Thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW, ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị Khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Sóc Trăng đã tận dụng điều kiện thuận lợi và tiềm năng, tài nguyên du lịch hiện có để tập trung xây dựng, phát triển các loại hình du lịch đặc trưng như: du lịch tâm linh, du lịch văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch biển.
Đặc biệt, mỗi năm Sóc Trăng có hàng chục lễ hội lớn nhỏ mang đặc trưng riêng của các dân tộc. Hoạt động tổ chức các lễ hội truyền thống của tỉnh đi vào nề nếp, phát huy truyền thống văn hóa của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, quy mô các lễ hội ngày càng được nâng lên như Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo, Tết Chôl Chnăm Thmây, Lễ cúng Phước Biển, Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Thắc Côn, Lễ Dâng Bông, Ngày hội du lịch sông nước miệt vườn ở Sóc Trăng…
Những trải nghiệm thú vị với lễ hội của đồng bào Khmer
Lễ cúng Phước Biển còn được biết đến với tên gọi khác là Chrôium Check. Đây là lễ hội dân gian của đồng bào Khmer sinh sống tại thị xã Vĩnh Châu. Lễ hội mang ý nghĩa tạ ơn biển cả đã cho con người nguồn hải sản dồi dào và cầu nguyện ngư dân đi biển được bình an, may mắn, thu hoạch được nhiều cá tôm.
Lễ cúng Phước Biển được tổ chức vào ngày 14 - 15.2 âm lịch hàng năm. Trong suốt hai ngày hai đêm, lễ hội thực hiện với rất nhiều nghi lễ trang trọng. Đầu tiên sẽ là lễ rước tượng Phật từ chùa Cà Săng tới điểm làm lễ. Sau đó đến lễ cầu siêu được thực hiện theo nghi thức Phật giáo. Các vị sư sãi sẽ cúng tụng kinh để cầu quốc thái dân an, thỉnh pháp sư thuyết giáo cho bà con.
Đêm thứ hai có thêm lễ an vị Phật. Du khách đến Vĩnh Châu dịp này sẽ được chứng kiến và tham gia các trò chơi dân gian như đua ghe Ngo trên cạn, đẩy xiệp, thi lượm củ hành, múa gà, múa khỉ cổ truyền, thi văn nghệ, đấu bóng đá, bóng chuyền, kéo co, thả diều...
Vì vậy, trải nghiệm lễ hội này ở Sóc Trăng sẽ mang đến cho du khách nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Qua Lễ cúng Phước biển, đồng bào Khmer và người dân Sóc Trăng sẽ đón Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ hội mừng năm mới. Đây là một trong ba lễ hội quan trọng nhất trong đời sống tinh thần của người Khmer Nam Bộ, là dịp tưởng nhớ ông bà tổ tiên và tạ ơn đức Phật đã che chở để một năm trôi qua yên ấm, suôn sẻ.
Tết Chôl Chnăm Thmây được tổ chức theo lịch riêng của người Khmer, vào khoảng tháng 4 dương lịch. Ngày thứ nhất gọi là Chôl Sangkran Thmây để đón năm mới. Mọi người cùng nhau tắm gội, mặc quần áo đẹp, mang theo nhang đèn, hoa quả để đến chùa làm lễ rước, tiễn hết những điều xấu của năm cũ, chào đón năm mới.
Ngày thứ hai, người dân sẽ làm lễ Wonbơf, là lễ dâng cơm và đắp núi cát. Các gia đình sẽ tự làm cơm để dâng lên các vị sư sãi ở chùa vào buổi sáng và trưa. Chiều đến, họ cùng nhau đắp núi cát để cầu nguyện cho mưa gió thuận hòa.
Ngày thứ ba là Lơm Săk mang ý nghĩa biết ơn đức Phật, người dân sẽ làm lễ tắm tượng Phật để tỏ lòng biết ơn đức Phật và chuẩn bị đón năm mới với nhiều điều may mắn.
Tương truyền, kể từ khi biết trồng lúa nước, người dân Khmer đã có Lễ Oóc Om Bóc hay có tên gọi khác là Lễ cúng Trăng. Lễ hội này được đồng bào Khmer tổ chức vào ngày Rằm Khe Ka-đâk (tức 15.10 âm lịch). Đây là dịp để họ tạ ơn Thần Mặt Trăng đã giúp quản lý mùa màng, giúp cây lúa tốt tươi, thóc về đầy bồ.
Lễ vật dâng là những nông sản vừa thu hoạch, đặc biệt không thể thiếu cốm dẹp. Mâm cúng được bày giữa trời đất khi trăng vừa lên. Sau khi khấn cầu, những đứa trẻ sẽ được gọi lên ăn cốm dẹp và gửi ước muốn đến mặt trăng.
Sự kiện thu hút đông đảo du khách và người dân Sóc Trăng nhất tại Lễ hội Oóc Om Bóc là cuộc đua ghe Ngo nhằm cầu mong cho một năm trồng trọt, chăn nuôi đạt năng suất cao.
Ghe Ngo có hình dạng giống rắn Naga trong Hindu giáo, có chiều dài khoảng từ 25 - 30m, chiều rộng khoảng 1,1m. Hai đầu ghe cong lên tạo hiệu ứng khi bơi trông như một con rắn đang trườn mình trên mặt nước. Lễ hội đua ghe Ngo Sóc Trăng gắn liền với lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân Khmer, phản ánh khát vọng cuộc sống bình an, phồn thịnh thông qua việc khấn cầu vị thần Mặt Trăng và tổ chức đua ghe.
