Bài 1: Sẽ điều chỉnh toàn bộ mạng lưới, tái cấu trúc 244 cơ sở giáo dục đại học

- Thứ Năm, 23/11/2023, 16:24 - Chia sẻ

Bộ GD-ĐT đang thực hiện xây dựng Dự thảo về Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây có lẽ là một cuộc quy hoạch lớn nhất của giáo dục đại học.

Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục đại học (GDĐH), Đảng và Nhà nước đã từng bước luật hóa và ban hành nhiều chủ trương, chính sách, định hướng liên quan đến GDĐH, đặc biệt là việc quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm là một công cụ quan trọng để tối ưu hóa cấu trúc, tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả đầu tư và trên cơ sở đó nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống GDĐH và đào tạo giáo viên.

Thực hiện Luật Quy hoạch 2017, Bộ GDĐT đã hoàn thiện Dự thảo báo cáo về Quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH và sư phạm giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050.

Quy hoạch nhằm mục đích củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm đồng bộ, hiện đại và mạch lạc, thiết lập được một hệ thống GDĐH mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng và hiệu quả với quy mô và cơ cấu hợp lý; đáp ứng nhu cầu học đại học của người dân, nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững của cả nước và các địa phương; hướng đến Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có hệ thống GDĐH tiên tiến trong khu vực.

Đối tượng quy hoạch là các cơ sở GDĐH theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (2018) và các trường cao đẳng sư phạm trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Bài 1: Sẽ điều chỉnh toàn bộ mạng lưới, tái cấu trúc 244 cơ sở giáo dục đại học -0
Sinh viên đại học (Ảnh: minh hoạ)

Cả nước có 244 cơ sở giáo dục đại học và sư phạm nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn

Mạng lưới các trường đại học được phân bố trên khắp cả nước và các vùng miền; tuy nhiên, sự phân bổ chênh lệch, và có mối tương quan mạnh với sự phát triển KT-XH của các vùng; hệ thống trường tư thục đã có những đóng góp quan trọng trong việc đào tạo nhân lực phục vụ phát triển KT-XH của đất nước, tuy nhiên, số lượng và quy mô trường vẫn còn hạn chế.

Hiện cả nước có 244 cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), trong đó 172 cơ sở GDĐH công lập (26 cơ sở GDĐH trực thuộc các địa phương); 67 cơ sở GDĐH ngoài công lập (05 cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài).

Ngoài ra, còn có 20 trường cao đẳng SP (03 trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, 17 trực thuộc các địa phương).

Số lượng các trường tăng khá nhiều tuy nhiên không đồng đều giữa các vùng miền nhưng lại có sự tương quan khá chặt chẽ với sự phát triển kinh tế giữa các vùng.

Các trường phân bổ tập trung chủ yếu vào các vùng kinh tế phát triển như Đồng bằng sông Hồng (44,3%), Đông Nam Bộ (18,4%), thấp nhất ở vùng Tây Nguyên (1,6%); Trung du miền núi phía Bắc (5,7%), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (18,4%); Đồng bằng sông Cửu Long (7,0%).

Theo Bộ GD-ĐT, mặc dù có sự gia tăng về số lượng cơ sở GDĐH nhưng hệ thống phát triển không đồng đều, vẫn còn rất nhiều cơ sở GDĐH quy mô nhỏ, lĩnh vực đào tạo hẹp và hoạt động kém hiệu quả; nhiều cơ sở GDĐH không mở rộng, phát triển được theo định hướng chiến lược phát triển của trường.

Cơ sở GDĐH ngoài công lập có sự phát triển cả về số lượng cơ sở lẫn quy mô đào tạo, tuy nhiên vẫn chỉ chiếm gần 30% tổng số cơ sở đào tạo và gần 20% quy mô đào tạo toàn hệ thống.

Thị trường GDĐH chưa được điều tiết ở tầm vĩ mô, nhiều cơ sở GDĐH chưa xác định rõ vai trò, vị trí trong hệ thống; phần lớn cơ sở GDĐH chưa định vị chiến lược phát triển một cách rõ ràng.

Việc mở rộng các phân hiệu của các cơ sở GDĐH, đặc biệt trong giai đoạn gần đây góp phần tăng độ bao phủ của GDĐH tại các vùng, các địa phương cũng như bước đầu phản ánh nhu cầu sắp xếp, tổ chức lại một số cơ sở GDĐH, trường cao đẳng SP hoạt động không hiệu quả.

Bài 1: Sẽ điều chỉnh toàn bộ mạng lưới, tái cấu trúc 244 cơ sở giáo dục đại học -0
Cơ sở ở khu đại học phố Hiến (Hưng Yên) của trường Đại học Thủy lợi rộng hơn 56ha (Ảnh: Giang Huy)

Cả nước hiện có 30 phân hiệu của các cơ sở GDĐH (cả trường đại học và đại học) trong đó có 20 phân hiệu hình thành mới (trong đó có 6 phân hiệu của các cơ sở GDĐH tư thục), 4 phân hiệu được hình thành trên cơ sở trường cao đẳng Sư phạm, 9 phân hiệu trên cơ sở trường đại học.

