Quyết tâm tăng trưởng cao để tạo đà bứt phá cho kỷ nguyên mới
_____________________________________
Dù tình hình thế giới năm 2025 dự báo tiếp tục rất khó khăn, thách thức, Chính phủ vẫn quyết tâm đạt tăng trưởng 8%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đưa ra. “Đây là mức tăng trưởng cao, nhiều thách thức, nhưng có thể đạt được và cần quyết tâm đạt được để tạo đà tăng trưởng bứt phá cho kỷ nguyên phát triển mới”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư NGUYỄN CHÍ DŨNG nhấn mạnh.
Kinh tế phục hồi mạnh mẽ
- Thưa Bộ trưởng, Việt Nam đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chúng ta có nền tảng nào để sẵn sàng cho kỷ nguyên mới?
- Năm 2024, mặc dù có những khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc quyết liệt, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là nhờ những quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước, nền kinh tế tăng trưởng khá ấn tượng, ước tính trên 7%, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ.
Chúng ta cũng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị, xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng, môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, cam kết đầu tư và gắn bó lâu dài với sự phát triển của Việt Nam.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường… tiếp tục được quan tâm, chú trọng; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện; hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội đề ra. Thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực mới như chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)… đạt nhiều kết quả nổi bật. Năm 2024, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nước ta xếp thứ 56, tăng 2 bậc so với năm 2023; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp thứ 44, tăng 4 bậc.
Đặc biệt, Chính phủ và Nvidia đã ký kết mở Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Trung tâm Dữ liệu AI. Đây là bước ngoặt lịch sử, giúp nước ta ghi dấu ấn trên bản đồ bán dẫn thế giới, trở thành một trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu châu Á và chủ động tham gia tái cấu trúc sản xuất toàn cầu.
Kết quả của năm 2024 càng có ý nghĩa khi đây là năm bản lề của Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội (2021 - 2025). Chúng ta đã vượt qua bối cảnh biến động, khó khăn, tiếp tục đạt mục tiêu tăng trưởng, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
- Để sẵn sàng cho kỷ nguyên mới cần duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Chính phủ đặt mục tiêu khá tham vọng là năm 2025 tăng trưởng 8%. Đâu là những động lực chính để giúp chúng ta đạt được mục tiêu này, thưa Bộ trưởng?
- Nước ta bước vào năm 2025 trong tâm thế mới, bản lĩnh, tự tin cùng khí thế quyết tâm cải cách, đổi mới, đột phá trong cả hệ thống chính trị, hướng tới đạt kết quả cao nhất Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội (2021 - 2025), chào mừng Đại hội XIV của Đảng và chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới.
Trong bối cảnh đó, dù tình hình thế giới dự báo tiếp tục rất khó khăn, thách thức, Chính phủ quyết tâm yêu cầu tăng trưởng 8% năm 2025, cao hơn mục tiêu Quốc hội đã quyết nghị (6,5 - 7%, phấn đấu 7 - 7,5%). Đây là mức tăng trưởng cao, nhiều thách thức, nhưng có thể đạt được và cần quyết tâm đạt được để tạo đà tăng trưởng bứt phá cho kỷ nguyên phát triển mới. Tôi xin nhấn mạnh 5 động lực chủ yếu sau đây.
Một là, sự đoàn kết, tinh thần đột phá, đổi mới của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng; sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Hai là, những thành tựu phát triển năm 2024 được tiếp nối, thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong năm 2025. Các ngành, các địa phương động lực phải phấn đấu tăng trưởng bứt phá, cao hơn năm 2024. Trong đó, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phải phấn đấu tăng trưởng 8 - 10% để phát huy vai trò đầu tàu hơn nữa.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược; trong đó, thể chế được xác định là “đột phá của đột phá” để tập trung tháo gỡ, hoàn thiện, nhằm giải phóng mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực đang bị tồn đọng cho phát triển. Năm 2025 là năm có nhiều thuận lợi trong giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành. Do đó, sẽ đóng góp ngay cho tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, các địa phương.
Bốn là, sự ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội và triển vọng tăng trưởng, phát triển của nước ta. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước cam kết đầu tư, gắn bó lâu dài, đồng hành cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Năm là, sự phát triển mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực mới, các mô hình kinh tế mới, động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế và khu vực…
Sẽ đẩy nhanh hoàn thiện thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo
- Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao, các định hướng và giải pháp lớn cần triển khai là gì, thưa Bộ trưởng?
- Trước hết, nhiệm vụ trọng tâm vẫn là đẩy mạnh hơn nữa đột phá về thể chế phát triển, trong đó tập trung rà soát, xử lý dứt điểm những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, những quy định không còn phù hợp thực tiễn. Đây cũng là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh.
Thứ hai, xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó lấy nguồn lực Nhà nước khơi dậy, dẫn dắt nguồn lực xã hội. Đặc biệt, đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, khu thương mại tự do… Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất mở rộng quyền tự quyết cho các địa phương có nguồn thu lớn trong huy động và sử dụng nguồn lực.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, đề cao ý thức tự lực, tự cường của các địa phương; Trung ương tập trung hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo phát triển, tăng cường kiểm tra, giám sát. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Cuối cùng, huy động nguồn đầu tư và cơ chế chính sách để hoàn thành dứt điểm các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại như đến năm 2025, hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc; cơ bản hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; triển khai xây dựng tuyến vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, và đưa vào hoạt động một số tuyến đường sắt đô thị tại hai đô thị này.
- 2025 cũng là năm có những thay đổi lớn trong tổ chức, sắp xếp bộ máy của các bộ, cơ quan và địa phương. Về phần mình, ngành kế hoạch - đầu tư sẽ làm gì để góp phần cụ thể hóa các mục tiêu tăng trưởng, thưa Bộ trưởng?
- Năm 2025, ngành kế hoạch - đầu tư và thống kê bước sang năm thứ 80. Toàn ngành sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy hơn nữa truyền thống quý báu của ngành, quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, cơ quan, đơn vị nào, phải phát huy hơn nữa truyền thống của ngành và của Bộ, tiếp tục khẳng định, nâng cao vị thế, vai trò của ngành kế hoạch và đầu tư trong công tác tổng hợp, tham mưu chiến lược về kinh tế - xã hội và nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển.
Ngành cũng tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là cơ quan thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội XIV của Đảng. Làm tốt công tác nghiên cứu, tham mưu định hướng, giải pháp phát triển đất nước, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để đưa đất nước tự tin bước vào kỷ nguyên phát triển mới và tạo đà cho giai đoạn tăng trưởng cao đến năm 2045. Theo dõi sát, nắm chắc tình hình thế giới, trong nước, nâng cao năng lực phân tích, dự báo để tham mưu các giải pháp, chính sách chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, mục tiêu là quyết tâm đạt được tốc độ tăng trưởng năm 2025 khoảng 8% gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!