Hóa giải ngay từ cơ sở
“Tỉnh thống nhất chủ trương, nhưng nếu cán bộ chủ chốt ở cơ sở không chủ động và sáng tạo thì không thể thành công được”. Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ “bí quyết” giản dị để Yên Bái hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn liên quan đến bộ máy và con người. Mỗi đơn vị, địa phương có những đặc thù riêng. Nếu không sâu sát, có giải pháp phù hợp thì chủ trương đúng cũng vẫn khó đi vào cuộc sống.
Một tỉnh miền núi còn khó khăn, nhưng khi chọn thu hút đầu tư và cải cách tổ chức bộ máy hành chính làm khâu đột phá là Yên Bái đã nhìn thấy lối ra phía trước. Quyết tâm lớn là thế nhưng làm thế nào để đồng thuận? Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch về những việc cần làm ngay để khắc phục những khó khăn, khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình hằng năm. Trong đó, phân công rõ nhiệm vụ từng thành viên với đầu việc cụ thể. 6 tháng một lần tổng kết, đánh giá, nhắc nhở, phê bình, đôn đốc các khâu còn vướng. Cán bộ nào cũng lo lắng công việc thì sẽ tự khắc có giải pháp thúc đẩy thôi!
Nâng cao vai trò trách nhiệm cá nhân, phát huy sáng kiến từ cơ sở, tỉnh đã gỡ dần những khó khăn, vướng mắc, tạo đà giải quyết đồng bộ những vấn đề về bộ máy và con người. Yên Bái đã có những bài học thấm thía, thậm chí cả những trải nghiệm xót xa về công tác cán bộ, công tác tư tưởng. Không để chuyện nhỏ làm hỏng việc lớn, vì lợi ích của người dân, nâng tầm công tác cán bộ để mỗi cán bộ đều phải làm gương, dốc lòng vì cái chung…
Đưa cán bộ rời khỏi vị trí quản lý vì mục tiêu sắp xếp, tinh giản bộ máy, chắc chắn người đứng đầu phải chịu nhiều sức ép? Có điện thoại, thư tay, có nỉ non giãi bày, thậm chí có bức xúc dồn nén hay không? Trả lời những câu hỏi ấy, từ lãnh đạo cao nhất của Tỉnh đến giám đốc các sở ngành, bí thư các huyện thị mà chúng tôi tiếp xúc đều trả lời rằng cũng có, nhưng khi cơ sở giải quyết công tâm và công khai rồi, tư tưởng dần thông rồi thì sức ép không bị đẩy lên thêm nữa. Hơn thế, khi làm tốt công tác tuyên truyền, mọi người đều hiểu đây là chủ trương chung, phải làm vì hiệu quả của cả bộ máy nên không ai còn tư tưởng “chạy chọt”, tác động làm gì nữa. Sự công tâm đã tạo nên sức mạnh, biến quyết tâm thành hành động.
Riêng việc giảm bớt 84 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ban, ngành, đồng nghĩa với đưa 84 “ông” giám đốc rời vị trí đủ thấy khó khăn, phức tạp như thế nào. Trong khi thực tế hơn hai năm qua, Yên Bái giảm 308 cơ quan, đơn vị, thu gọn 73 đầu mối. Cùng với đó, 321 cán bộ lãnh đạo cấp trưởng và 522 cán bộ quản lý cấp phó phải sắp xếp, 1.630 viên chức diện dôi dư phải giải quyết.
Chỉ một thời gian chưa dài, cả khối lượng công việc lớn và phức tạp đã được giải quyết bài bản, kĩ lưỡng với quy trình chặt chẽ. Động vào con người là chuyện khó, nhưng nếu không có đột phá làm sao giải được bài toán cải cách bộ máy hành chính, tinh giản biên chế như mục tiêu đã đề ra?
Bí quyết “nhân hòa”
Liệu có trường hợp “té nước theo mưa”, thực hiện chủ trương sáp nhập và tinh giản để vì lợi ích phe cánh hay không?”
Chia sẻ với băn khoăn này của chúng tôi, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, lợi dụng vì mục đích cá nhân thì chưa thấy nhưng cũng có trường hợp chưa phát huy được dân chủ, chọn người thiếu tầm nên có đơn thư khiếu nại. Thường trực Tỉnh ủy đã giao cho Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Tổ chức Tỉnh ủy trực tiếp tìm hiểu, lắng nghe và giải quyết kịp thời. “Trong cả mấy trăm đầu mối phải sáp nhập, giảm bớt, chỉ có 5 - 7 nơi có đơn thư. Thế cũng là chuyện bình thường vì khi phát sinh vấn đề, cán bộ, người dân gửi kiến nghị chính là thể hiện niềm tin vào cấp ủy và chính quyền. Điều quan trọng là, những kiến nghị đều đã được làm rõ, giải quyết thấu đáo, không để âm ỉ kéo dài. Nhiều trường hợp là bài học quý nhằm rút kinh nghiệm chung và triển khai bước tiếp theo cho chặt chẽ và hiệu quả. Vẫn phải làm tốt công tác tư tưởng, tránh tâm lý thỏa mãn”.
Những kết quả đạt được vừa qua mới là khởi đầu. Còn rất nhiều việc Yên Bái đang tiếp tục triển khai để sau sáp nhập bộ máy, sau tinh giản biên chế thì chất lượng, hiệu quả công việc phải được nâng lên. Với các điểm trường chính, phải đầu tư khang trang hơn, tạo thuận lợi cho thầy cô và các em học sinh đến lớp. Vẫn còn một số điểm trường chính hơi xa, quỹ đất còn eo hẹp, vốn đầu tư hạn chế. Yên Bái sẽ tập trung nguồn lực giải quyết các vấn đề này để nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh. Hay với các Trung tâm Y tế huyện sau khi sáp nhập cũng phải đầu tư đồng bộ để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ Trung tâm Y tế đa năng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho bà con vùng cao vốn còn nhiều khó khăn... Trong thời gian tới, Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ đề án hợp nhất Ban Tổ chức cấp ủy với phòng nội vụ huyện, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy với Thanh tra huyện, nhất thể hóa chức danh Trưởng ban Dân vận với chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện; tiếp tục triển khai Đề án Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy và Đề án hợp nhất Văn phòng HĐND tỉnh với Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng UBND tỉnh. Một nhiệm vụ quan trọng nữa là tiếp tục giảm cấp phó các cơ quan đã sáp nhập theo đúng quy định và nghiên cứu thi tuyển một số chức danh thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy…
Tiếp xúc với cán bộ, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Yên Bái có thể cảm nhận rõ sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện một chủ trương rất lớn, rất khó của Đảng và Nhà nước. Điều thú vị, Yên Bái là nơi nhiều cán bộ từ trung ương được điều động, luân chuyển đến như chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng... Người cũ, người mới, nhưng sự phối hợp, tạo điều kiện của tập thể lãnh đạo, tinh thần chung sức, chung lòng hoàn thành nhiệm vụ là thực tế đã được khẳng định.
Yên Bái, mảnh đất nhiều mưa nắng, còn đó những thách thức, khó khăn nhưng cũng tràn đầy quyết tâm và khát vọng vươn lên. Thành công bước đầu trong cải cách bộ máy, tinh giản biên chế ở tỉnh cửa ngõ Tây Bắc này còn cho thấy một bài học quý giá hơn, đó là, khi đã công tâm, công khai và hài hòa nhân tâm thì việc khó mấy cũng thành!