Không làm đơn lẻ, phải bắt đầu từ công tác tư tưởng và nhận thức - đó là điều chúng tôi được nghe nhiều lần khi tìm hiểu về công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính, tinh giản biên chế ở Yên Bái. Khó khăn, thách thức còn nhiều, nhưng sự thống nhất về nhận thức, sáng tạo trong cách làm cùng với quyết tâm của những người “đứng mũi, chịu sào” đã đưa Yên Bái trở thành một trong những địa phương đi đầu thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương.
Những con số ấn tượng
Tính đến tháng 8.2018, Yên Bái đã thực hiện sắp xếp, thu gọn được 381 đầu mối và tổ chức bên trong các cơ quan, đơn vị cấp sở, ngành (bằng 23,95% tổng số đầu mối tổ chức, cơ quan, đơn vị ở thời điểm năm 2015). Tỉnh cũng đã tiến hành thí điểm một số mô hình tổ chức mới ở 9/9 huyện, thị xã, thành phố như: Hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng hội đồng nhân dân - ủy ban nhân dân; hợp nhất ban tổ chức cấp ủy với phòng nội vụ, ủy ban kiểm tra cấp ủy với thanh tra; thực hiện mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trước cả thời điểm Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 34 về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW; sắp xếp thôn, bản, tổ dân phố tại huyện Trấn Yên và thị xã Nghĩa Lộ (2/9 đơn vị hành chính cấp huyện), sau sắp xếp giảm 72 thôn, bản, tổ dân phố; tiếp tục sắp xếp giảm 913 thôn, bản, tổ dân phố các huyện, thành phố còn lại trong năm 2018.
Về tinh giản biên chế, tính từ đầu năm 2016 đến hết tháng 8.2018, toàn tỉnh đã tinh giản được 3.703 biên chế công chức, viên chức, bằng 13,71 % biên chế được giao năm 2015. Một số huyện như Văn Yên, Trấn Yên…, việc sắp xếp cấp trưởng, phó đơn vị thực hiện ngay trong năm 2018, bảo đảm mỗi đơn vị chỉ có 2 cấp phó chứ không cần “du di” thời gian để thực hiện chính sách với các trường hợp “đặc thù” theo quy định.
Với một tỉnh thu ngân sách mỗi năm chỉ hơn 2.500 tỷ đồng, việc tiết kiệm tới 925 tỷ đồng trong hơn 2 năm qua từ việc sắp xếp, tinh giản bộ máy là một con số ấn tượng. Mỗi năm, Yên Bái có thêm hàng trăm tỷ đồng bổ sung cho đầu tư, phát triển, xây sửa trường lớp, nâng cấp cơ sở y tế, đầu tư đường giao thông... Bộ máy tinh gọn, bớt chồng chéo, đồng nghĩa với việc người dân và doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong các thủ tục hành chính, thầy trò đến lớp có cơ sở vật chất khang trang hơn, bớt các điểm trường heo hút, khuất nẻo, phòng học tạm bợ… Qua hơn 2 năm triển khai, Yên Bái không phát sinh khiếu kiện phức tạp, dù việc tinh giản tới hơn 3.000 biên chế là không đơn giản.
Trong số 381 đầu mối được sắp xếp, thu gọn có 308 đầu mối được cắt giảm và 73 đầu mối được thu gọn. Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy giảm 1 đơn vị sự nghiệp; Văn phòng UBND tỉnh, Sở Công thương, Sở Lao động, Thương binh và xã hội, Sở Tư pháp, Sở Khoa học và Công nghệ giảm 3 phòng; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giảm 4 phòng chuyên môn. Sở Y tế giảm 16 đơn vị thuộc sở và 18 trạm y tế ở cơ sở… Ở cấp huyện, giảm 196 đơn vị.
Nhiều cách làm sáng tạo
Vì sao Yên Bái làm tốt việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế trong khi không ít nơi vẫn còn tình trạng chần chừ, vừa làm vừa “ngó trước, trông sau”?
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy khẳng định, mỗi tỉnh đều có cách làm riêng, nhưng với Yên Bái, kinh nghiệm là phải công tâm và công khai. Ngay từ năm 2015, tỉnh đã xác định việc cải cách bộ máy, tinh giản biên chế là việc phải làm và triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất. “Tỉnh ủy có nghị quyết chuyên đề, triển khai quán triệt đến từng đảng viên, cán bộ ở cơ sở. Chúng tôi cho thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, phân định rõ nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể. Mọi việc công khai, tư tưởng thông suốt nên triển khai thuận lợi. Đặc biệt, cán bộ chủ chốt các sở, ngành, huyện, thị đều rất quyết tâm, nhiều sáng kiến được phát huy chứ không có tình trạng cầm chừng hay trông chờ ỷ lại…”, ông Đỗ Đức Duy nói.