Trong số 30 phân hiệu có 4 phân hiệu trong mạng lưới cơ sở GDĐH có đào tạo giáo viên. Quy mô của các phân hiệu này vẫn còn thấp nhưng đã phần nào góp phần nâng cao độ bao phủ GDĐH tại một số địa phương, đặc biệt là ở các địa bàn khó khăn.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục, mạng lưới cơ sở GDĐH hiện nay khá phức tạp với nhiều mô hình quản trị; quản lý nhà nước đối với các cơ sở GDĐH phân mảnh khi số lượng cơ sở GDĐH trực thuộc các bộ, ngành (không phải Bộ GDĐT) có tỉ lệ cao; số lượng các trường đại học địa phương khá lớn trong khi quy mô đào tạo của các trường đại học địa phương chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong cơ cấu đào tạo của cả nước.

2 Đại học quốc gia Hà Nội và TP HCM có nhiều trường đại học thành viên, trường thành viên, khoa thành viên và các viện nghiên cứu; 3 đại học vùng (Đà Nẵng, Huế, Thái Nguyên) cũng có nhiều trường đại học thành viên, trường thành viên, khoa thành viên và các viện nghiên cứu và trung tâm đào tạo từ xa; các trường đại học  bao gồm các khoa và bộ môn trực thuộc.

Bài 1: Sẽ điều chỉnh toàn bộ mạng lưới, tái cấu trúc 244 cơ sở giáo dục đại học -0
Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc

Cả nước có 68 trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện đào tạo trình độ đại học.

Cấu trúc hệ thống này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý, hiệu quả đầu tư và hoạt động của các cơ sở GDĐH, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ đại học.

Về viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ, theo số liệu từ Bộ GD-ĐT, cả nước có 39 viện nghiên cứu hiện đang tham gia đào tạo trình độ tiến sĩ, với quy mô đào tạo khoảng 400 nghiên cứu sinh, chỉ chiếm 0,05% tổng quy mô đào tạo trình độ tiến sĩ của cả nước.

Bộ GD-ĐT cho rằng, các viện nghiên cứu này được phân bố không đồng đều giữa các vùng trong cả nước, với số lớn tập trung tại vùng Đồng bằng sông Hồng (cụ thể là Hà Nội), một phần tại vùng Đông Nam bộ (Thành phố Hồ Chí Minh), và số rất ít tại các vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Các viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ tập trung tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhưng sự liên kết với các trường đại học trong vùng không cao.

Vai trò của các trường cao đẳng sư phạm ngày càng mờ nhạt

Mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên (mạng lưới các trường sư phạm) có độ bao phủ cao, gắn với các vùng và địa phương, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên từ mầm non đến phổ thông.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, sự phân bổ chưa đồng đều, có sự tập trung của một số trường đại học sư phạm lớn tại các trung tâm KT-XH của đất nước; vai trò của các trường cao đẳng sư phạm (SP) ngày càng mờ nhạt.

Hiện nay, Việt Nam có 103 cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó có 15 trường đại học SP, bao gồm: 06 trường đại học SP (ĐHSP) ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Hà Nội 2, ĐHSP - Đại học Thái Nguyên, ĐHSP - Đại học Huế, ĐHSP - Đại học Đà Nẵng, ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh); 06 trường đại học SP kỹ thuật (ĐHSP Kỹ Thuật Hưng Yên, ĐHSP Kỹ thuật Nam Định, ĐHSP Kỹ thuật Vinh, ĐHSP Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, ĐHSP Kỹ thuật Vĩnh Long và ĐHSP Kỹ thuật Đà Nẵng); 02 trường đại học SP Thể dục thể thao (Trường Đại học SP Thể dục Thể thao Hà Nội; Trường Đại học SP Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh) và Trường Đại học SP Nghệ thuật Trung ương.

50 trường đại học đa ngành và trường đại học đặc thù (ngoại ngữ, nghệ thuật, thể thao) có đào tạo giáo viên; 20 trường cao đẳng SP; 18 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên.

Sự phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên (ĐTGV) trong thời gian vừa qua đã mở rộng cơ hội học tập ở bậc đại học và tiếp cận các chương trình đào tạo giáo viên cho người học thông qua việc tăng số lượng, quy mô và loại hình đào tạo.

Các cơ sở ĐTGV đã thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD), góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bài 1: Sẽ điều chỉnh toàn bộ mạng lưới, tái cấu trúc 244 cơ sở giáo dục đại học -0
Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. (Ảnh: Báo Gia Lai)

Hầu như ở mỗi tỉnh, thành phố đều có ít nhất một cơ sở ĐTGV (ngoại trừ Đăk nông), đặc biệt tập trung nhiều ở một số thành phố lớn như Hà Nội (8 trường) và thành phố Hồ Chí Minh (6 trường).

Bộ GD-ĐT cho biết, mạng lưới các cơ sở ĐTGV cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên từ mầm non đến phổ thông. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở ĐTGV khá độc lập trong hoạt động đào tạo, chưa thật sự tạo thành một mạng lưới thống nhất, tính liên thông trong hệ thống còn yếu, chưa có sự chia sẻ nguồn lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động ĐTGV của toàn ngành.

