ sở GDĐH chưa đạt yêu cầu, có tiêu chí về diện tích đất sử dụng theo quy định của tiêu chuẩn TCVN 3981-85 và 55% cơ sở đào tạo được đánh giá không đạt tiêu chí diện tích mặt bằng tổng thể đạt mức tối thiểu theo quy định.

Trong khi đó, đầu tư từ Ngân sách Nhà nước (NSNN) cho Giáo dục đại học còn thấp, chỉ chiếm khoảng 6-7% tổng NSNN cho GD-ĐT.

Nguồn thu chính của các cơ sở GDĐH vẫn từ học phí, trong khi mức học phí còn được xác định ở mức khá thấp; nguồn thu từ NCKH và dịch vụ KHCN còn thấp trong tổng thu của các cơ sở GDĐH.

Do vậy, vấn đề bức thiết trong thời gian tới cần tăng cường quy hoạch đất cho GDĐH, đặc biệt là cần tăng cường đầu tư để đảm bảo cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng GDĐH.

Bài 2: Giáo dục đại học Việt Nam khó nâng tầm vì thiếu đất phát triển -0
Diện tích Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn không đáp ứng được yêu cầu đào tạo cho số lượng sinh viên hiện có

Giáo dục đại học vẫn “khép kín”

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, điểm yếu của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay là mạng lưới cơ sở đào tạo đại học phân bố chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn; Các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa được đáp ứng ở nhiều cơ sở GDĐH; Hệ thống GDĐH chưa đáp ứng tốt được nhu cầu của thị trường lao động

Bên cạnh đó, chưa có sự phân loại các cơ sở GDĐH giúp định hướng cho đầu tư trọng điểm. Sự tham gia của khối các cơ sở giáo dục ngoài công lập và hội nhập quốc tế trong phát triển hệ thống GDĐH còn hạn chế.

Đặc biệt, tính liên kết mạng lưới của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hiện nay rất yếu mặc dù mạng lưới các cơ sở GDĐH Việt Nam đã bao phủ hầu khắp các vùng miền trong cả nước. Các trường có địa điểm trên từng vùng được gắn với thế mạnh tự nhiên và mục tiêu phát triển KT-XH của vùng đó.

Các đại học quốc gia, đại học vùng cũng đã phần nào thể hiện được vai trò dẫn dắt, kết nối các trường xung quanh trong cùng vùng, cùng khu vực, hay đang hỗ trợ một số trường cao đẳng trong vùng trở thành phân hiệu của mình, tạo liên kết đào tạo nhân lực trong vùng. 

Tuy nhiên, mật độ phân bố các trường rất chênh lệch. Các trường tập trung chủ yếu ở các vùng phát triển và các thành phố lớn như Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, trong khi đó vùng Tây Nguyên chỉ có 4 trường chiếm 1,6%.

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, GDĐH Việt Nam vẫn còn tương đối “khép kín”, khả năng liên thông giữa các cơ sở GDĐH trong nước vẫn còn hạn chế.

Các trường đại học ở Việt Nam thường được tổ chức theo hệ thống các trường đào tạo chuyên ngành ở một lĩnh vực đào tạo cụ thể như trường Đại học Thủy lợi, trường Đại học Y, trường Đại học Dược, trường Đại học Kinh tế tài chính, trường Đại học Ngoại thương...

Mặc dù, Quy chế đào tạo đại học ban hành năm 2021 đã quy định về sự công nhận tín chỉ giữa các trường, theo đó các trường đại học được quyền công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ đã tích lũy từ một trình độ đào tạo khác, một ngành đào tạo hoặc một chương trình đào tạo khác, một khóa học khác hoặc từ một cơ sở đào tạo khác được cơ sở đào tạo xem xét công nhận, chuyển đổi sang tín chỉ của những học phần trong chương trình đào tạo xin chuyển nhưng thực tế việc ít thừa nhận kết quả đào tạo của nhau giữa các cơ sở GDĐH nên người học gặp nhiều khó khăn khi chuyển trường, chuyển ngành học.

Việc liên thông kiến thức giữa cơ sở GDĐH trong nước và nước ngoài lại càng khó khăn hơn do có sự khác biệt về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo (trừ các chương trình liên kết quốc tế theo thỏa thuận).

Nhiều nước trên thế giới chưa công nhận văn bằng, chứng chỉ đại học do Việt Nam đào tạo, do đó, người Việt Nam gặp khó khăn khi muốn ra nước ngoài tiếp tục học tập hay định cư, công tác.