Bí thư Huyện ủy huyện Văn Yên Trần Huy Tuấn thì cho rằng, quan trọng là phải tuân thủ sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, thực hiện đúng nguyên tắc của Đảng và quy định của pháp luật. Các vị trí lãnh đạo bố trí khi sáp nhập, tinh giản đều trên cơ sở quy hoạch đã ban hành. Khi đã tiến hành chặt chẽ, công tâm thì dư luận rất thuận lợi. Thậm chí có cả những trường hợp tự nguyện xin thôi chức để bảo đảm số lượng cấp phó mỗi đơn vị không quá 2 người. Thế nên Văn Yên bảo đảm đúng số lượng 1 trưởng, 2 phó cho tất cả các đơn vị mà không cần chờ 3 năm như gia hạn của tỉnh.
Trong lĩnh vực y tế, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái Trần Lan Anh chia sẻ, Sở đã xác định rõ đặc thù từng tuyến, từng đơn vị để có cách làm phù hợp. “Sau sắp xếp, chất lượng khám chữa bệnh phục vụ nhân dân phải tốt lên. Gắn tinh giản biên chế với chính sách thu hút nhân tài, liên kết với các bệnh viện Trung ương để nâng cao chất lượng cán bộ ngành y tế của tỉnh”. Nhờ cách làm chặt chẽ, đến nay Yên Bái đã hoàn thành hợp nhất các trung tâm y tế với bệnh viện đa khoa tuyến huyện, giảm 18 đầu mối trạm y tế xã. Riêng hai Trung tâm Y tế Văn Chấn và Nghĩa Lộ vẫn được duy trì do đặc điểm địa bàn đông dân cư và cách xa nhau.
Với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái - nơi có nhiều đầu mối phải thu gọn lại có cách làm sáng tạo riêng. Theo Giám đốc Sở Trần Thế Hùng, Sở quán triệt tinh thần chỉ đạo của tỉnh là làm chậm và chắc từng giai đoạn, lấy hiệu quả làm gốc chứ không làm kiểu ồ ạt, phong trào. Từ năm 2016 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giảm được 6 phòng, ban trực thuộc, giảm 19 phòng thuộc các Chi cục Kiểm lâm, Bảo vệ thực vật. Các đơn vị sự nghiệp chuyển mạnh sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Các hạt kiểm lâm huyện sáp nhập gọn lại, tăng nguồn lực và hiệu quả bảo vệ rừng.
“Có trường hợp nào sắp xếp nhân sự mà anh thấy căng thẳng không?” - Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Trần Thế Hùng hóm hỉnh: “Tôi xuống họp từng đơn vị, quán triệt việc tinh giản, sắp xếp lại là cần thiết và là yêu cầu của tổ chức phải làm. Các anh thử ngồi vào vị trí giám đốc như tôi xem có cách nào khác không? Cũng có vị lừng khừng, kêu khó, tôi đề nghị “ông” cứ kê đầu việc ra xem hàng tuần, hàng tháng đã làm được những gì, việc nhiều hay ít? Phải cụ thể, chi tiết như thế để thấy, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là việc của tất cả mọi người chứ không phải chỉ của cấp ủy và thủ trưởng cơ quan”. Dẫu vậy, ông Trần Thế Hùng cũng cho rằng, khi tiến hành sáp nhập, giảm bớt đầu mối chung thì cần linh hoạt, bộ phận nào cần vẫn cho thành lập, không nên cứng nhắc. “Ví dụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có phòng xúc tiến thương mại nông sản, chịu trách nhiệm đầu ra cho nông nghiệp. Vậy thì phải có bộ phận chịu trách nhiệm chứ? Có giảm, có tăng theo yêu cầu công việc, miễn tổng số đầu mối giảm theo chỉ tiêu là được”.
Với cách làm như thế, từ năm 2016 đến nay, ngành nông nghiệp Yên Bái đã giảm được 12% tổng số biên chế. Việc hoàn thành giảm 20% tổng số biên chế đến năm 2021 như mục tiêu đặt ra cũng là việc trong tầm tay!
_________________
* Đón đọc số sau: