Điều chỉnh toàn bộ mạng lưới, tái cấu trúc 244 cơ sở giáo dục đại học:

Bài 3: Giải thể trường đại học yếu kém, thành lập thêm 3 Đại học Quốc gia, 4 Đại học vùng

- Thứ Hai, 27/11/2023, 07:48 - Chia sẻ

Tới năm 2030, phát triển thêm 3 đại học quốc gia trên cơ sở Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trở thành các đại học thuộc nhóm hàng đầu Châu Á, có ít nhất 20 lượt lĩnh vực nằm trong tốp 1.000 thuộc các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Đó là một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ GD-ĐT đang xây dựng và đưa ra lấy ý kiến góp ý. 

Không thành lập trường đại học công lập mới

Theo Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ GD-ĐT, sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) theo hướng cơ bản giữ ổn định về số lượng và cơ cấu, tập trung tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô của các cơ sở GDĐH.

Đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở GDĐH và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở GDĐH đầu mối, định hướng phân bố theo các vùng, trong đó, khoảng 30 cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia, bao gồm 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng và từ 18 đến 20 cơ sở GDĐH trọng điểm ngành quốc gia.

Khoảng 100 cơ sở GDĐH đầu mối khác trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; Ít nhất 70 cơ sở GDĐH tư thục, bao gồm cả các cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ GD-ĐT định hướng sắp xếp, phát triển các trường đại học công lập trong giai đoạn tới năm 2030 cụ thể như sau:

Củng cố, sắp xếp những trường đại học không đạt chuẩn cơ sở GDĐH theo các phương án: tái cấu trúc và tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong lộ trình từ 3 đến 5 năm; sáp nhập để trở thành một đơn vị đào tạo hoặc một phân hiệu của một cơ sở GDĐH có uy tín; đình chỉ hoạt động đào tạo trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030.

Quan điểm của Bộ GD-ĐT, cơ bản không thành lập trường đại học công lập mới, trừ các trường hợp: cần thiết thành lập tại một số vùng có mức độ tiếp cận đại học thấp, cụ thể Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long;  tổ chức lại một số trường đào tạo, bồi dưỡng trực thuộc các cơ quan trung ương đã được phép đào tạo các trình độ của GDĐH; đã có chủ trương thành lập được cấp có thẩm quyền quyết định còn thời hạn cho đến thời điểm Quy hoạch này có hiệu lực thi hành.

Bài 3: Giải thể trường đại học yếu kém, thành lập thêm 3 Đại học Quốc gia, 4 Đại học vùng -0
Đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở giáo dục đại học và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở giáo dục đại học đầu mối

Đình chỉ hoạt động đào tạo của phân hiệu, cơ sở đào tạo không đạt chuẩn

Theo Dự thảo, định hướng sắp xếp, phát triển phân hiệu của các cơ sở GDĐH trong giai đoạn tới năm 2030 mà Bộ GD-ĐT đưa ra cụ thể như sau:

Đình chỉ hoạt động đào tạo của phân hiệu, cơ sở đào tạo không đạt chuẩn hoặc chưa hoàn thành xác lập vị trí pháp lý trước năm 2028; sáp nhập hoặc giải thể các phân hiệu không đạt chuẩn trước năm 2030.

Thành lập phân hiệu trong các trường hợp: thành lập từ các cơ sở đào tạo đang được phép hoạt động hoặc chuyển giao phân hiệu từ một cơ sở GDĐH khác đang được phép hoạt động, hoặc trên cơ sở sáp nhập trường CĐSP.

Mở rộng không gian phát triển của các cơ sở GDĐH tại địa phương lân cận hoặc tại địa phương chưa đào tạo nhóm ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển của địa phương và của vùng; thành lập phân hiệu của cơ sở GDĐH tư thục, cơ sở GDĐH nước ngoài có uy tín tại các địa phương, khu vực không hạn chế phát triển.

Tới năm 2030, phát triển thêm 3 đại học quốc gia, 4 đại học vùng

Theo Dự thảo của Bộ GD-ĐT, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia căn cứ tiềm lực và uy tín gắn với vai trò, sứ mạng trong hệ thống GDĐH.

Theo đó, các cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia đến 2030 như sau: 

Có 5 Đại học Quốc gia; 5 Đại học vùng và 18 - 20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia. Đây là các đơn vị đầu tàu với quy mô đào tạo đại học trên toàn quốc  là 30%; Thạc sĩ 60% và Tiến sĩ là 80%. 

Quan điểm của Bộ GD-ĐT là Đại học Quốc gia nằm trong trung tâm của vùng kinh tế động lực, có sứ mạng dẫn dắt và vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia về phát triển nhân tài, nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu cả nước về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và một số lĩnh vực, ngành trọng điểm khác của quốc gia.

