Đề xuất 4 chính sách phát triển thương hiệu nông sản
Trong thành tựu xuất khẩu của cả nước, ngành nông nghiệp góp phần rất lớn, là ngành duy nhất liên tục duy trì xuất siêu; năm 2007, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), xuất khẩu nông sản đạt 12,6 tỷ USD, đến năm 2024 đạt 62,4 tỷ USD, xuất siêu 18,6 tỷ USD.
Bên cạnh kết quả đạt được, các báo cáo của Quốc hội, Chính phủ đánh giá sản phẩm nông sản vẫn chưa có đầu ra ổn định, giá trị chưa cao, mà một trong các “điểm nghẽn” là do chất lượng không ổn định và chưa có thương hiệu nông sản. Tỷ trọng các sản phẩm nông sản trong tổng số sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam còn thấp, trong khi nước ta có nhiều lợi thế và thành tựu về xuất khẩu nông sản. Đơn cử, trong số 190 doanh nghiệp từ các lĩnh vực đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024, chỉ có 26 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với 52 sản phẩm, chiếm khoảng 13,6% tổng số doanh nghiệp và 14,4% tổng số sản phẩm.
Ngoài ra, việc đăng ký cho nông sản chủ lực quốc gia có gắn tên định danh “Việt Nam” khi cấp quyền sở hữu trí tuệ hiện còn nhiều vướng mắc. Nhiều sản phẩm nông sản sau khi có nhãn hiệu được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ lại chưa được khai thác sử dụng, chưa phát huy được giá trị để phát triển thành thương hiệu. Chính sách pháp luật hiện hành liên quan đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản vẫn mang tính chung chung, thiếu cụ thể và chưa phù hợp với đặc thù của ngành nông nghiệp.
Xuất phát từ thực tế này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất xây dựng Nghị định về phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách và quản lý nhà nước, tạo nền tảng nâng cao giá trị gia tăng, quảng bá và phát triển thương hiệu nông sản cả trong nước lẫn quốc tế.
Tại dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định, Bộ đề xuất 4 chính sách bao gồm: hỗ trợ chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản ở trong và ngoài nước; hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ sở hữu, đơn vị tổ chức quản lý sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản; hỗ trợ các chương trình truyền thông, quảng bá, phát triển thị trường.
Trong đó, chính sách hỗ trợ chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng quy trình sản xuất, chế biến, bao gói, bảo quản...; tổ chức, đầu tư sản xuất quy mô lớn, sản lượng lớn, phát triển vùng nguyên liệu, ổn định; chứng nhận chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường; giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng, bảo đảm sản phẩm an toàn và cam kết truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.
Nội dung của chính sách là quy định chính sách hỗ trợ về tín dụng và đầu tư, nghiên cứu khoa học công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, xây dựng mô hình mẫu cho các tổ chức, cá nhân trong toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm đạt nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam, vùng, miền, địa phương.
Hỗ trợ chi phí chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến
Góp ý về chính sách phát triển thương hiệu nông sản, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo đang đề xuất các chính sách theo hướng tập trung vào các biện pháp hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, hỗ trợ kinh phí gia hạn bảo hộ nhãn hiệu, hỗ trợ nhận diện thương hiệu.
Ủng hộ các chính sách hỗ trợ mà dự thảo Tờ trình đang đề xuất để hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn kinh phí ban đầu trong việc thực hiện bảo hộ nhãn hiệu, song VCCI cho rằng bảo hộ nhãn hiệu chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể quá trình phát triển thương hiệu nông sản. Để phát triển thương hiệu nông sản đòi hỏi các yếu tố: sản phẩm đạt yêu cầu về số lượng và chất lượng; khả năng thâm nhập vào các kênh phân phối trong nước và nước ngoài; phát triển bộ nhận diện thương hiệu và câu chuyện thương hiệu phù hợp. "Việc bảo hộ thương hiệu chỉ cần thiết và hiệu quả khi thương hiệu đã mang lại giá trị kinh tế và việc bảo hộ nhằm bảo vệ các giá trị kinh tế đó", VCCI nhấn mạnh.
Cũng theo VCCI, Báo cáo đánh giá tác động chính sách đã nhận diện các nguyên nhân khiến thương hiệu nông sản Việt Nam chưa phát triển. Đó là chưa có vùng sản xuất tập trung để có nguyên liệu đủ lớn và ổn định về chất lượng; chưa chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, bao gói, vận chuyển, bảo quản; chưa xây dựng quảng bá, truyền thông. Do đó, cơ quan soạn thảo có thể cân nhắc một số chính sách cụ thể như hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc: chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến; xây dựng, phát triển bộ nhận diện thương hiệu; tham gia các khóa học nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực kinh doanh, quảng cáo trên thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, theo VCCI, việc đầu tư xây dựng một thương hiệu nông sản (quốc gia hay địa phương) cũng cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để đạt hiệu quả tối ưu với mục tiêu cuối cùng là thương hiệu nông sản đó phổ biến, có thể nhận diện và mang lại giá trị kinh tế. Có như thế, các chính sách và kinh phí hỗ trợ của Nhà nước mới có hiệu quả và không lãng phí. Ngược lại, nguồn hỗ trợ của Nhà nước có thể bị sử dụng mà không đạt hiệu quả. Do đó, để bảo đảm mục tiêu chính sách, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thiết kế chính sách theo hướng chọn lọc một số thương hiệu nông sản Việt Nam có tiềm năng (theo tiêu chí) và sẽ hỗ trợ các chi phí, hoạt động để phát triển thương hiệu. Việc đo lường hiệu quả có thể đặt theo các tiêu chí cụ thể như sản lượng/chất lượng, số lượng kênh phân phối và doanh thu.