Nỗ lực giữ đà tăng trưởng xuất khẩu
_____________________________________
Chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân trước thềm Xuân Ất Tỵ 2025, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương NGUYỄN HỒNG DIÊN bày tỏ vui mừng trước kết quả xuất khẩu ấn tượng trong năm 2024 với hơn 405 tỷ USD, trong đó có đóng góp rất quan trọng của Bộ Công Thương. Bước sang năm 2025, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tập trung nhiều giải pháp để nỗ lực duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, qua đó đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đề ra, tạo nền tảng để Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.
5 yếu tố quan trọng duy trì xuất khẩu cao
- Thưa Bộ trưởng, trong bối cảnh xu hướng phi toàn cầu hóa đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau, song xuất khẩu của Việt Nam vẫn rất ấn tượng trong năm 2024 với kim ngạch đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước. Vậy đâu là yếu tố thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu giữ đà tăng trưởng?
- Trong bối cảnh xu hướng phi toàn cầu hóa và sự tái xuất hiện của chính sách bảo hộ ở nhiều quốc gia, kết quả xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn tích cực trong năm 2024, với kim ngạch đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 114,59 tỷ USD, tăng 19,8%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 290,94 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,7%. Có tới 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Có được kết quả đó là nhờ vào nhiều yếu tố quan trọng.
Thứ nhất, đó là sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Một số thị trường lớn như Mỹ, EU và châu Á phục hồi, kéo theo sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Việt Nam.
Thứ hai, các doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA như CPTPP, EVFTA đã tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế với mức thuế ưu đãi, và gia tăng khả năng cạnh tranh.
Thứ ba, công tác đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu đang dần phát huy hiệu quả khi Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới và thúc đẩy xuất khẩu nhiều sản phẩm mới bên cạnh nhóm hàng chủ lực như điện tử, nông sản và dệt may.
Thứ tư, năng lực sản xuất và xuất khẩu nội tại đã và đang dần được cải thiện tích cực. Các doanh nghiệp Việt Nam đã cải thiện, nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư công nghệ và gia tăng giá trị nội địa hóa trong chuỗi cung ứng.
Và cuối cùng, đó chính là sự quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành, thực thi các chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ xuất khẩu, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tháo gỡ khó khăn về logistics và đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế.
Riêng với Bộ Công Thương, nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cũng như hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua những thách thức từ xu hướng phi toàn cầu hóa và chính sách bảo hộ, Bộ đã luôn chú trọng công tác thông tin thị trường, thường xuyên thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.
Bộ cũng thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến giúp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu; tích cực tham mưu và đàm phán để mở rộng mạng lưới FTA; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng một cách hiệu quả các FTA đã ký như CPTPP, EVFTA và RCEP.
Tập trung khai thác hiệu quả các FTA
- Bước sang năm 2025, tình hình kinh tế thế giới và trong nước được dự báo sẽ có những chuyển biến lớn, khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Điều này sẽ tác động thế nào tới xuất khẩu của Việt Nam, thưa Bộ trưởng?
- Tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến khó lường; thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề; cạnh tranh gia tăng (nhất là từ các đối thủ như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan); các nước phát triển áp dụng nhiều tiêu chuẩn, quy định mới, khắt khe hơn về chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu; giá cước vận tải biển chưa có xu hướng hạ nhiệt. Kế hoạch tăng thuế của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump dẫn đến tình trạng thu gom hàng “chạy thuế”, làm nhu cầu và giá cước vận chuyển container tăng mạnh. Quá trình này có thể mang lại cơ hội cho Việt Nam trong việc đón đầu các xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng để thu hút các dòng vốn đầu tư chất lượng hơn vào các phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn trong các ngành công nghiệp, tuy nhiên, Việt Nam cũng đứng trước thách thức về cạnh tranh xuất khẩu về giá do gia tăng các chi phí về logistics và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu.
Thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều rủi ro như xung đột tại Trung Đông, Nga - Ukraine, các chính sách bảo hộ và đặc biệt là nguy cơ xung đột thương mại lan rộng và leo thang khi Hoa Kỳ nâng thuế và các nước trả đũa (như đã từng xảy ra trong nhiệm kỳ trước của ông Trump) có thể tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu để thay thế Trung Quốc vào thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ phải đối diện với các thách thức lớn về việc Hoa Kỳ có thể thực hiện việc áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam do thặng dư thương mại cao với thị trường này; các xu hướng về đầu tư núp bóng sang Việt Nam, gian lận nguồn gốc xuất xứ để tránh thuế…
Một số thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phục hồi chậm, như Hoa Kỳ (do Chính phủ nước này không còn nhiều dư địa ở chính sách tài khóa để kích thích tăng trưởng kinh tế sau thời gian dài thắt chặt tiền tệ; việc tăng thuế như dự kiến sẽ làm tăng lạm phát, chính sách kiểm soát chặt nhập cư gây áp lực tới thị trường lao động, chuỗi cung ứng); và tại Trung Quốc (do nguy cơ xung đột thương mại với Hoa Kỳ)… Cùng với đó, thị trường trong nước tuy có mức tăng trưởng khá cao nhưng vẫn chưa thực sự phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch.
- Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 6,5 - 7%; phấn đấu đạt 7 - 7,5%. Vậy Bộ Công Thương sẽ làm gì để góp phần hoàn thành mục tiêu Quốc hội đề ra, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, thưa Bộ trưởng?
- Để góp phần hoàn thành mục tiêu Quốc hội đề ra, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ; đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; tập trung thực hiện công tác tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Bộ cũng chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế. Triển khai hiệu quả các Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản đã được phê duyệt; khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch thi hành Luật Điện lực (sửa đổi) sau khi được Chính phủ ban hành nhằm sớm giải quyết các vướng mắc về thể chế, khơi thông những điểm nghẽn, nút thắt, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong ngành điện.
Song song, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành công thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách. Tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt để từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại; nâng cao việc sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước và hỗ trợ hiệu quả các ngành xuất khẩu của Việt Nam ứng phó hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!