Tới năm 2030, phát triển thêm 3 đại học quốc gia trên cơ sở Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trở thành các đại học thuộc nhóm hàng đầu Châu Á, có ít nhất 20 lượt lĩnh vực nằm trong tốp 1.000 thuộc các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Các đại học quốc gia giữ ổn định quy mô đào tạo trình độ đại học, tập trung nâng cao chất lượng và tăng tỉ trọng đào tạo sau đại học gắn với phát triển nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, nhất là ở các lĩnh vực, ngành trọng điểm. Sau năm 2030, có thể phát triển thêm một số đại học quốc gia từ các đại học vùng, đại học trọng điểm ngành quốc gia có tiềm lực mạnh và uy tín cao trong hệ thống.

Bài 3: Giải thể trường đại học yếu kém, thành lập thêm 3 Đại học Quốc gia, 4 Đại học vùng -0
Định hướng tới năm 2030, Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành Đại học Quốc gia

Đại học vùng nằm trong trung tâm của vùng, tiểu vùng, có sứ mạng dẫn dắt và vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ cho vùng; có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu vùng trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm của vùng;

Tới năm 2030, phát triển thêm 4 đại học vùng trên cơ sở Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Cần Thơ, cùng với Đại học Thái Nguyên trở thành các đại học có uy tín trong khu vực và thế giới.

Các đại học vùng chú trọng nâng cao chất lượng, từng bước mở rộng quy mô đào tạo, tăng tỉ trọng đào tạo sau đại học gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nhất là trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm của vùng.

Quy mô đào tạo và lĩnh vực, nhóm ngành trọng điểm của các Đại học Quốc gia đến năm 2030 như sau: 

ĐH Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh: Quy mô đào tạo là 120.000 - 130.000 với các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, xã hội và nhân văn.

ĐH Quốc gia Hà Nội: Quy mô đào tạo là 65.000 - 70.000 với các lĩnh vực Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, giáo dục và SP, xã hội và nhân văn.

ĐH Bách khoa Hà Nội:  Quy mô đào tạo 45.000 - 50.000 với các lĩnh vực Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, sản xuất và chế biến.

ĐH Đà Nẵng: Quy mô đào tạo 60.000 - 65.000 với các lĩnh vực Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, sản xuất và chế biến, SP, tài chính.

ĐH Huế: Quy mô đào tạo là 60.000 - 65.000 với các lĩnh vực Khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn, nghệ thuật, giáo dục và SP, y dược, nông lâm, du lịch. 

Bên cạnh đó, chuẩn bị điều kiện để phát triển Trường Đại học Tây Bắc thành đại học vùng sau năm 2030.

Định hướng quy mô đào tạo và lĩnh vực, nhóm ngành trọng điểm của các đại học vùng đến 2030 như sau: 

ĐH Thái Nguyên: Quy mô đào tạo 60.000 - 70.000 với các lĩnh vực Khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn, SP, kỹ thuật và công nghệ, y dược, sản xuất và chế biến, nông lâm

ĐH Vinh: Quy mô đào tạo 20.000 - 25.000 với các lĩnh vực Khoa học tự nhiên và xã hội, SP, công nghệ, du lịch

ĐH Nha Trang: Quy mô đào tạo 20.000 - 25.000 với các lĩnh vực Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, sản xuất và chế biến, thủy sản, du lịch

ĐH Tây Nguyên: Quy mô đào tạo 12.000 - 15.000 với các lĩnh vực Khoa học tự nhiên, SP, công nghệ, nông lâm nghiệp, du lịch.

ĐH Cần Thơ: Quy mô đào tạo 60.000 - 70.000 với các lĩnh vực Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, sản xuất và chế biến, nông nghiệp và thủy sản, du lịch. 

Theo Bộ GD-ĐT, cơ sở GDĐH trọng điểm ngành quốc gia có sứ mạng cùng đại học quốc gia dẫn dắt và thực hiện vai trò nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển một số lĩnh vực, ngành trọng điểm của quốc gia; có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu trong lĩnh vực, ngành đào tạo tương ứng.

Phát triển 18 -  20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm

Tới năm 2030, phát triển 20 cơ sở GDĐH trọng điểm ngành quốc gia, trong đó mỗi lĩnh vực, ngành có 1 đến 2 cơ sở GDĐH; chú trọng nâng cao chất lượng, tăng quy mô đào tạo sau đại học gắn với phát triển nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để ít nhất 20 lượt lĩnh vực có mặt trong các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Bài 3: Giải thể trường đại học yếu kém, thành lập thêm 3 Đại học Quốc gia, 4 Đại học vùng -0
Trường Đại học Giao thông - Vận tải là một trong 20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm

Đó là các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia đến năm 2030 gồm: Trường ĐH SP Hà Nội; 2. Trường ĐH SP TP Hồ Chí Minh; Trường ĐH Y Hà Nội; Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh; Trường ĐH Luật Hà Nội; Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh; Trường ĐH Kinh tế Quốc dân; Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh; Trường ĐH Hàng hải Việt Nam; Trường ĐH Giao thông - Vận tải; Trường ĐH Xây dựng Hà Nội; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Học viện Báo chí tuyên truyền; Học viện Bưu chính Viễn thông; Học viện Hành chính Quốc gia; Học viện Tài chính; Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội...

