Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng
Dẫn số liệu của Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Singapore, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, năm 2024, nước này đã nhập khẩu thủy sản từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch khoảng 1,17 tỷ SGD, giảm 2,58% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 15 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu vào thị trường Singapore, Malaysia tiếp tục là nước dẫn đầu, tiếp theo lần lượt là Indonesia, Na Uy, Trung Quốc và Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam vượt qua Nhật Bản duy trì vị trí thứ 5 xuất khẩu thủy sản sang Singapore trong 12 tháng liên tiếp.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam vào thị trường Singapore trong năm 2024 tăng 4,99%, với giá trị đạt gần 113,37 triệu SGD, chiếm thị phần 9,68%. Trong đó, nhóm thủy sản thân mềm có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tới gần 118%; trong khi nhóm cá tươi ướp lạnh, cá đông lạnh và nhóm thủy sản thủy sinh đều giảm từ 30 - 49%.
Đối với mặt hàng gạo, trong năm 2024, Việt Nam giữ vị trí là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 3 sang thị trường Singapore, với kim ngạch 128,9 triệu SGD, chiếm 28,25% thị phần, xếp sau Ấn Độ (148,19 triệu SGD) và Thái Lan (137,75 triệu SGD). So cùng kỳ 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Singapore tăng 28,45%. Đáng chú ý, một số nhóm tiếp tục chứng kiến mức tăng rất mạnh, gồm: gạo nếp (kim ngạch 14,25 triệu SGD, tăng hơn 4,6 lần), gạo vỡ (kim ngạch 2,6 triệu SGD, tăng 113,63%) và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (kim ngạch 44,89 triệu SGD, tăng 65,73%). Hiện, Việt Nam là quốc gia chiếm thị phần lớn nhất tại Singapore đối với 3 nhóm gạo là: gạo tẻ trắng (chiếm 42,23%); gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (chiếm 65,73%) và gạo nếp (77,02%).
Sự tăng trưởng xuất khẩu sang Singapore được duy trì trong năm 2024, không riêng với mặt hàng gạo và thủy sản. Theo Cơ quan thương vụ, tính chung 11 tháng của năm 2024, Việt Nam giữ vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Singapore, với kim ngạch thương mại hai chiều hơn 28,6 tỷ SGD, tăng 8,53%. Việt Nam đứng thứ 18 trong số các đối tác nhập khẩu lớn nhất của Singapore, với kim ngạch gần 7,8 tỷ SGD (tăng 32,11%); đồng thời Việt Nam là thị trường xuất khẩu thứ 10 của Singapore với kim ngạch hơn 20,8 tỷ SGD (tăng 1,72%). Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Singapore lớn nhất (32,11%); tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) (26,7%) và Ấn Độ (23,86%).
Cần quan tâm tới công tác quảng bá
Theo giới phân tích, thương mại giữa Việt Nam - Singapore vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Đặc biệt, Singapore không chỉ là thị trường tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam, mà còn có vai trò quan trọng là địa bàn trung chuyển hàng hóa đi các nước, do đó các doanh nghiệp cũng cần lưu ý tới vai trò này.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, riêng với mặt hàng gạo, dù đã có sự vươn lên chiếm lĩnh vị trí số 1 tại Singapore trong nửa đầu năm 2024 song sau đó đã tụt xuống vị trí thứ 3 sau Ấn Độ và Thái Lan. Một phần nguyên nhân bởi việc quảng bá và giới thiệu mặt hàng gạo của Việt Nam tại thị trường này vẫn còn khá ít, chủ yếu là các hoạt động do Thương vụ Việt Nam tại Singapore triển khai, trong khi hoạt động xúc tiến quy mô lớn của các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng gạo Việt Nam chưa nhiều. Đáng chú ý, các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ đều rất quan tâm đầu tư quảng bá hình ảnh sản phẩm và có thỏa thuận với các đơn vị nhập khẩu, phân phối về việc giữ tên, thương hiệu hàng hóa sản phẩm gạo của họ.
