Tạo không gian phát triển, động lực tăng trưởng mới ngành nông nghiệp
_____________________________________
Năm 2025 sẽ là năm tăng tốc, bứt phá, hoàn thành mục tiêu Kế hoạch phát triển ngành 5 năm (2021 - 2025). Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn LÊ MINH HOAN cho biết, việc làm đầu tiên là cần kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới của ngành với phương châm hành động “Thích ứng linh hoạt - Khơi thông nguồn lực - Tăng tốc bứt phá”.
Cùng nhau chuyển đổi tư duy, hành động
- Thưa Bộ trưởng, năm 2024 vượt qua những biến động của thị trường thế giới và ảnh hưởng nặng nề của siêu bão số 3, ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tựu ấn tượng về tăng trưởng và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế?
- Năm 2024, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện kế hoạch trong điều kiện có yếu tố tác động mạnh của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán, mưa bão tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Đặc biệt là cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc.
Vượt qua những khó khăn, thách thức, năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt ở mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu nông sản chính 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; chăn nuôi 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản chính 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%; thủy sản 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78,7%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn đạt 58%.
Cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch, điều chỉnh phù hợp, tích hợp đa giá trị, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng các tiểu ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao. Cụ thể, sản lượng lúa cả năm đạt gần 43,7 triệu tấn, tăng 0,4%, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu gạo khoảng 9 triệu tấn. Cây công nghiệp, cây ăn quả chủ lực như sầu riêng đạt 1,45 triệu tấn, tăng 21,2%; thanh long đạt1,35 triệu tấn, tăng 13,3%; cao su đạt gần 1,37 triệu tấn, tăng 7,5%. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 9,6 triệu tấn, tăng 2,4%... Năm 2024, diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 282 nghìn ha, tăng 0,2% và 130 triệu cây phân tán; thu dịch vụ môi trường rừng trên 3.400 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch...
- Kết quả trên là sự ghi nhận về nỗ lực không ngừng trong tìm kiếm thị trường để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Theo đó, “bí quyết” trong công tác xúc tiến thương mại được ngành nông nghiệp xây dựng trên nền tảng nào, thưa Bộ trưởng?
- Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm và chỉ đạo, điều hành xuyên suốt của Đảng, của Chính phủ, Thủ tướng, sự đồng hành của các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã cùng nhau chuyển đổi tư duy, hành động, chung tay kết nối, quảng bá, xúc tiến sâu rộng thương mại nông sản cả trong, ngoài nước.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống và các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đặc biệt là việc mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như thị trường thực phẩm Halal của các nước Hồi giáo, Trung Đông, châu Phi... với phương châm là đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường. Còn phía các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng thì năng động vượt khó. Khối hợp tác xã, người sản xuất, nông dân chủ động thay đổi, thích ứng linh hoạt với xu thế mới để đẩy mạnh sản xuất phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất. Chính những nỗ lực và sự chủ động vào cuộc trên đã tạo ra kết nối trong chuỗi sản xuất, cung ứng. Người nông dân đã từng bước sản xuất theo nhu cầu thị trường và chuyển đổi tư duy kinh tế, tư duy thị trường.
Thích ứng linh hoạt - Khơi thông nguồn lực - Tăng tốc bứt phá
- Bước sang năm 2025, xin Bộ trưởng chia sẻ những mục tiêu ngành nông nghiệp phát triển nông thôn hướng tới?
- Năm 2025 là năm cuối, tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ hướng tới các chỉ tiêu chủ yếu: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3 - 3,4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 64 - 65 tỷ USD. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 60%.
- Để đạt được những mục tiêu trên, trong năm 2025 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ và giải pháp nào, thưa Bộ trưởng ?
- Năm 2025 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn lựa chọn chủ đề: “Thích ứng linh hoạt - Khơi thông nguồn lực - Tăng tốc bứt phá”. Đây không chỉ là thông điệp hành động, mà còn là quyết tâm mạnh mẽ của toàn ngành.
Theo đó, việc làm đầu tiên là cần kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới của ngành. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất. Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cả trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.
Năm 2024, việc chuyển đổi tư duy sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng nông sản đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây, con nuôi trồng thủy sản có hiệu quả hơn; áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất hữu cơ, sử dụng giống lúa chất lượng cao nên năng suất lúa bình quân tăng 0,3 tạ/ha. Tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống đạt 85 - 90%. Số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tăng mạnh, tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tập trung thực hiện việc chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, phát triển kinh tế nông thôn và nông dân văn minh. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường, thiên tai... để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CTPPP cho hàng nông sản Việt Nam.
Bên cạnh đó là đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế để mở cửa thị trường.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!