Bài 2: Giáo dục đại học Việt Nam khó nâng tầm vì thiếu đất phát triển -0
Nhiều nước trên thế giới chưa công nhận văn bằng, chứng chỉ đại học do Việt Nam đào tạo

Nhu cầu nhân lực trình độ đại học rất lớn

Mục tiêu đối với GDĐH được đặt ra tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội ngày 09 tháng 01 năm 2023: đến 2030, tỉ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân. Nhu cầu phát triển các ngành nghề đào tạo đại học đang thay đổi và ngày càng đa dạng hơn. Đó là xu hướng chuyển đổi sang các lĩnh vực công nghệ cao (các lĩnh vực công nghệ cao như khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu...), với sự phát triển của kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

 Một số nhóm ngành cần nhiều nhân lực trình độ đại học có thể kể đến như:  Khoa học máy tính, An toàn thông tin, Truyền thông đa phương tiện; Công nghệ Cơ khí – Tự động hóa, Điện – Điện tử; Công nghệ thực phẩm, Công nghệ Sinh học, Công nghệ Nông – Lâm – Ngư; Kiến trúc, Xây dựng, Môi trường, Mỹ thuật ứng dụng; Kinh tế – Thương mại, Du lịch và lữ hành, Nhà hàng – Khách sạn; Y, Dược, Chăm sóc sức khỏe – Chăm sóc sắc đẹp; SP giáo dục, Tâm lý- Xã hội…

Y tế là một trong những ngành nghề quan trọng tại Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, các định hướng phát triển nhân lực trong ngành này bao gồm tăng cường đào tạo các chuyên môn mới như y học phân tử, y học gen... và đẩy mạnh việc nâng cao trình độ của các bác sĩ và y tá, tăng tỉ lệ bác sĩ trên một vạn dân.

Định hướng nhu cầu bác sĩ, dược sĩ trình độ đại học được xác định trong dự thảo Báo cáo Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể:  Đến năm 2025: Đạt chỉ tiêu 15 bác sĩ và 2,8 dược sĩ đại học (25 điều dưỡng viên) trên 10.000 dân; Đến năm 2030: Đạt chỉ tiêu 19 bác sĩ và 3,0 dược sĩ đại học (33 điều dưỡng viên) trên 10.000 dân; Định hướng đến 2050: Đạt chỉ tiêu 35 bác sĩ (90 điều dưỡng viên) trên 10.000 dân.

Dự báo về nhân lực y tế cho thấy nhu cầu về số luợng bác sĩ và điều dưỡng cũng sẽ tiếp tục tăng qua các năm và có sự thiếu hụt lớn sau năm 2030, đặc biệt là điều dưỡng (thiếu hụt về điều dưỡng nhiều gấp đôi so với thiếu hụt bác sĩ).

Trong giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung thêm khoảng 173.400 bác sĩ và 313.900 điều dưỡng.

Bài 2: Giáo dục đại học Việt Nam khó nâng tầm vì thiếu đất phát triển -0
Ngành Y tế thiếu trầm trọng nguồn nhân lực trong thời gian tới (Ảnh: Internet)

Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cần đầu tư trọng tâm, trọng điểm

Công tác phân loại cơ sở GDĐH theo các mục tiêu phát triển có lợi ích to lớn trong xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng GDĐH và thu hút các nguồn lực tham gia. Nhóm nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất:

Thứ nhất, cần xây dựng và triển khai các các chính sách để thu hút đầu tư tư nhân vào GDĐH, mục tiêu tăng quy mô đào tạo tại các cơ sở GDĐH tư thục lên khoảng 30% tổng quy mô hệ thống.

Thứ hai, cần phân loại theo quy mô đào tạo, nhằm sáp nhập, hợp nhất các trường có quy mô nhỏ, đào tạo đơn lĩnh vực thành các trường có quy mô lớn, đa lĩnh vực, từ đó, tăng hiệu quả hoạt động theo quy mô và giảm số đầu mối quản lý. Nghiên cứu từ Đề tài Cơ sở khoa học của Quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH Việt Nam đã chỉ ra các cơ sở GDĐH có quy mô lớn (khoảng trên 10.000 SV) có khả năng thu hút nguồn lực tốt hơn, có tỷ lệ tăng trưởng nguồn thu và nguồn thu ngoài ngân sách hàng năm cao hơn các cơ sở GDĐH có quy mô nhỏ hơn.