Cũng theo Cơ quan Thương vụ, do các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đầu tư vào các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm quy mô rộng, các nhà nhập khẩu, hệ thống phân phối ở Singapore chủ yếu nhập gạo Việt Nam đóng gói với mẫu mã, bao bì, thương hiệu nội địa của Singapore để dễ tiêu thụ trên thị trường. Các sản phẩm gạo thương hiệu Việt Nam hầu như chỉ tiêu thụ trong hệ thống các cửa hàng tiện ích nhỏ, hoặc các đại lý bán hàng online của người Việt Nam.
Từ thực tế đó, Cơ quan Thương vụ lưu ý, thị trường gạo Singapore có sự điều hành khá sát sao của Chính phủ Singapore, thể hiện ở việc Chính phủ xét duyệt và cấp phép nhập khẩu cũng như trực tiếp thanh tra, kiểm tra chất lượng gạo trước khi đưa ra thị trường, do đó các doanh nghiệp cần cố gắng hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm gạo; đồng thời cần nhìn nhận vai trò của Singapore không chỉ là thị trường tiêu thụ, mà còn là địa bàn trung chuyển đi các nước để có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng.
Đối với mặt hàng thủy sản, mặc dù hiện chưa có vụ việc nào liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm được thông báo cho Cơ quan Thương vụ, song các doanh nghiệp vẫn cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng mặt hàng xuất khẩu.
Thương vụ Việt Nam tại Singapore cũng khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp chế biến hết sức lưu ý các quy định của nước sở tại trước khi tiến hành các hoạt động xuất nhập khẩu để tránh bị các cơ quan chức năng của Singapore áp đặt chế tài do vi phạm quy định. Chẳng hạn, mới đây, nước này ban hành Thông tư về sửa đổi thủ tục xuất khẩu các sản phẩm thịt và trứng chế biến từ các cơ sở chế biến được công nhận ở nước ngoài, hiệu lực từ tháng 12.2024. Theo đó, Cơ quan Quản lý thực phẩm Singapore (SFA) chuyển từ việc phê duyệt dựa trên sản phẩm sang dựa trên các nội dung như: hình thức hàng hóa, loại hàng hóa của các sản phẩm chế biến được dùng để xuất khẩu; các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài không cần phải nộp đơn xin xuất khẩu cho các sản phẩm thịt và trứng chế biến khác, từ các cơ sở chế biến đã được SFA phê duyệt, nếu các sản phẩm này có cùng hình thức và loại hàng hóa như đã được phê duyệt; yêu cầu ghi rõ hình thức hàng hóa (ví dụ: đã qua xử lý nhiệt hoặc không) trên từng sản phẩm được xuất khẩu…
Hiện, Singapore đang tham vấn công chúng về Dự luật Quy định về xuất nhập khẩu (sửa đổi), nhằm thiết lập khuôn khổ điều chỉnh vấn đề “giấy chứng nhận thông tin thương mại”, chứng nhận các vấn đề liên quan đến bất kỳ hàng hóa nào, cụ thể là hàng hóa được nhập khẩu vào, xuất khẩu từ, chuyển tải vào hoặc quá cảnh qua Singapore; và việc lắp ráp, chế biến hoặc sản xuất hàng hóa tại Singapore… Doanh nghiệp cần theo dõi sát để nắm thông tin kịp thời.
Cơ quan Thương vụ cho biết sẽ tiếp tục cập nhật tình hình, cơ chế, chính sách của Singapore; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao thương, trưng bày hàng hóa, quảng bá thương hiệu, tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại địa bàn; hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Singapore; đồng thời hỗ trợ các đoàn đối tác từ Singapore vào Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng, mở cửa thị trường, xúc tiến đầu tư công nghiệp, thương mại và dịch vụ vào Việt Nam.