Ban Pháp chế HĐND huyện Tiên Du

Đổi mới hoạt động, phối hợp hiệu quả

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 05:51 - Chia sẻ
Những năm qua, Ban Pháp chế, HĐND huyện Tiên Du luôn chú trọng đưa nội dung giám sát về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố vào chương trình giám sát của Ban hàng năm. Đồng thời, có những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, góp phần nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan công an trên địa bàn.
Trung tâm thị trấn Lim, huyện Tiên Du
Nguồn: ITN

Phát huy hiệu quả phối hợp 

Để thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát đối với công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, Ban Pháp chế HĐND huyện Tiên Du đã chú trọng thực hiện chặt chẽ hoạt động thẩm tra, báo cáo của công an trình kỳ họp. Trước khi tổ chức hội nghị thẩm tra, Ban đã phân công thành viên nghiên cứu báo cáo; tiến hành thẩm tra khách quan, dân chủ về kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bám sát vào hoạt động kiểm sát của Viện Kiểm sát cùng cấp. Đây là kênh thông tin chính thống, hữu ích để Ban có thể kiểm chứng thông tin giữa cơ quan Viện kiểm sát và Công an; tập trung thảo luận, xây dựng, ban hành báo cáo khách quan.

Từ nhận định, đánh giá của Ban trong báo cáo thẩm tra, cơ quan Công an đã tiếp thu, phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Thông qua báo cáo thẩm tra của Ban, tạo cơ sở để các đại biểu HĐND nghiên cứu, lựa chọn nội dung chất vấn có trọng tâm, trọng điểm; có cơ sở, tính phản biện, làm cho hoạt động chất vấn tại kỳ họp có hiệu quả cao hơn; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Ban Pháp chế và tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của cơ quan công an huyện.

Để mỗi cuộc giám sát có chất lượng, các thành viên trong đoàn giám sát dành thời gian nghiên cứu quy định pháp luật liên quan đến công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, đặc biệt là pháp luật về tố tụng hình sự; nghiên cứu báo cáo của các đơn vị chịu sự giám sát, xem xét về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các văn bản, công tác tuyên truyền. Về kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện của cơ quan chịu sự giám sát; từ đó, đối chiếu, so sánh đánh giá, nhận định và chuẩn bị tốt nhất các ý kiến trong buổi giám sát. 

Sau giám sát, Ban đều ban hành báo cáo, kiến nghị với cơ quan chịu sự giám sát, các cấp, các ngành liên quan; theo dõi, giám sát việc thực hiện kết luận và những kiến nghị của Đoàn giám sát. Từ đó, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan chịu sự giám sát; nâng cao công tác phối hợp giữa cơ quan công an và viện kiểm sát với nhau, công tác phối hợp giữa công an, viện kiểm sát với cấp ủy Đảng, chính quyền với cơ quan chuyên môn các cấp.

Nâng chất lượng, nâng hiệu quả 

Theo đại diện Ban Pháp chế HĐND huyện Tiên Du, bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả giám sát của Ban pháp chế liên quan đến nội dung này còn những hạn chế nhất định.

Đối với cơ quan chịu sự giám sát, việc tiếp nhận, phân loại, xử lý vụ việc phía cơ sở chưa chính xác dẫn đến có tin, có dấu hiệu tội phạm nhưng chậm chuyển đến cơ quan điều tra, gây khó khăn cho điều tra, xác minh tội phạm. Trong công tác phối hợp, một số đơn vị chưa chủ động; đội ngũ làm công tác tiếp nhận thông tin còn kiêm nhiệm. Cơ quan chịu sự giám sát đôi khi nhận thức chưa khách quan về nhiệm vụ và thẩm quyền giám sát của cơ quan giám sát dẫn đến phát sinh tâm lý không cởi mở, báo cáo còn hình thức, làm cho việc xem xét, đánh giá thiếu cơ sở nhận định. Nội dung tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố không được đưa vào trong các báo cáo thường xuyên của cơ quan và các báo cáo trình kỳ họp nên phần nào ảnh hưởng đến hoạt động giám sát thường xuyên của Ban. Khi tổ chức triển khai, tổng kết các nội dung liên quan không mời thành phần Ban Pháp chế tham dự.

Đối với Ban pháp chế, tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, các buổi tọa đàm chuyên sâu về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đối với các cơ quan tố tụng; cần có sự chỉ đạo hoặc ban hành quy chế cụ thể trong phối hợp hoạt động giữa Ban Pháp chế với các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp đồng cấp. 

Mỗi thành viên đoàn giám sát cần nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình, nghiên cứu, học tập rèn luyện; nâng cao năng lực trình độ, nhận thức pháp luật, tránh biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm trong quá trình giám sát. Dành thời gian nghiên cứu kỹ tài liệu, nắm chắc thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan chịu sự giám sát; chú trọng nắm bắt thông tin từ cơ quan cấp trên, qua đơn thư của người dân, thông qua hoạt động giám sát, qua báo chí và chọn lọc thông tin để phục vụ giám sát. 

Phương Thanh