Vị thế ngày càng vững chãi
Sau gần 4 thập niên phát triển kể từ ngày đất nước được thống nhất, các doanh nghiệp tư nhân nói riêng và khu vực kinh tế tư nhân nay đã trở thành nhân tố đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tính đến cuối năm 2022, khu vực tư nhân trong nước chiếm 39,2% GDP, trong đó các doanh nghiệp chiếm 9,7% và kinh doanh cá thể chiếm 29,5%. Cả nước hiện có khoảng 850.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho 9 triệu người lao động. Các doanh nghiệp tư nhân đã trở thành khu vực cung cấp việc làm lớn nhất cho nền kinh tế.
Việc làm do các doanh nghiệp khu vực tư nhân tạo ra đã giúp hàng triệu người lao động dịch chuyển từ các công việc có thu nhập thấp hơn trong lĩnh vực nông nghiệp sang làm việc ở những ngành có năng suất cao hơn với mức lương cao hơn; đóng góp đáng kể cho tạo việc làm, giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống, tăng trưởng bền vững và toàn diện ở Việt Nam. Doanh nghiệp tư nhân đóng góp đáng kể vào sự mở rộng của phạm vi che phủ về an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội. Các doanh nghiệp tư nhân và kinh doanh cá thể đóng hiện đóng góp khoảng 16,5% tổng thu ngân sách nhà nước.
Doanh nghiệp tư nhân nay đã hiện diện và đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế then chốt như tài chính, ngân hàng, bưu chính, hàng không, khai khoáng, năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng... Hàng hóa thương hiệu Việt vẫn giữ vị thế vững chắc trong hệ thống bán lẻ và các siêu thị. Thương hiệu của doanh nghiệp Việt có thể ví như những đại sứ của nền kinh tế Việt Nam ở nước ngoài.
Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam hiện diện ở đâu thì không gian thị trường của nền kinh tế được mở rộng tới đó, quyền lực mềm và phạm vi ảnh hưởng của nền kinh tế cũng được cảm nhận tới đó. Doanh nghiệp tư nhân đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế, khi hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sản xuất, cung ứng nay đã có mặt trên hơn một trăm nền kinh tế tại cả năm lục địa.
Việt Nam được biết đến không chỉ là một địa chỉ hấp dẫn hàng đầu với các nguồn FDI mà còn bắt đầu được biết đến với các dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, qua các thương vụ mua lại các doanh nghiệp nước ngoài, các dự án tại nước ngoài. Việt Nam cũng bắt đầu được biết đến là quốc gia có những tỷ phú USD. Sự phát triển vượt bậc này nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người vào thời điểm khoảng ba thập niên trước đây.
Rào cản cần vượt qua
Dù vậy, bức tranh về khu vực doanh nghiệp tư nhân không chỉ có toàn màu hồng. Chất lượng tăng trưởng rõ ràng là một vấn đề cần được cải thiện. Năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp, chưa thực sự đóng góp cho yêu cầu cấp bách của Việt Nam là tăng năng suất của toàn bộ nền kinh tế để duy trì tăng trưởng nhằm đáp ứng các mục tiêu trung hạn.
Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân đăng ký và doanh nghiệp đang hoạt động rất thấp, với gần 1,5 triệu doanh nghiệp đã đăng ký nhưng hiện chỉ có khoảng 850.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Quý I năm nay đã có thời điểm số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số lượng gia nhập thị trường.
Cơ cấu về quy mô của các doanh nghiệp tư nhân mất cân đối nghiêm trọng. Tuyệt đại đa số doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, chỉ có một số rất ít doanh nghiệp có quy mô cỡ vừa. Quá trình tích tụ vốn bằng nguồn nội lực trong các doanh nghiệp tư nhân trong nước diễn ra với tốc độ chậm chạp, khiến ít doanh nghiệp có thể phát triển bền vững thành quy mô cỡ vừa và tiếp đó là quy mô lớn. Rõ ràng, Việt Nam cần đặt trọng tâm chính sách vào vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, vào mục tiêu ngày càng có nhiều công ty vừa và lớn, được quản trị tốt hơn thay là chỉ hướng vào mục tiêu về số lượng doanh nghiệp.
Mức tăng về giá trị tuyệt đối của doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân trong nước không thể che lấp được một thực tế rằng tỷ suất lợi nhuận của khu vực này thấp hơn nhiều so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực FDI. Tổng cục Thống kê cho biết có tới 50,3% doanh nghiệp tư nhân trong nước đang trong tình trạng thua lỗ. Tình trạng thua lỗ kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tích tụ vốn cũng như đến quá trình lớn lên về quy mô của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Các doanh nghiệp FDI hiện chiếm khoảng 76% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tỷ trọng đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ ở mức khiêm tốn và xuất khẩu của nền kinh tế phụ thuộc nhiều khu vực tư nhân nước ngoài. Khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước hiện đang vận hành như ba nền kinh tế song song với rất ít sự liên kết qua lại lẫn nhau. Hiện tượng phân mảnh, thiếu liên kết như hiện nay rõ ràng không có lợi cho sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế và của khu vực kinh tế tư nhân.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố mà Việt Nam sẽ không còn nhiều lợi thế như lao động giá rẻ, đất đai và chậm có chiến lược thích ứng. Những biến cố gần đây của nhiều tập đoàn tư nhân lớn cho thấy chất lượng quản trị công ty, quản trị doanh nghiệp, cung cách làm ăn, tầm nhìn về phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội, về kinh doanh liêm chính, phát triển bền vững còn nhiều hạn chế và cần được cải thiện. Tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, giải cứu của nền kinh tế có xu hướng gia tăng. Tinh thần tuân thủ kỷ luật và nguyên tắc của thị trường vẫn chưa thực sự được thấm nhuần tại nhiều doanh nghiệp tư nhân.
Nâng cao năng lực cạnh tranh để tự tin vững bước
Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, dựa nhiều hơn vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, tri thức, chuyển đổi số với các tiêu chuẩn cao hơn về môi trường, xã hội. Với vai trò là động lực quan trọng, khu vực doanh nghiệp tư nhân sẽ là nhân tố quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này.
Mô hình phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong những thập niên tới sẽ khác biệt so với những thập niên vừa qua. Quá trình tái cấu trúc của chính khu vực này chắc chắn sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Thay vì chỉ dựa trên lợi thế như các tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường về chất lượng sản phẩm, về môi trường, xã hội còn thấp do ở giai đoạn đầu của phát triển hay chi phí lao động thấp, tài nguyên giá rẻ trong giai đoạn trước, các doanh nghiệp tư nhân giờ đây phải đối diện với sự cạnh tranh khắc nghiệt hơn do thị trường được mở cửa rộng hơn, sự phát triển của công nghệ, các yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn xã hội, môi trường, quản trị.
Cùng với đó, nhu cầu của khách hàng, người mua cũng thay đổi theo hướng khắt khe hơn. Quy định pháp luật cũng chặt chẽ hơn về nhiều phương diện. Yêu cầu của thị trường về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với môi trường, quản trị công ty của doanh nghiệp cũng cao hơn. Không ngừng đổi mới, sáng tạo, dựa nhiều hơn vào công nghệ, tri thức, phương thức quản trị hiện đại là các yếu tố quyết định để nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại của các doanh nghiệp tư nhân.
Doanh nghiệp mạnh, đất nước sẽ hùng cường. Trên nền tảng kết quả đạt được trong bốn thập niên vừa qua và với những chính sách mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong thời gian tới, doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ tiếp tục khẳng định vị trí của mình là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân - một nền kinh tế tự chủ, tự cường.
Ý kiến bạn đọc