Xuất khẩu sắt thép có thể mang về 9 tỷ USD
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15.12, Việt Nam thu về 8,75 tỷ USD từ việc xuất khẩu 12,16 triệu tấn sắt thép, tăng 10,4% về kim ngạch và 15,8% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu sắt thép năm nay có thể đạt 9 tỷ USD và tiến gần mốc 11 tỷ USD từng đạt được.
Trước đó, xuất khẩu sắt thép “tăng trưởng nóng” trong năm 2021 với kim ngạch cao chưa từng có là 11,79 tỷ USD. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường, xuất khẩu sắt thép chỉ còn đạt 7,98 tỷ USD trong năm 2022. Năm 2023 chứng kiến sự tăng trưởng trở lại của ngành với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,34 tỷ USD.
Việt Nam hiện xuất khẩu sắt thép sang 32 thị trường chính. Trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất với 1,64 triệu tấn sắt thép trong 11 tháng năm 2024, tăng 79% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Italy đứng thứ hai với 1,23 triệu tấn sắt thép, giảm 14,8% so với cùng kỳ. Tiếp đến là thị trường Campuchia với lượng xuất khẩu tăng 11,9%, đạt 1,08 triệu tấn.
Về sản xuất thép trong nước, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) ước tính có thể tăng 10%. Tính riêng 11 tháng qua, sản xuất thép thô đạt hơn 20,06 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023; tiêu thụ thép thô nội bộ và xuất bán đạt 19,57 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ. Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 26,948 triệu tấn, tăng 7,7%.
Cũng trong 11 tháng năm 2024, Việt Nam bán hàng thép thành phẩm đạt 26,776 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng được ghi nhận ở hầu hết các mặt hàng, trong đó cuộn cán nguội (CRC) tăng cao nhất là 40,8%; tiếp đến là tôn mạ kim loại và sơn phủ màu tăng 32,8%, thép xây dựng 11,9% và ống thép 4,8%, riêng thép cuộn cán nóng (HRC) giảm 2,2% so với cùng kỳ 2023.
Bước sang năm 2025, Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo sản xuất thép tăng 8%. Điều này một phần nhờ hoạt động giải ngân vốn đầu tư công. Các chương trình phát triển hạ tầng như xây dựng các tuyến cao tốc, sân bay, đường sắt và các khu đô thị thông minh được đẩy mạnh sẽ tạo ra nhu cầu thép lớn cho ngành xây dựng. Cùng với đó là động lực từ sự hồi phục của thị trường bất động sản khi nguồn cung căn hộ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được dự báo tăng trung bình 21%/năm trong giai đoạn 2025 - 2026. Cả phân khúc căn hộ chung cư và bất động sản đất nền đều có thể tăng trưởng từ năm 2025 nhờ các vướng mắc pháp lý được tháo gỡ bởi các luật mới về bất động sản.
Bên cạnh đó, việc các thị trường quốc tế như Mỹ, EU và ASEAN dần phục hồi sau đại dịch cũng tạo ra cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp thép Việt Nam. Mặc dù có sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia sản xuất thép lớn như Trung Quốc, Ấn Độ hay Nhật Bản nhưng với chất lượng thép ngày càng được cải thiện, cộng với lợi thế chi phí sản xuất thấp, thép Việt Nam vẫn có cơ hội gia tăng xuất khẩu trong thời gian tới.
Chưa thể bứt phá tăng trưởng trong ngắn hạn
Đánh giá về triển vọng ngành thép, ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho hay, ngành này đã có nhiều tín hiệu phục hồi và dần ổn định trở lại trong năm 2024 sau thời gian dài lao dốc. Tuy nhiên, các dữ liệu phục hồi chủ yếu vẫn so sánh dựa trên mức nền thấp của năm ngoái. Ông Quang cho rằng, trong ngắn hạn, ngành thép chưa thể bứt phá sang giai đoạn tăng trưởng mới và dự kiến tiếp tục diễn biến trầm lắng, ít nhất là trong nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, xét về mặt cơ hội thì đây có thể coi là thời gian để ngành thép nỗ lực cải thiện và tìm kiếm hướng đi bền vững hơn trong tương lai.
Bởi lẽ, ngành thép nước ta chịu ảnh hưởng lớn từ sự chi phối của ngành thép Trung Quốc. Quốc gia này đang đối mặt với tình trạng thừa cung thép trầm trọng, trong khi ngành công nghiệp thép khổng lồ của họ đang có dấu hiệu suy giảm mạnh. Giá thép Trung Quốc liên tục giảm xuống mức thấp trong nhiều năm qua, tạo ra một môi trường đầy thách thức và ngành thép Việt Nam khó có thể tránh khỏi những tác động tiêu cực từ diễn biến này. Ngoài ra, việc Trung Quốc gia tăng xuất khẩu thép giá rẻ ra thế giới sẽ tạo ra áp lực lớn đối với các doanh nghiệp thép trong nước, khi họ có thể bị mất thị phần trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Hoạt động xuất khẩu thép cũng phải đối mặt với những vụ kiện phòng vệ thương mại. Các hàng rào kỹ thuật, như chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ, đang ngày càng được các thị trường nhập khẩu dựng lên, tạo ra những rào cản lớn. Theo thống kê, tính đến hết tháng 10.2024, trong tổng số 267 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam, khoảng 30% trong số đó liên quan đến thép. Điều này cho thấy ngành thép đang chịu áp lực lớn từ các quốc gia nhập khẩu.
Đặc biệt, những vụ kiện này chủ yếu diễn ra tại các thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Australia và Ấn Độ. Đây đều là các thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm cũng như các biện pháp bảo vệ ngành sản xuất trong nước, khiến các doanh nghiệp thép Việt Nam gặp không ít thách thức trong việc duy trì và mở rộng thị phần.