Lấy các đại học quốc gia, đại học vùng làm hạt nhân

Theo Dự thảo quy hoạch của Bộ GD-ĐT, hình thành và phát triển các mạng lưới cơ sở GDĐH theo các vùng, tiểu vùng, lấy các đại học quốc gia, đại học vùng làm hạt nhân, tạo sức mạnh tổng hợp và động lực phát triển từ liên kết vùng trong các hoạt động tuyển sinh, đào tạo, hỗ trợ người học, hợp tác quốc tế, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; gắn kết với cơ sở nghiên cứu, khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để phối hợp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển vùng, phát triển địa phương.

Bài 3: Giải thể trường đại học yếu kém, thành lập thêm 3 Đại học Quốc gia, 4 Đại học vùng -0
Phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH vùng Trung du và miền núi phía Bắc với trung tâm là Thái Nguyên

Phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH vùng Trung du và miền núi phía Bắc với trung tâm là Thái Nguyên: mở rộng cơ hội tiếp cận đại học cho người dân, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển vùng, trọng tâm là các ngành SP, y dược, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, sản xuất và chế biến, nông nghiệp, lâm nghiệp và du lịch.

Phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH vùng Đồng bằng sông Hồng với trung tâm là Hà Nội: tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong tất cả lĩnh vực trọng điểm cho vùng và cả nước; hình thành một số cụm đại học dọc hai bên vành đai 4 vùng Thủ đô để mở rộng và liên kết không gian phát triển của các cơ sở GDĐH.

Phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH của các tiểu vùng Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, với trung tâm là Vinh, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, Nha Trang: mở rộng cơ hội tiếp cận đại học cho người dân, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo cho vùng và một số tỉnh lân cận vùng Tây Nguyên, trọng tâm là các ngành SP, y dược, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, nghệ thuật, tài chính, thủy sản và du lịch.

Phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH vùng Tây Nguyên với trung tâm là Buôn Ma Thuột: mở rộng cơ hội tiếp cận đại học cho người dân, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển vùng, trọng tâm là các ngành SP, y dược, công nghệ, sản xuất và chế biến, nông nghiệp, lâm nghiệp và du lịch.

Phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH vùng Đông Nam Bộ, với trung tâm là Thành phố Hồ Chí Minh: tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong tất cả lĩnh vực trọng điểm cho vùng và cả nước; hình thành một số cụm đại học dọc hai bên vành đai 3, 4 của Thành phố Hồ Chí Minh để mở rộng và liên kết không gian phát triển của các cơ sở GDĐH lớn.

Phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH vùng Đồng bằng sông Cửu Long với trung tâm là Thành phố Cần Thơ: mở rộng cơ hội tiếp cận đại học cho người dân, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển vùng, trọng tâm là các ngành SP, y dược, công nghệ, sản xuất và chế biến, nông nghiệp, thủy sản và du lịch.

Mục tiêu đào tạo trên một vạn dân đạt 260 sinh viên đại học và 22 học viên sau đại học

Mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021  - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) và sư phạm (SP) đồng bộ, hiện đại và mạch lạc, thiết lập được một hệ thống GDĐH mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng và hiệu quả với quy mô và cơ cấu hợp lý; đáp ứng nhu cầu học đại học của người dân, nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững của cả nước và các địa phương. Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có hệ thống GDĐH tiên tiến trong khu vực.

Theo đó, Quy mô đào tạo trên một vạn dân đạt 260 sinh viên đại học và 22 học viên sau đại học; số người theo học đại học trên một vạn dân của mỗi vùng không thấp hơn 200 người và của mỗi tỉnh không thấp hơn 120 người;

Cơ cấu trình độ và ngành đào tạo cơ bản cân đối với nhu cầu sử dụng nhân lực của các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ, SP, y dược và một số ngành, lĩnh vực trọng điểm khác; quy mô đào tạo các lĩnh vực STEM chiếm ít nhất 35% tổng quy mô ở mỗi trình độ đào tạo;

Tỉ lệ sinh viên đại học trên giảng viên không vượt quá 25, tỉ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 40%; số cơ sở GDĐH và SP công lập giảm ít nhất 20% so với năm 2021, không còn cơ sở GDĐH không đạt chuẩn;

Đào tạo cao đẳng SP chỉ thực hiện tại các cơ sở GDĐH; 60% học viên thạc sĩ (và trình độ tương đương) và 80% số nghiên cứu sinh được đào tạo tại các cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia;

Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có hệ thống GDĐH tốt nhất khu vực Châu Á, xét theo các chỉ số chính liên quan tới GDĐH trong mục tiêu phát triển bền vững SDG và các chỉ số đóng góp của GDĐH vào chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII; 10 cơ sở GDĐH và 40 lượt lĩnh vực có tên trong các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Hồng Hạnh
#