
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, chuyên đề 2 nhằm cung cấp một số thông tin về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội chủ yếu từ Khóa XIV đến nay. Nội dung chuyên đề dược xây dựng trên cơ sở nghiên cứu Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội” theo Kết luận số 843 – KL/ĐĐQH15, ngày 3.8.2022 của Đảng đoàn Quốc hội, các báo cáo về kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội; những kiến nghị, giải pháp đưa ra khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong hoạt động giám sát của Quốc hội; tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, giải pháp về đổi mới nhận thức đối với hoạt động giám sát của Quốc hội theo hướng, xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt. Hoạt động giám sát của Quốc hội bám sát các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong Nghị quyết, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; bám sát tình hình thực tế của đất nước, những vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân và cử tri; cung cấp thông tin thực tiễn để hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật, tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Nhận thức rõ vị trí, vai trò của hoạt động giám sát của Quốc hội là một trong các phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước; vai trò, trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát…
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý các giải pháp về hoàn thiện thể chế như: sửa đổi một số quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và cho biết, hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang chỉ đạo việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Phân công Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; đồng thời là cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo luật, phấn đấu trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy. Bên cạnh đó, xem xét sửa đổi một số quy định của Quy chế hoạt động giám sát của Quốc hội; nghiên cứu, đánh giá, tổng kết Nghị quyết 85/2014/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư.
Quan trọng nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai các hoạt động giám sát. Thực hiện tăng cường giám sát của Quốc hội để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn, qua Hội nghị, các đại biểu sẽ lĩnh hội được thêm nhiều thông tin, kinh nghiệm bổ ích, góp phần thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, thực sự xứng đáng là người đại biểu tin cậy của nhân dân, đóng góp tích cực vào thành công chung, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, hoạt động của HĐND trong thời gian tới.