Chiều 4.1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị.
Thành tựu trong khó khăn
Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của Bộ GD-ĐT, năm 2022 công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo, điều hành của Bộ GDĐT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các đơn vị đã nỗ lực triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, đã triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch tổng thể của ngành Giáo dục thích ứng với tình hình dịch Covid-19. Đến thời điểm tháng 4.2022, 100% các cơ sở giáo dục được mở cửa trở lại và các hoạt động trong nhà trường cơ bản diễn ra bình thường. Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành Kế hoạch phối hợp tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em mầm non, học sinh trong các cơ sở giáo dục.
Tính đến hết ngày 25.12.2022, tỷ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 92,3%, tiêm mũi 2 đạt 73,1%; trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã tiêm mũi 1 và mũi 2 đạt 100%, tiêm mũi 3 đạt 68,6%.
Toàn ngành giáo dục đã nỗ lực khắc phục khó khăn trong điều kiện dịch bệnh, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng. Đồng thời, tham mưu và trình Chính phủ ban hành nhiều gói hỗ trợ như: gói hỗ trợ tín dụng cho học sinh, sinh viên; gói hỗ trợ tín dụng cho vay lãi suất ưu đãi đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; hỗ trợ đối với giáo viên mầm non, tiểu học trường ngoài công lập khó khăn do Covid-19; gói hỗ trợ đầu tư triển khai chuyển đổi số... nhằm chia sẻ khó khăn và hỗ trợ kịp thời các cơ sở giáo dục, giáo viên và học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tích cực triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Thẩm định và phê duyệt Chương trình giáo dục tích hợp, danh mục sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10; phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 3; sách giáo khoa và tài liệu hướng dạy học tiếng dân tộc thiểu số lớp 1, lớp 2; hướng dẫn các địa phương tổ chức lựa chọn sách giáo khoa chuẩn bị triển khai năm học 2022-2023.
Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng cao. Trong bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 được công bố cuối tháng 4.2022, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Có 38/38 lượt học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế đều đoạt giải, trong đó có 13 Huy chương Vàng.
Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 bảo đảm nghiêm túc, công bằng và an toàn. Tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng bảo đảm công khai, minh bạch, đáp ứng nhu cầu chính đáng của thí sinh với đột phá về chuyển đổi số thông qua việc triển khai đồng bộ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học theo hình thức trực tuyến.
Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh tự chủ đại học. Đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỷ lệ 90,6%). Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.
Phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022-2026; đồng thời hướng dẫn các địa phương tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông cho năm học 2022-2023, trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Chủ động mở rộng hợp tác song phương, đa phương; tăng cường hợp tác và đầu tư với nước ngoài; tổ chức thành công chuỗi Hội nghị Bộ trưởng, quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN với vai trò Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022-2023 với chủ đề xuyên suốt “Nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực ASEAN và hơn thế nữa trong bối cảnh mới”.
Năm 2023 đột phá về chất lượng
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá, năm 2022 là một năm nhiều việc, khó khăn lớn và thách thức cao với Bộ GD-ĐT và toàn ngành, song các mục tiêu, yêu cầu, chỉ số, những công việc lớn, quan trọng và chủ yếu đã hoàn thành, trong đó có những việc hoàn thành xuất sắc, có những việc kết quả nội trội.
Nhắc lại một năm đầy thách thức do dịch bệnh mà những tác động với giáo dục là không thể đo được và một số việc cụ thể đã làm trong năm 2022 như: triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở 6 lớp với 3 cấp học; thực hiện nhiều trách nhiệm giải trình; xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới; cải thiện chất lượng ban hành văn bản; củng cố uy tín và niềm tin của xã hội với ngành… Bộ trưởng khẳng định: “Một kết quả nhỏ trong bối cảnh khó khăn đáng giá hơn rất nhiều so với điều kiện bình thường”.
Từ những nỗ lực và kết quả đạt được, cũng như những việc còn tồn tại cần khắc phục, Bộ trưởng lưu ý về những công việc cần làm của năm 2023. Trong đó, trước hết cần cố gắng thực hiện yêu cầu từ kết quả của các đoàn thanh tra, kiểm tra, với tinh thần xử lý dứt điểm, không né tránh.
Xác định năm 2023 khối lượng công việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ rất lớn và thách thức sẽ nhân lên, do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh quyết tâm phải đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng tốt nhất. “Đây là nhiệm vụ chính trị nên dứt khoát phải làm tốt”, Bộ trưởng nói, đồng thời cũng yêu cầu cần làm tốt công tác giải trình với các đoàn giám sát về giáo dục và đào tạo trong năm 2023.
Về thể chế, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT quyết tâm rà soát, điều chỉnh một số nội dung như hỗ trợ cho sinh viên sư phạm, học phí, tự chủ đại học... và triển khai xây dựng Luật Nhà giáo. Cùng với đó là quyết tâm thực hiện công tác quy hoạch với việc hoàn thành quy hoạch hệ thống giáo dục đại học và quy hoạch hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm.
Là một trong những đơn vị làm tốt công tác chuyển đổi số trong năm 2022, Bộ trưởng yêu cầu công tác này cần được làm tốt hơn nữa trong năm 2023, trong đó tập trung vào việc quản trị hệ thống, triển khai mô hình giáo dục số tại một số trường đại học, cơ sở dữ liệu mở của ngành, công tác tuyển sinh, tăng cường chuyển đổi số hỗ trợ sau dịch bệnh…
Với một hệ thống hạ tầng giáo dục còn nhiều khó khăn ở cả bậc mầm non, phổ thông, đại học, Bộ trưởng cho rằng cần có đột phá, bởi khi hệ thống giáo dục đại học còn nghèo sẽ khó tăng chất lượng. Cùng với những kiến nghị, đề xuất về tăng cường đầu tư cho giáo dục đại học, Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị trực thuộc Bộ về tiến độ giải ngân đầu tư công, đảm bảo đầu tư hiệu quả.
Khẳng định, năm mới thách thức còn nhiều ở phía trước nhưng thách thức cũng là cơ hội để tiếp tục phát triển, Bộ trưởng tin tưởng “với tiềm năng, quyết tâm, khát vọng phát triển, với tinh thần nhân văn và trách nhiệm, chắc chắn chúng ta sẽ làm tốt những công việc của năm mới”.