Thứ ba, cần phân loại theo lĩnh vực đào tạo để chọn ra các trường trọng điểm ngành/ khối ngành. Ngoài một số trường và đại học có quy mô lớn và uy tín nghiên cứu, đào tạo lâu năm, đáng chú ý có một số trường tuy quy mô nhỏ, chỉ tập trung đào tạo một lĩnh vực, ví dụ như Học viện Tài chính thuộc Bộ Tài chính, Học viện Ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước tuy chất lượng tuyển sinh đầu vào không cao như Trường Đại học Ngoại thương hay Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhưng đa số sinh viên ra trường có khả năng tìm việc phù hợp, kết quả đào tạo được xã hội công nhận.

Đó là minh chứng cho thấy mỗi lĩnh vực cần quy hoạch các trường đại học trọng điểm ngành nhằm đầu tư trọng tâm, trọng điểm, vun cao để tối đa hiệu quả đào tạo - nghiên cứu phục vụ nhóm ngành đó. Ví dụ như lĩnh vực Y tế, Giáo dục có thể quy hoạch 3 trường Đại học khối Y - Dược, 3 trường đại học sư phạm trọng điểm nằm tại 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Thứ tư, cần phân loại theo phân vùng kinh tế - xã hội, để đảm bảo tiếp cận giáo dục cho người dân địa phương, đồng thời phát triển chương trình giáo dục và phân bổ nguồn lực phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ví dụ: Với khu vực ba Tây (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ), chương trình đào tạo cần mang tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh tại địa phương; đồng thời tăng cường hình thức dạy học trực tuyến, triển khai các lớp học đại chúng mở có cơ chế đảm bảo chất lượng, phối hợp với các cơ sở GDĐH có uy tín tại các địa phương phát triển hơn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để tăng cường khả năng tiếp cận và chất lượng giảng dạy.

Thứ năm, cần chọn ra một số cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia có nhiệm vụ dẫn dắt hệ thống về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, gắn đào tạo sau đại học với nghiên cứu; có sứ mạng tham gia hợp tác và cạnh tranh quốc tế, nâng tầm cơ sở vật chất và nguồn lực tương đương với các trường top đầu khu vực trong trung hạn.

GS. TS Vũ Văn Yêm, ĐH Bách khoa Hà cho rằng, quy hoạch phát triển hệ thống GDĐH Việt Nam đã nêu rõ tầm quan trọng của việc phân loại và xác định vai trò của các cơ sở giáo dục trong hệ thống. Từ nội dung quy hoạch, các Bộ ngành và địa phương liên quan cần phối hợp phân bổ và đảm bảo diện tích đất và phần kinh phí tương ứng để đầu tư cơ sở hạ tầng cho các cơ sở GDĐH thuộc quản lý của đơn vị và/hoặc đóng tại địa phương.

Công tác quy hoạch không gian và hạ tầng mang tính tổng thể, dài hạn và ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế-xã hội địa phương, tới nguồn nhân lực của Lĩnh vực nên chỉ khi có sự phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị, cơ sở giáo dục mới có định hướng rõ ràng và đủ nguồn lực để phát triển hết tiềm năng.

Mục tiêu tỉ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24 tháng 1 năm 2022 về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2050: về mục tiêu cụ thể có liên quan đến phát triển giáo dục và đào tạo nói chung và quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH nói riêng: Đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hoá cấp đô thị.

Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.

Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.

Cùng với các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ, gần đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Mục tiêu phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống GDĐH tốt nhất Châu Á. Tỉ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân. Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%.

Trong định hướng phát triển hạ tầng xã hội cấp quốc gia của Quy hoạch có nêu yêu cầu: Phát triển đồng bộ mạng lưới các cơ sở GDĐH đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển bền vững của đất nước; đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, yêu cầu phát triển KT-XH của từng vùng, miền, địa phương.

Tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, đào tạo gắn với nâng cao chất lượng đào tạo. Phát triển các cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia; nâng cấp, xây dựng một số đại học, trường đại học lớn và trường đại học sư phạm, đào tạo y khoa trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao, có uy tín trong khu vực và thế giới. Phát triển một số khu đô thị đại học. Khuyến khích phát triển các cơ sở GDĐH tư thục.

Nghị quyết của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia bên cạnh các Nghị quyết của Trung ương đối với các vùng KT-XH sẽ là những cơ sở pháp lý và định hướng quan trọng để triển khai và cụ thể hóa trong các quy hoạch ngành, trong đó có GDĐH.

(Còn tiếp...!)

Hồng Hạnh
#