Những cách làm hiệu quả trên được minh chứng rõ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn mới đây của Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý giai đoạn 2018 - 2023; việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Thị Thúy Nga, chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh đã có nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ công tác phục vụ phiên chất vấn. Đáng chú ý, kết quả khảo sát, giám sát của 2 Ban HĐND về các nội dung chất vấn đã được xây dựng thành phóng sự hình ảnh trình chiếu tại phiên họp với những hình ảnh, số liệu cụ thể, sinh động về thực trạng, đưa “hơi thở” cuộc sống vào nghị trường để cùng làm rõ tại phiên họp.
Giảm 2.889 biên chế sự nghiệp
Với sự chuẩn bị chu đáo, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên diễn ra sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm. Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận trong sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay tỉnh đã hoàn thành 23/34 nhiệm vụ (đạt 67,65% theo kế hoạch). Về quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đã hoàn thành 4/4 nhiệm vụ (đạt 100% theo kế hoạch). Trong sắp xếp, quản lý, sử dụng cơ sở vật chất của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn, đã sắp xếp và xử lý tài sản công đối với 603 trên tổng số 786 đơn vị. Về thực hiện tinh giản biên chế, giai đoạn 2018 - 2021, đã giảm 2.889 biên chế sự nghiệp đạt 10,3% (vượt so với kế hoạch). Trong quản lý và sử dụng biên chế, tỉnh đã quan tâm đổi mới, phân cấp cho các sở, ngành, UBND cấp huyện chủ động tuyển dụng, đến hết năm 2023 đã tuyển dụng được 2.489 viên chức; việc giao quyền tự chủ đã được thực hiện bảo đảm phù hợp.
Thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng về thực phẩm an toàn cơ bản được nâng lên; công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm từng bước được cải thiện, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm, thay đổi hành vi. An toàn thực phẩm cơ bản được kiểm soát, không để xảy ra các vụ ngộ độc đông người, góp phần bảo vệ sức khỏe Nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tạo đồng thuận trong sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập, để đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập, kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên đề nghị UBND tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc làm tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Qua đó, tạo thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao trong việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đỗ Đức Công nhấn mạnh.
Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh khẩn trương sắp xếp đối với những đơn vị qua rà soát đã đủ điều kiện hoặc ngay sau khi có hướng dẫn của Trung ương, bảo đảm cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong của các đơn vị theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối. Trong đó, xem xét sớm sáp nhập Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội vào Bệnh viện Phục hồi chức năng trực thuộc Sở Y tế, bảo đảm hoàn thành trong quý I.2025.
Cùng với đó, UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và tổ chức thực hiện việc sắp xếp đối với 183 cơ sở nhà đất do đơn vị sự nghiệp công lập quản lý theo phương án để kịp thời đưa các cơ sở nhà đất này vào khai thác, sử dụng, không để hoang hóa, lãng phí, bảo đảm hoàn thành xong trong năm 2025.
Ưu tiên chỉ tiêubảo đảm an toàn thực phẩm
Để thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm, Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên đề nghị UBND tỉnh quan tâm nghiên cứu, bổ sung các chỉ tiêu, nhiệm vụ về bảo đảm an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Coi đây là chỉ tiêu cần được ưu tiên thực hiện và xem xét, đánh giá thi đua của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu các cấp, các ngành - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đỗ Đức Công yêu cầu.
UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ, ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, chế biến. Xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị kết nối sản xuất nông nghiệp với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, ưu tiên dành kinh phí thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nhất là đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm. Chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm để hạn chế thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm có chứa chất cấm, nhất là tại các bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, khu vực cổng trường học... Cùng với đó, nghiên cứu có biện pháp quản lý an toàn thực phẩm đối với việc quảng cáo, kinh doanh thực phẩm trên các nền tảng mạng xã hội.