Lễ hội đua ghe Ngo Sóc Trăng cũng phần nào nói lên sự gắn bó mật thiết của con người với môi trường tự nhiên, nhằm bày tỏ lòng tri ân và cầu xin thần linh tha thứ về những việc làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ngoài ra, Lễ hội còn đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng, góp phần giáo dục về sự đoàn kết, tinh thần kỷ luật và rèn luyện khả năng chịu đựng giúp con người phát triển toàn diện về cả đức lẫn tài.
Lễ hội đua ghe Ngo của người Khmer tỉnh Sóc Trăng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, Đặc biệt, tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V năm 2022, Tổ chức Guinness Việt Nam đã trao quyết định và bằng công nhận Kỷ lục Guinness "Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng có số lượng ghe ngo và vận động viên đông nhất Việt Nam" từ năm 2005 đến nay. Đây là niềm vinh dự và tự hào to lớn của người dân tỉnh Sóc Trăng nói chung, của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng.
Sôi động với lễ hội của người Hoa, người Kinh
Là vùng đất giao thoa giữa các nền văn hóa, lễ hội ở Sóc Trăng diễn ra quanh năm. Lễ hội của người Kinh, người Hoa cũng được tổ chức rộn ràng, trong đó Lễ Đấu đèn của người Hoa là một trải nghiệm thú vị.
Lễ Đấu đèn của người Hoa ở Sóc Trăng thường diễn ra tại chùa Ông Bổn tọa lạc tại số 9 đường Nguyễn Văn Trỗi, khóm 1, phường 1, thành phố Sóc Trăng. Đây cũng là di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo thu hút nhiều khách tham quan. Vào Tết Nguyên tiêu hàng năm, chùa Ông Bổn sẽ tổ chức đấu đèn (đấu giá đèn lồng của người Hoa).
Tuy chiếc đèn lồng có giá trị không cao, nhưng giá trị về mặt tinh thần cầu làm ăn kinh doanh được “thuận buồm, xuôi gió” và ngày càng phát đạt, gia đình mạnh khỏe, nên giá trị của mỗi chiếc đèn lồng có thể lên đến vài chục, thậm chí vài trăm triệu đồng. Mỗi chiếc đèn đều mang một câu chúc phúc như: “Hợp gia bình an”, “Sanh ý hưng long”, “Tài nguyên quản tấn”, “Kim ngọc mãn đường”.
Hàng năm, Ban Quản trị chùa tổ chức Lễ Đấu đèn vừa làm tăng không khí đón mừng năm mới, vừa gắn kết tinh thần giúp đỡ, đoàn kết của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Số tiền đấu đèn và quyên góp từ tấm lòng của những người tham gia sẽ được dùng để tu bổ chùa và giúp đỡ người nghèo. Lễ hội đấu đèn vì thế mang ý nghĩa to lớn với du khách thập phương, mong muốn được chia sẻ may mắn, phúc lộc cho người khó khăn hơn mình, và chùa Ông Bổn là một trong những điểm đến ngày càng thu hút nhiều du khách.
Một trong những lễ hội đặc sắc của dân tộc Kinh ở tỉnh Sóc Trăng là Lễ hội Nghinh Ông diễn ra ngày 21.3 âm lịch hàng năm tại vùng biển Kinh Ba, thuộc địa phận huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Theo quan niệm của người dân tại đây, Cá Ông là vị thần luôn che chở và giúp ngư dân bình an để đánh bắt trên biển. Nếu ra khơi gặp gió bão chỉ cần thành tâm cầu khấn Cá Ông, ngư dân sẽ được phù hộ để về bờ an toàn. Vì vậy, khi Cá Ông trôi dạt vào bờ, ngư dân tại đây đã vớt lên chôn cất, lập đền thờ phụng. Hiện nay, Lăng Ông Kinh Ba đang lưu giữ và trưng bày hai bộ hài cốt của hai Cá Ông lớn và nhỏ.
Lễ hội Nghinh Ông gồm có hai phần chính là lễ rước kiệu tướng quân Nam Hải và lễ tế truyền thống. Trên tàu chính được trang bị nhạc, trống, múa lân, kiệu, cờ, lọng, đồ cúng tế rất trang trọng. Khi đoàn tàu ra đến cửa biển, trống, kèn nổi lên, ngư dân cầu nguyện, cúng bái “xin keo” rồi quay trở về. Ngoài ra còn có các lễ thỉnh Bà, cúng Chánh Tế, cúng Tiền Vãng, Xây chầu, hát bộ cúng Ông và không kém phần quan trọng kết thúc chương trình lễ là Lễ Tôn Vương.
Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải đã trở thành nét văn hóa dân gian đặc sắc của các thế hệ ngư dân địa phương, là lễ hội tín ngưỡng dân gian của người dân vùng biển Trần Đề đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2019, là niềm tự hào của người dân Trần Đề nói riêng và của Sóc Trăng nói chung.
Cùng với các lễ hội, các di sản văn hóa đã được công nhận, tỉnh Sóc Trăng còn có nhiều di tích lịch sử, các ngôi chùa mang kiến trúc nghệ thuật độc đáo, các cụm, điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch biển với các dịch vụ vui chơi, trải nghiệm hấp dẫn; các làng nghề truyền thống; cùng các món ăn đặc sản đã trở thành thương hiệu riêng của tỉnh như bánh pía, bánh cống, bún nước lèo… Tất cả tạo cho tỉnh Sóc Trăng nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch, vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lễ hội, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.