Số lượng các trường cao đẳng sư phạm trong những năm gần đây giảm một phần do thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về tinh giản đầu mối và biên chế, và thực hiện Luật Giáo dục 2019, yêu cầu trình độ của giáo viên tiểu học và trung học cơ sở được nâng lên đại học, do đó các trường cao đẳng chỉ còn đào tạo giáo viên mầm non.

Để sử dụng hiệu quả nguồn lực, một số trường cao đẳng sư phạm trở thành phân hiệu của các trường đại học sư phạm hoặc trường đại học đa ngành hoặc sáp nhập với các trường cao đẳng địa phương.

Bài 1: Sẽ điều chỉnh toàn bộ mạng lưới, tái cấu trúc 244 cơ sở giáo dục đại học -0
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Nguồn lực nào để đảm bảo khi thực hiện quy hoạch

Có lẽ thực hiện quy hoạch cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục lần này sẽ như cuộc “cách mạng” trong giáo dục đại học.

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, một lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, quy hoạch được xây dựng trên cơ sở phương pháp tiếp cận đa chiều, toàn diện; tiếp cận tổng thể toàn hệ thống; tiếp cận liên ngành, liên vùng với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bảo đảm đáp ứng những yêu cầu phát triển trong tương lai, tích hợp giữa quy hoạch không gian các cấp độ và giữa quy hoạch không gian với quy hoạch nguồn lực.

Quy hoạch sẽ tiếp tục phát huy kết quả tích cực của những quy hoạch ở giai đoạn trước, nắm bắt bối cảnh mới với những cơ hội, khó khăn và thách thức để định hướng phát triển GDĐH và đào tạo sư phạm với tầm nhìn dài hạn, làm cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch và chính sách phát triển GDĐH và đào tạo giáo viên phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo, làm nền tảng cho định hướng phát triển GDĐH và sư phạm tại các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.        

Tuy nhiên, để thực hiện quy hoạch, một trong những yêu cầu quan trọng là bảo đảm đủ nguồn lực thế nào để đầu tư bao gồm cả nguồn lực từ Nhà nước và nguồn xã hội hóa.

Bên cạnh đó là một hệ thống các giải pháp song hành khác cần được triển khai đồng bộ như: giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; giải pháp về liên kết, hợp tác phát triển; giải pháp về giáo dục, tuyên truyền; giải pháp về hợp tác quốc tế; giải pháp về mô hình quản lý, phương thức hoạt động.

Việc thực hiện Quy hoạch sẽ điều chỉnh toàn bộ mạng lưới các cơ sở GDĐH và sư phạm trên phạm vi cả nước trong giai đoạn tới; đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDĐH và sư phạm (đặc biệt là các cơ sở công lập) phù hợp với khả năng đầu tư của ngân sách Nhà nước, đồng thời, nâng cao tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH và sư phạm.

Dự thảo quy hoạch lần này hướng đến phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH theo hướng cơ bản giữ ổn định về số lượng và cơ cấu, tập trung tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô của các cơ sở GDĐH; phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia căn cứ tiềm lực và uy tín gắn với vai trò, sứ mạng trong hệ thống GDĐH; hình thành và phát triển các mạng lưới cơ sở GDĐH theo các vùng, tiểu vùng, lấy các đại học quốc gia, đại học vùng làm hạt nhân, tạo sức mạnh tổng hợp và động lực phát triển từ liên kết vùng trong các hoạt động đào tạo.

Gắn kết với cơ sở nghiên cứu, khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để phối hợp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển vùng, phát triển địa phương; sắp xếp mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng tinh gọn, phân định vai trò, sứ mạng, căn cứ năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ giáo viên của các địa phương, từng vùng và cả nước.

Phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH quốc tế để thu hút tài năng, đào tạo chương trình chất lượng cao bằng ngoại ngữ, định hướng thị trường quốc tế; và phát triển GDĐH trên không gian số trên cơ sở chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hoạt động quản trị và đào tạo của từng cơ sở và cả hệ thống GDĐH.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH và sư phạm thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050 là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn và phức tạp. Khi hoàn thành, Quy hoạch sẽ hoà nhập với những quy hoạch khác để làm nên một tổng thể quy hoạch chung của cả nước và phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Đây cũng là cơ hội cho các địa phương đưa ra những đề xuất để Nhà nước có căn cứ xem xét, định hướng tập trung đầu tư phát triển các cơ sở GDĐH và sư phạm trên địa bàn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở này phát triển theo mục tiêu đề ra.

Đối với các bộ, ngành có các cơ sở GDĐH trực thuộc, căn cứ vào Quy hoạch này để nghiên cứu, xác định những nội dung đầu tư cần thiết, từ đó, có phương án quy hoạch phù hợp, đáp ứng yêu cầu của ngành, lĩnh vực, bảo đảm các cơ sở GDĐH có đủ nguồn lực để phát triển ở tầm khu vực và thế giới.

(Còn tiếp...!)

Hồng Hạnh
#